Kêu gọi hợp tác chống đối phó thách thức chung
Phát biểu trong cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 21/9, Tổng thống Mỹ Biden cho biết, thế giới đang ở “giai đoạn bước ngoặt trong lịch sử”, đồng thời kêu gọi các quốc gia hợp lực để ứng phó với những mối đe dọa như biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19 và tham nhũng.
Sau khi kết thúc cuộc chiến không ngừng nghỉ kéo dài 20 năm tại Afghanistan, Tổng thống Biden tuyên bố Mỹ đã sẵn sàng cho một kỷ nguyên mới và sẽ đối phó với các mối đe dọa xuyên quốc gia hiện đại bằng nỗ lực ngoại giao, viện trợ phát triển, quan hệ đối tác chứ không phải lực lượng quân sự.
Mặc dù Mỹ không tìm kiếm một “cuộc chiến tranh Lạnh mới” nhưng vẫn có ý định “cạnh tranh mạnh mẽ” với các cường quốc mới nổi - những nước không sẵn sàng chia sẻ các giá trị hoặc lợi ích của mình, Tổng thống Biden cho biết trong một tuyên bố ám chỉ Trung Quốc.
Trong bài phát biểu đầu tiên tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc với tư cách là Tổng thống Mỹ, ông Biden đã kêu gọi sự đoàn kết toàn cầu: “Thay vì tiếp tục các cuộc chiến trong quá khứ, chúng tôi đang cố gắng tập trung các nguồn lực để để đối phó những thách thức đang quyết định tương lai tập thể của chúng ta. Đó là chấm dứt đại dịch, giải quyết khủng hoảng khí hậu, quản lý sự chuyển đổi trong động lực sức mạnh toàn cầu, định hình các quy tắc của thế giới về những vấn đề rất quan trọng như thương mại, công nghệ không gian mạng và mới nổi, và đối mặt nguy cơ chủ nghĩa khủng bố”.
“An ninh, thịnh vượng và các quyền tự do của chúng ta được kết nối với nhau theo cách chưa từng có trước đây. Vì vậy, tôi tin rằng, chúng ta cần phải hợp tác chặt chẽ với nhau hơn bao giờ hết”.
Biden từ lâu đã là một gương mặt nổi tiếng trên trường quốc tế do ông có quãng thời gian dài làm việc tại Thượng viện – nơi ông từng là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại và tiếp đến là phó tổng thống trong chính quyền Barack Obama.
Do đó nội dung phát biểu của ông, bao gồm cam kết gia tăng viện trợ và sự ủng hộ của Mỹ đối với các chương trình liên quan đến đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu không gây bất ngờ.
Nỗ lực trấn an đồng minh
Trong thời gian qua, Tổng thống Biden đã nêu bật nhiều chủ đề nhằm hối thúc xây dựng các mối quan hệ đối tác toàn cầu mạnh mẽ hơn, chứng tỏ sự khác biệt so với những chính sách gây tranh cãi của người tiền nhiệm Donald Trump.
Tuy vậy, nhiều đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, trong đó có cả những thành viên thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), vẫn tỏ ra thất vọng với cách Tổng thống Biden xử lý việc rút quân khỏi Afghanistan.
Một số quan chức châu Âu cho rằng, hành động của Mỹ diễn ra quá vội vàng và thiếu sự tham vấn kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, việc Mỹ thừa nhận, cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào tổ chức khủng bố IS-K ở thủ đô Kabul của Afghanistan gần đây khiến 10 dân thường thiệt mạng, càng khiến uy tín của ông Biden suy giảm.
Chưa kể, chính quyền Biden cũng phải hứng chịu nhiều chỉ trích về quyết định thành lập liên minh an ninh mới mang tên AUKUS giữa Anh-Australia-Mỹ khiến Canberra hủy bỏ thỏa thuận đóng tàu ngầm trị giá hàng tỷ USD với Pháp. Pháp – đồng minh lâu năm nhất của Mỹ đã tức giận nói rằng họ không được tham vấn và hầu như không đưa ra bất cứ thông báo nào về thỏa thuận AUKUS. Các quan chức Pháp chỉ trích quyết định của chính quyền Biden, gọi đó là “sự phản bội” và “một nhát dao đâm sau lưng”.
Sự phản đối mạnh mẽ của Pháp đã gây ra nhiều hoài nghi tại Liên minh châu Âu (EU), khiến các quan chức châu Âu đặt câu hỏi liệu ông Biden có đang theo đuổi phiên bản nhẹ nhàng hơn của chính sách “nước Mỹ trên hết” được đưa ra dưới thời cựu Tổng thống Trump hay không.
Các quan chức Mỹ đã nỗ lực thu xếp một cuộc điện đàm giữa Tổng thống Biden với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron với mong muốn mọi chuyện sẽ được giải quyết ổn thỏa. Tuy nhiên, ông Macron vẫn chưa đồng ý thực hiện cuộc điện đàm này.
Phản ứng trước những mối nghi ngờ nói trên, Tổng thống Biden lên tiếng bảo vệ chính sách của ông trong 8 tháng qua. Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định, ông “đã ưu tiên xây dựng lại các liên minh, khôi phục các quan hệ đối tác” nhấn mạnh, “những mối quan hệ này rất cần thiết và quan trọng đối với an ninh và thịnh vượng lâu dài của Mỹ”.
“Mỹ sẵn sàng làm việc với bất kỳ quốc gia nào ủng hộ và theo đuổi giải pháp hòa bình đối với những thách thức chung, ngay cả khi chúng ta có bất đồng gay gắt trong các lĩnh vực khác. Bởi vì tất cả chúng ta đều phải gánh chịu hậu quả cho thất bại của chính mình", ông Biden nêu quan điểm.
Như thường lệ, trong bài phát biểu, ông Biden đề cập chính sách không phổ biến vũ khí hạt nhân, nhắc đến Iran và Triều Tiên, yêu cầu chấm dứt giao tranh ở Ethiopia và Yemen. Nhà lãnh đạo Mỹ không hề nhắc đến “Nga” hoặc “Trung Quốc”, nhưng giới phân tích cho rằng, phần lớn bài phát biểu của ông nhằm vào hai cường quốc hạt nhân đối đầu với Mỹ, đặc biệt là Trung Quốc.
Tổng thống Biden cho biết, Mỹ đang tăng cường khả năng phòng thủ chống lại các cuộc tấn công mạng. Ông cũng cam kết theo đuổi các quy tắc thương mại nhằm tạo ra sân chơi bình đẳng cho tất cả các quốc gia và khẳng định tầm quan trọng của việc cho phép tự do hàng hải trên các vùng biển.
Theo các nhà phân tích, phần lớn bài phát biểu của Tổng thống Biden tập trung vào những thách thức vượt qua các ranh giới quốc tế. Bên cạnh vấn đề biển đổi khí hậu và đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 4,5 triệu người trên thế giới, ông Biden cũng mô tả tham nhũng là một tai họa “làm gia tăng sự bất bình đẳng, bòn rút tài nguyên của một quốc gia, lan rộng qua biên giới và gây đau khổ cho con người”.
Nhà lãnh đạo Mỹ đã nhận được tràng pháo tay lớn khi kết thúc bài phát biểu với ý tưởng rằng, các nhà lãnh đạo trên thế giới cần phải quyết định những gì họ sẽ để lại cho các thế hệ mai sau.
“Hôm nay, tôi đứng đây khi lần đầu tiên trong vòng 20 năm nước Mỹ không có mặt trong một cuộc chiến nào. Chúng tôi đã bước sang trang mới. Tất cả sức mạnh, năng lượng, cam kết, ý chí và nguồn lực của đất nước của chúng tôi giờ đây hoàn toàn tập trung vào tương lai, chứ không phải những gì đã ở phía sau”, Tổng thống Biden tuyên bố.