Theo Nghị định 73/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm mới ban hành, có hiệu lực từ tháng 7/2016, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm muốn mở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc chuyển đổi văn phòng đại diện thành chi nhánh chỉ cần đáp ứng các quy định về biên khả năng thanh toán; không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm với tổng số tiền từ 400 triệu đồng trở lên trong thời hạn 12 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị mở chi nhánh, văn phòng đại diện; có quy chế tổ chức và hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện; có bằng chứng về quyền sử dụng địa điểm đặt trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện…
Như vậy, việc thay đổi quy định doanh nghiệp bảo hiểm chỉ có thể mở địa điểm kinh doanh trên những địa bàn đã có trụ sở, chi nhánh sẽ giúp các doanh nghiệp đỡ phải tốn thêm chi phí cho việc mở và quản lý hoạt động của các chi nhánh ở những địa phương mà doanh nghiệp nhận thấy không cần, hoặc chưa cần có quy mô cấp chi nhánh.
Ngoài ra, việc loại bỏ quy định không cần thiết này tại Nghị định 73 cũng giúp doanh nghiệp tinh giản được bộ máy vì không phải lập chi nhánh nếu muốn mở địa điểm kinh doanh tại một tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
Bên cạnh đó, quy định về đào tạo đại lý/tư vấn bảo hiểm như Dự thảo Nghị định yêu cầu là “đại lý bảo hiểm sẽ phải thực hiện thi lấy chứng chỉ mới khi chuyển từ doanh nghiệp bảo hiểm này sang doanh nghiệp bảo hiểm khác” cũng được sửa đổi như kiến nghị của doanh nghiệp bảo hiểm, bởi quy định như vậy sẽ gây lãng phí tiền bạc và thời gian đào tạo của doanh nghiệp.
Một quy định mới mà các doanh nghiệp bảo hiểm đánh giá là cần thiết, là việc “cá nhân đã được cấp chứng chỉ đại lý nhưng không hoạt động đại lý trong thời hạn 3 năm liên tục phải thực hiện thi lấy chứng chỉ đại lý mới trước khi hoạt động đại lý”. Bởi sau 3 năm không hoạt động trong ngành, các kiến thức sẽ bị mai một, nếu đại lý bảo hiểm quay lại hành nghề thì bắt buộc phải thi lấy lại chứng chỉ.
Bên cạnh đó, theo quy định mới này, các nguyên tắc hoạt động của đại lý bảo hiểm đã được làm rõ, như tổ chức, cá nhân không được đồng thời làm đại lý cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài khác nếu không được chấp thuận bằng văn bản của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài mà mình đang làm đại lý; không được thông tin, quảng cáo sai sự thật về nội dung, phạm vi hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, điều kiện và điều khoản bảo hiểm làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm; không được ngăn cản bên mua bảo hiểm cung cấp các thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm hoặc xúi giục bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm không kê khai các chi tiết liên quan đến hợp đồng bảo hiểm; không được tranh giành khách hàng dưới các hình thức ngăn cản, lôi kéo, mua chuộc, đe dọa nhân viên hoặc khách hàng của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm khác…
Chưa kể, Nghị định cũng quy định khá chi tiết các điều kiện mà đại lý bán bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí,... theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP phải thực hiện.
Theo các chuyên gia trong ngành, quy định mới đã cơ bản đáp ứng được mong mỏi của các doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, vẫn còn có ý kiến băn khoăn về việc làm cách nào kiểm soát những đại lý không còn hoạt động trong ngành, nhưng chưa được xóa tên trong danh sách đại lý của các công ty bảo hiểm. Khi đó, nếu quay lại thị trường, họ không phải thi lấy chứng chỉ, bởi trên danh nghĩa, họ vẫn có tên trong nhóm đại lý của các công ty bảo hiểm.
Ngoài ra, dù Nghị định 73 đã quy định rõ những những việc đại lý bảo hiểm không được làm, nhưng thực tế việc lôi kéo đại lý hay khách hàng… vẫn xảy ra. Chính vì thế, ngoài quy định kể trên, cần phải có những chế tài thật nghiêm khắc cho các hành vi này.