Theo ông Hùng, ngành may năm nay sáng sủa hơn bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có việc Liên minh châu Âu (EU) áp dụng chế độ ưu đãi thuế quan (GSP) cho Việt Nam, còn những thị trường cạnh tranh với Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan…, thì vẫn áp dụng thuế suất bình thường, mức chênh lệch lên đến 9%.
Ngày 12/4/2014, GMC sẽ tổ chức ĐHCĐ, thông qua các kế hoạch như: giai đoạn 2014 – 2018 đạt doanh thu hợp nhất tối thiểu 1.800 tỷ đồng/năm, lợi nhuận trên 50% vốn điều lệ (hiện là 106 tỷ đồng), cổ tức trên 20%. GMC sẽ chuyển dần từ sản xuất qua thương mại trên cơ sở lợi thế FOB - nhà sản xuất chủ động nguyên liệu đầu vào, gia công và bán thành phẩm, tức GMC có thể hợp tác để làm FOB với DN khác, hoặc cung cấp nguyên phụ liệu nếu có yêu cầu, hoặc nhận dịch vụ phát triển mẫu.
Bên cạnh đó, GMC chuyển đổi dần phương thức kinh doanh từ FOB chỉ định (khách hàng chỉ định nguồn mua nguyên phụ liệu theo mẫu thiết kế) sang phương thức kinh doanh ODM (tự phát triển nguyên phụ liệu trên cơ sở thiết kế mẫu chào khách). Để chuẩn bị cho việc này, GMC đã cùng Blue Exchange thành lập Công ty TNHH hai thành viên May Sài Gòn Xanh (GMC sở hữu 51% vốn).
Theo ông Hùng, sở dĩ GMC chọn Blue Exchange là đối tác bởi họ có kinh nghiệm về thương mại, phát triển mẫu, tổ chức hệ thống bán lẻ tốt. Bản thân ông chủ của Blue Exchange và người em đều là cổ đông lớn tại GMC (chiếm 24%), tức lợi ích của họ gắn liền với GMC. Đặc biệt, Blue Exchange đã từng tổ chức sản xuất, gia công cho thị trường Mỹ và đương nhiên họ có mối quan hệ, có kinh nghiệm.
GMC cũng sẽ tiếp tục tăng năng lực sản xuất, dự kiến đến năm 2018 đạt khoảng 100 dây chuyền may, gấp đôi con số hiện tại. Hiện Công ty TNHH Tân Mỹ ở Bà Rịa - Vũng Tàu (GMC sở hữu 100% vốn), giai đoạn 1 đã lấp đầy 18 dây chuyền may, dự kiến cuối năm 2018 sẽ lấp đầy 36 dây chuyền. Còn Sài Gòn Xanh có một nhà máy ở Quảng Nam, quy mô lấp đầy từ 20 - 25 dây chuyền, hiện giai đoạn 1 có 8 dây chuyền. Đây là đơn vị chủ lực thực hiện các đơn hàng mà chi nhánh của GMC tại Mỹ (thành lập tháng 8/2013) mang về.