Lỗi thị trường, lỗi chính sách...
“Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam chưa phát triển, kém minh bạch. Thông tin thiếu, manh mún và chưa đáng tin cậy. Điều này dẫn đến cả bên phát hành lẫn nhà đầu tư đều gặp những khó khăn trong quá trình bán và mua trái phiếu. Chưa kể, quy định hiện hành quá chặt và chưa hợp lý, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong tìm kiếm nguồn vốn qua kênh này”, một thành viên của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) nhìn nhận.
Ở góc độ nhà quản lý, Bộ Tài chính cho biết, đến cuối năm 2016, dư nợ của thị trường TPDN tương đương 5,27% GDP, trong khi quy mô của kênh tín dụng ngân hàng tương đương 116% GDP. Dư nợ thị trường TPDN Việt Nam thấp hơn nhiều so với mức bình quân khoảng 22% GDP của các nước trong khu vực, trong đó 99% khối lượng phát hành TPDN theo hình thức riêng lẻ.
Một mặt, quy mô của thị trường TPDN còn nhỏ do đặc điểm của hệ thống tài chính, kênh huy động vốn chủ yếu là tín dụng ngân hàng; nhận thức của doanh nghiệp về huy động vốn trái phiếu còn hạn chế; cơ sở nhà đầu tư còn mỏng; khung pháp lý về phát hành TPDN còn hạn chế nhất định.
Mặt khác, hệ thống pháp lý hiện hành còn tồn tại những bất cập. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng, Nghị định 90/2011 quy định phát hành TPDN riêng lẻ là phát hành trái phiếu cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chuyên nghiệp và không sử dụng phương tiện thông tin đại chúng hoặc internet.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, phần lớn các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đang hiểu trái phiếu riêng lẻ chỉ bị giới hạn khi phát hành cho dưới 100 nhà đầu tư trên thị trường sơ cấp, sau khi phát hành, việc giao dịch và nắm giữ trái phiếu trên thị trường thứ cấp không bị giới hạn. Vì vậy, có trường hợp TPDN được phát hành riêng lẻ, sau đó niêm yết giao dịch để tránh phát hành ra công chúng với tiêu chuẩn, điều kiện cao hơn.
Bên cạnh đó, Nghị định 90/2011 chưa quy định doanh nghiệp gọi vốn bằng trái phiếu chia thành nhiều đợt phát hành. Trong khi thực tế cho thấy, trong trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, để giảm thiểu chi phí huy động vốn, họ sẽ phát hành trái phiếu theo tiến độ và nhu cầu vốn của dự án.
Chưa kể, cơ chế hiện hành quy định báo cáo tài chính được kiểm toán của doanh nghiệp phát hành phải là báo cáo kiểm toán nêu ý kiến chấp nhận toàn phần, nhưng chưa quy định rõ trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu là công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ - công ty con, thì hồ sơ phát hành trái phiếu phải sử dụng báo cáo tài chính được kiểm toán của công ty mẹ hay báo cáo tài chính hợp nhất.
Đối với phát hành ra công chúng, theo quy định hiện hành, báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp phát hành phải được kiểm toán và là ý kiến chấp nhận toàn phần; trường hợp ý kiến kiểm toán là ngoại trừ thì khoản ngoại trừ phải không ảnh hưởng đến điều kiện chào bán và không phải là khoản ngoại trừ trọng yếu.
Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, quy định này quá chặt và không phù hợp. Điều này ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.
Và cách gỡ cho kênh trái phiếu doanh nghiệp lớn lên
Trước thực tế trên, dự thảo Nghị định bổ sung quy định về điều kiện phát hành trái phiếu làm nhiều đợt theo hướng ngoài việc đáp ứng các điều kiện phát hành trái phiếu, doanh nghiệp có nhu cầu phát hành trái phiếu làm nhiều đợt phải đáp ứng được điều kiện: có nhu cầu huy động vốn làm nhiều đợt phù hợp với mục đích phát hành trái phiếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có phương án phát hành trái phiếu nêu rõ số lượng đợt phát hành, dự kiến khối lượng, thời điểm phát hành và kế hoạch sử dụng vốn của từng đợt phát hành, đảm bảo thời gian phát hành của từng đợt không được kéo dài quá 90 ngày theo quy định của pháp luật chứng khoán...
Trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu là công ty mẹ, báo cáo tài chính được kiểm toán của doanh nghiệp phát hành bao gồm báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán của năm trước liền kề năm phát hành và báo cáo tài chính được kiểm toán của công ty mẹ năm trước liền kề năm phát hành, trong đó kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tại báo cáo tài chính hợp nhất phải có lãi.
Để tăng tính minh bạch trong quá trình huy động vốn trái phiếu nhằm bảo vệ nhà đầu tư, đồng thời đổi mới cơ chế và phương thức công bố thông tin theo thông lệ quốc tế, dự thảo Nghị định quy định việc thiết lập chuyên trang thông tin về TPDN tại sở giao dịch chứng khoán.
Theo đó, doanh nghiệp phát hành thực hiện công bố thông tin qua chuyên trang thông tin về TPDN tại sở giao dịch chứng khoán. Sở sẽ có trách nhiệm tổng hợp, theo dõi toàn bộ thông tin về TPDN để công bố thông tin cho nhà đầu tư, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu và báo cáo cơ quan quản lý...
Bên cạnh đó, ngoài quy định theo hướng doanh nghiệp phát hành lưu ký trái phiếu tại tổ chức được phép lưu ký (bao gồm Trung tâm Lưu ký hoặc tổ chức là thành viên lưu ký), dự thảo Nghị định quy định trách nhiệm của tổ chức lưu ký trong việc báo cáo, cung cấp thông tin về chủ sở hữu TPDN, đảm bảo phạm vi phát hành trái phiếu riêng lẻ và cung cấp thông tin tình hình trả nợ gốc, lãi trái phiếu cho sở giao dịch chứng khoán và cơ quan quản lý.
Đề xuất thêm một số hướng giải quyết vướng mắc, một thành viên của VBMA cho rằng, cần công khai thông tin ở mức cao nhất càng tốt, đặc biệt là thông tin về sức khỏe doanh nghiệp, về đợt phát hành để cung cầu dễ gặp nhau. Đặc biệt, cơ quan soạn thảo cần quy định chi tiết cơ chế chia sẻ thông tin từ sở giao dịch chứng khoán đối với nhà đầu tư khi họ có nhu cầu, tránh tình trạng xin cho, khiến bên mua, bên bán khó tiếp cận thông tin.
Ý kiến từ các thành viên thị trường còn đề nghị Bộ Tài chính sớm có giải pháp thúc đẩy sự ra đời tổ chức định mức tín nhiệm, cũng như mở ra cơ chế hình thành các nhà tạo lập thị trường, nhằm hỗ trợ thị trường TPDN phát triển…
Theo Bộ Tài chính, từ khi Nghị định 90/2011 có hiệu lực đến cuối năm 2016, đã có 367 đợt đăng ký phát hành TPDN theo hình thức riêng lẻ tại thị trường trong nước, với khối lượng đăng ký phát hành 183.550 tỷ đồng, trong đó có 359 đợt phát hành với khối lượng phát hành thực tế 129.636 tỷ đồng. Dư nợ TPDN phát hành trong nước đến cuối năm 2016 là 237.421 tỷ đồng, tương đương 5,27% GDP. Nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu chủ yếu là nhà đầu tư trong nước, nắm giữ khoảng 99% dư nợ TPDN; nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ khoảng 1%.