Gỡ bỏ rào cản trong xử lý nợ xấu

Gỡ bỏ rào cản trong xử lý nợ xấu

(ĐTCK) Để xử lý nợ xấu hiệu quả, cần xây dựng cơ chế đặc thù trong xử lý tài sản đảm bảo; rút gọn thủ tục tranh tụng liên quan.

Khủng hoảng kinh tế kéo theo nợ xấu gia tăng trong những năm qua đã làm ảnh hưởng đến quá trình luân chuyển vốn trong nền kinh tế. Nhiều giải pháp xử lý nợ xấu đã được hệ thống ngân hàng tích cực triển khai, nhưng để đẩy nhanh quá trình này, cần thiết phải gỡ bỏ một số rào cản pháp lý liên quan đến xử lý nợ xấu.

Gỡ bỏ rào cản trong xử lý nợ xấu ảnh 1Việc xử lý tài sản đảm bảo bằng bất động sản không dễ trong bối cảnh thị trường này đóng băng

 

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu và sau một thời gian chạy theo tăng trưởng tín dụng nóng, tình hình nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam đã tăng nhanh từ cuối năm 2010. Nợ xấu cao không chỉ ảnh hưởng đến năng lực tài chính, hiệu quả kinh doanh, mà được ví như “cục máu đông” cản trở quá trình tuần hoàn vốn của hệ thống tín dụng nói riêng và của nền kinh tế nói chung. Một bộ phận vốn ứ đọng, không luân chuyển được đã ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ quá trình phát triển của nền kinh tế. Xử lý nợ xấu được đặt ra như một nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành ngân hàng và cũng là nhiệm vụ chung của nền kinh tế. Trước tình hình đó, ngày 31/5/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 843/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD” và Đề án “Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam” để giải quyết tình trạng nợ xấu hiện tại trong hệ thống ngân hàng.

TP. HCM là trung tâm tài chính của cả nước với số lượng ngân hàng thương mại lớn nhất, bao gồm 14 ngân hàng thương mại cổ phần với 319 chi nhánh; 3 ngân hàng 100% vốn nước ngoài; 3 ngân hàng liên doanh; 30 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 14 công ty tài chính và cho thuê tài chính, 19 quỹ tín dụng nhân dân... Tại thời điểm 31/8/2013, tỷ lệ nợ xấu của 14 ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn là 3,54% (cuối năm 2012 là 2,97%). Thời gian qua, các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn đã có nhiều giải pháp để xử lý nợ xấu, nhưng nhìn chung, các giải pháp được sử dụng chủ yếu là: sử dụng quỹ dự phòng rủi ro; xử lý qua thi hành án, khởi kiện ra tòa; thu nợ bằng tiền và xử lý tài sản bảo đảm nợ vay.

Thực tiễn cho thấy, việc xử lý nợ bằng việc khởi kiện ra tòa sẽ rất phức tạp và mất nhiều thời gian do vướng rất nhiều thủ tục thi hành án. Bên cạnh đó, việc xử lý tài sản của khách hàng cũng không dễ trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản đóng băng. Giải pháp thu nợ bằng tiền là giải pháp tốt nhất với các TCTD, nhưng không dễ dàng, vì doanh nghiệp gặp khó khăn, chưa có nguồn thu để trả nợ.

Riêng việc sử dụng quỹ dự phòng rủi ro để xử lý thu hồi nợ xấu, theo báo cáo của 14 ngân hàng thương mại cổ phần có hội sở chính trên địa bàn TP. HCM, trong năm 2012, các ngân hàng này đã trích lập dự phòng rủi ro khoảng 4.600 tỷ đồng và đã sử dụng để xử lý rủi ro khoảng 2.500 tỷ đồng. Ba tháng đầu năm 2013, các TCTD trên địa bàn đã trích lập dự phòng rủi ro khoảng 3.000 tỷ đồng và sử dụng để xử lý rủi ro gần 1.800 tỷ đồng. Số dư quỹ dự phòng rủi ro đến cuối quý III/2013 vào khoảng 9.400 tỷ đồng.

Có thể nói, bán nợ xấu cho VAMC là giải pháp xử lý nợ xấu khả thi nhất trong giai đoạn hiện nay đối với các ngân hàng thương mại, giúp các ngân hàng lành mạnh hóa tình hình tài chính. Theo quy định, các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu từ 3% trở lên bắt buộc phải bán nợ cho VAMC. Kế hoạch của các ngân hàng trên địa bàn TP. HCM từ nay đến cuối năm sẽ bán khoảng 6.000 tỷ đồng nợ xấu. Hiện đã có SCB, SouthernBank ký hợp đồng bán nợ với VAMC.

Để đạt được hiệu quả trong việc xử lý nợ xấu, thiết nghĩ, cần có những giải pháp tổng thể, cũng như sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng, mà trước tiên phải tập trung vào việc xây dựng cơ chế đặc thù trong xử lý tài sản đảm bảo; rút gọn trình tự, thủ tục tranh tụng liên quan tới các tranh chấp giữa các tổ chức tín dụng và khách hàng không có khả năng trả nợ…, vốn đang là những rào cản đối với việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.