Giúp nhà đầu tư hiểu rõ “sức khoẻ” của doanh nghiệp

Giúp nhà đầu tư hiểu rõ “sức khoẻ” của doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chắt lọc thông tin, phân tích về doanh nghiệp, thị trường là công việc mà các phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán đang làm hàng ngày để giúp bạn đọc/nhà đầu tư có thêm kênh tham khảo chính thống, khách quan.

Làm sinh động các con số khô khan

Là tờ báo chuyên sâu về tài chính - chứng khoán, bên cạnh việc đưa tin, phản ánh những thông tin, sự kiện có liên quan, tác động tới thị trường tài chính, chứng khoán và thông tin hoạt động của các thành viên thị trường, phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán cần phải trang bị cho mình kiến thức nhất định về tài chính để có thể “đọc” và phân tích về bức tranh tài chính của doanh nghiệp, để có thể truyền tải tới nhà đầu tư - những độc giả của tờ báo - cách nhìn khách quan nhất có thể về sức khỏe của doanh nghiệp, giúp nhà đầu tư có thêm kênh tham khảo trước khi đưa ra quyết định đầu tư của mình.

Thực tế, nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán có thể là bất cứ ai, họ có thể là những nhà đầu tư “tay ngang” chưa biết gì về tài chính, chứng khoán, cũng có thể là người am hiểu về lĩnh vực nào đó mà họ đang làm việc…, nhưng không đủ thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu hết tất các lĩnh vực, các doanh nghiệp đang niêm yết.

Vì vậy, họ thường tìm kiếm các thông tin, phân tích từ các kênh khác nhau, trong đó nhiều người được công ty chứng khoán nơi mình mở tài khoản cung cấp các báo cáo phân tích, hay tìm kiếm thông tin từ đội ngũ phân tích, chuyên viên tư vấn, môi giới.

Tuy nhiên, để có thêm các thông tin, phân tích, đánh giá nhanh chóng, khách quan, nhà đầu tư còn tìm đến các kênh thông tin tài chính chính thống, trong đó Báo Đầu tư Chứng khoán là một trong những kênh được nhiều nhà đầu tư tin tưởng.

Hiểu được tầm quan trọng như vậy, Báo Đầu tư Chứng khoán đã xây dựng các chuyên mục phản ánh và phân tích chuyên sâu về hoạt động của doanh nghiệp cả trên báo in và báo điện tử. Trong đó, chuyên mục “360° DOANH NGHIỆP” trên báo điện tử www.tinnhanhchungkhoan.vn cập nhập về tình hình hoạt động, kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết hàng ngày, cùng với các bài phân tích, đánh giá về bức tranh tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp theo quý, bán niên và cả năm.

Các bài phân tích không chỉ là các con số doanh thu, lợi nhuận, mà còn nhiều chỉ tiêu tài chính quan trọng hơn nhiều mà nhà đầu tư thường không mấy để ý, nhất là các sai lệch, lưu ý của kiểm toán (nếu có) trong báo cáo kiểm toán bán niên và năm so với báo cáo doanh nghiệp tự lập, qua đó giúp nhà đầu tư có cái nhìn rõ hơn, toàn diện hơn về hoạt động của doanh nghiệp trong kỳ vừa qua và phần nào có thể dự báo được hoạt động của doanh nghiệp trong tương lai.

Tuy nhiên, hiểu được các con số trong báo cáo tài chính là một chuyện, còn việc truyền tải như thế nào để bạn đọc, trong đó có nhiều độc giả là nhà đầu tư cá nhân không chuyên về tài chính và thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực và độ tuổi khác nhau hiểu là chuyện khác. Do đó, đội ngũ làm báo của Báo Đầu tư Chứng khoán luôn nỗ lực mềm hóa các con số khô khan, diễn giải theo cách sinh độc, dễ hiểu nhất cho độc giả qua những bảng biểu và đồ thị.

Gợi mở cơ hội, cảnh báo rủi ro

Khi viết tin bài phản ánh, phân tích về sức khỏe tài chính của doanh nghiệp, phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán cố gắng khai thác theo hai hướng, vừa gợi mở cơ hội, vừa chỉ ra những dấu hiệu rủi ro để cảnh báo nhà đầu tư.

Chẳng hạn, cuối năm 2022, khi thị trường chứng khoán lao dốc, giá cổ phiếu VIX của CTCP Chứng khoán VIX giảm sâu, nhưng Đầu tư Chứng khoán đã phân tích báo cáo tài chính của doanh nghiệp và nhận thấy có nhiều cơ hội một khi thị trường chứng khoán hồi phục.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính của VIX, tại thời điểm 31/12/2022, danh mục các tài sản tài chính của Công ty ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) là 4.892,2 tỷ đồng, chiếm hơn 60% tổng tài sản. Trong đó, Công ty thuyết minh chủ yếu đầu tư 838,5 tỷ đồng cổ phiếu EIB, 311,7 tỷ đồng cổ phiếu GEX, 252,8 tỷ đồng cổ phiếu NVL, 210,2 tỷ đồng cổ phiếu VGC…

Việc thị trường chứng khoán chạm đáy ngày 15/11/2022 và sau đó hồi phục, điều này là cơ sở cho dự báo danh mục tự doanh chiếm tới 60% tổng tài sản của Chứng khoán VIX sẽ hồi phục mạnh và giúp hoạt động kinh doanh của Công ty khởi sắc.

Đúng như dự báo, trong 6 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận của Chứng khoán VIX đã tăng 76,4%, lên 576 tỷ đồng, nguyên nhân chính chủ yếu liên quan tới giá cổ phiếu trong danh mục FVTPL tăng mạnh. Điều này, cùng với diễn biến chung của thị trường chứng khoán, giúp cổ phiếu VIX tăng hơn 91% trong 6 tháng đầu năm và nếu tính từ đầu năm tới ngày 19/9, cổ phiếu VIX tăng tới hơn 230%.

Tương tự như vậy, thời điểm cuối năm 2022, trên báo cáo tài chính của CTCP Gemadept (mã GMD), đơn vị này có nhận khoản đặt cọc 1.000 tỷ đồng liên quan tới chuyển nhượng cảng. Ngược lại, cũng tại thời điểm cuối năm 2022, trên báo cáo của CTCP Container Việt Nam (mã VSC) ghi nhận đặt cọc để thực hiện nhận chuyển nhượng cổ phần/phần vốn góp 300 tỷ đồng so với đầu năm không ghi nhận; ghi nhận ký cược, ký quỹ 827,2 tỷ đồng so với đầu năm ghi nhận 2,3 tỷ đồng.

Những dữ liệu đột biến trên cùng với chủ trương thoái vốn tại cảng Nam Hải Đình Vũ của Gemadept, đồng thời, Container Việt Nam thông qua kế hoạch chào bán cổ phiếu để mua một cảng ở Hải Phòng, là những dữ liệu để Báo Đầu tư Chứng khoán gợi mở thêm câu chuyện lợi nhuận đột biến tại Gemadept khi thoái vốn tại cảng Nam Hải Đình Vũ. Điều này cũng được Công ty chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.

Kết thúc nửa đầu năm 2023, Gemadept đã ghi nhận lãi tăng 202% so với cùng kỳ, lên 1.972,05 tỷ đồng và thương vụ thoái vốn chính thức công bố trong tháng 4/2023.

Ngược lại, sau khi nhận biết được nhóm chủ đầu tư dự án bất động sản gặp khó khăn về thanh khoản dẫn tới hàng loạt đơn vị không thể trả nợ đúng hạn cam kết với nhà cung cấp vật liệu, phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán đã cảnh báo rủi ro nợ xấu gia tăng tại CTCP Đầu tư Thương mại SMC (mã SMC), đơn vị đã cung cấp vật liệu xây dựng cho nhiều chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng.

Tại thời điểm 30/6/2023, trong báo cáo tài chính, SMC công bố danh sách tổng các khoản phải thu, trả trước người bán quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn nhưng khó có khả năng thu tiền lên tới 760,14 tỷ đồng, giá trị có thể thu hồi chỉ là 487,3 tỷ đồng (phát sinh nợ xấu vì nguy cơ không thể thu hồi). Trong đó, SMC công bố danh sách hàng loạt chủ đầu tư, công ty xây dựng phát sinh nợ quá hạn chưa thu hồi như dự báo trước đó.

Về hoạt động kinh doanh, trong nửa đầu năm 2023, SMC ghi nhận doanh thu đạt 7.433 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ghi nhận lỗ 385,46 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 130,11 tỷ đồng, tức giảm 515,57 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 3%, về chỉ còn 0,8%.

Với việc ghi nhận lỗ thêm 385,46 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023, tính tới 30/6/2023, SMC đã ghi nhận lỗ luỹ kế 41,9 tỷ đồng (đầu năm lãi luỹ kế 343,6 tỷ đồng).

Hay như tại nhóm bán lẻ sản phẩm công nghệ, khi tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG) và biết Công ty phát đi thông điệp tham gia cuộc chiến về giá, phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán cũng đã đưa ra phân tích về tồn kho sản phẩm công nghệ có nguy cơ lỗi thời, việc nhu cầu yếu có thể dẫn tới kết quả kinh doanh của Công ty lao dốc khi bước vào cuộc chiến về giá, do biên lợi nhuận đều thu hẹp khi hạ giá bán.

Kết quả nửa đầu năm 2023, tất cả nhóm công ty hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ sản phẩm công nghệ đều công bố kết quả lao dốc.

Bên cạnh đó, còn có nhiều trường hợp khi giá hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp có dấu hiệu biến động thuận lợi hay bất lợi, phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán ngay lập tức phân tích về tồn kho của các công ty, từ đó đánh giá về việc hưởng lợi tồn kho giá rẻ hay phải trích lập dự phòng tồn kho giá cao, giúp nhà đầu tư có cái nhìn khách quan, tổng thể về tương lai của doanh nghiệp…

Báo Đầu tư Chứng khoán đang và sẽ tiếp tục là cầu nối giữa các thành viên thị trường, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư để cùng góp phần phần giúp thị trường tài chính nói chung, thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng phát triển bền vững.

Tin bài liên quan