Giữa bão giá toàn cầu, một số quốc gia vẫn có lạm phát thấp

Giữa bão giá toàn cầu, một số quốc gia vẫn có lạm phát thấp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đối mặt với sự bất bình của dư luận về chi phí sinh hoạt, các nhà hoạch định chính sách muốn chỉ ra rằng giá cả tăng cao là một hiện tượng toàn cầu. Tuy nhiên, điều đó không hẳn diễn ra ở một số nước phương Đông.

“Mọi quốc gia trên thế giới đang phải gánh chịu một phần lớn của lạm phát này”, Tổng thống Joe Biden cho biết vào ngày 10/6 sau khi Mỹ báo cáo mức lạm phát lớn nhất kể từ năm 1981.

Chi phí nhiên liệu, phân bón, ngũ cốc và các mặt hàng khác đã tăng ở khắp mọi nơi sau khi xung đột Nga-Ukraine leo thang vào cuối tháng 2, nhưng không phải tất cả các quốc gia trên toàn cầu đều đang đối mặt với lạm phát cao.

Trong số 42 nền kinh tế lớn được đưa vào chỉ báo của tờ The Economist, 8 nền kinh tế vẫn có lạm phát dưới 4%. Sáu trong số tám nền kinh tế đó là ở Đông Á hoặc Đông Nam Á. Trong đó, cụ thể hơn là Việt Nam (lạm phát trong tháng 5 là 2,9% so với cùng kỳ) và Ma Cao (lạm phát trong tháng 4 là 1,1% so với cùng kỳ).

Lạm phát ở nhiều quốc gia châu Á vẫn dưới 4%

Lạm phát ở nhiều quốc gia châu Á vẫn dưới 4%

Điều gì giải thích cho ngoại lệ của lạm phát ở phương Đông?

Một phần của lời giải thích nằm ở sự lây lan của hai căn bệnh. Theo một số ước tính của The Economist, một đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi từ năm 2018 đến năm 2021 đã tàn phá đàn lợn ở Trung Quốc và có tới 200 triệu con lợn bị tiêu hủy, làm tăng đáng kể giá thịt lợn - một loại lương thực chính ở Đông Á. Tuy nhiên, giá sau đó đã giảm mạnh trở lại.

Một căn bệnh chống lạm phát khác trong khu vực là Covid-19. Nhiều quốc gia ở châu Á chuyển sang sống chung với virus chậm hơn và miễn cưỡng hơn so với phương Tây.

Indonesia đã không hoàn toàn bỏ kiểm dịch đối với khách quốc tế cho đến ngày 22/3. Tại Malaysia, việc đi lại và di chuyển đã không trở lại bình thường cho đến đầu tháng 5. Đài Loan (Trung Quốc) vẫn thận trọng ngay cả bây giờ. Thành công của các quốc gia trong việc ngăn chặn Covid trong quá khứ đã khiến người dân của các quốc gia này ít có khả năng miễn dịch tự nhiên hơn và ít quan niệm cho rằng căn bệnh này là không thể tránh khỏi như phương Tây.

Trung Quốc vẫn tiếp tục áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt đối với việc di chuyển và tụ tập của người dân ở bất cứ nơi nào xuất hiện ca nhiễm. Các vụ đóng cửa gần đây ở Thượng Hải và các nơi khác đã cản trở cả khả năng cung cấp hàng hóa của nền kinh tế và mức độ sẵn sàng mua hàng hóa của người tiêu dùng.

Sự gián đoạn kép này đối với cung và cầu về lý thuyết có thể làm di chuyển giá cả theo cách nào đó, nhưng thiệt hại đối với chi tiêu của người tiêu dùng dường như nghiêm trọng và dai dẳng hơn. Vào tháng 5 và cũng là tháng thứ hai mà thành phố Thượng Hải đóng cửa, doanh số bán lẻ đã giảm gần 10% (theo giá thực tế) so với một năm trước đó, ngay cả khi sản xuất công nghiệp tăng 0,7%.

Hạn chế đối với du lịch xuyên biên giới đã và đang tàn phá các nền kinh tế của Hồng Kông và đặc biệt là Ma Cao vốn phụ thuộc vào du khách từ đại lục đến các sòng bạc. GDP của Ma Cao trong quý I/2022 chưa bằng một nửa quy mô đạt được trong cùng kỳ năm 2019. Trong bối cảnh đó, mức lạm phát quanh 1% ở Ma Cao không có vẻ là quá thần kỳ.

Lạm phát tăng cao ở phương Tây

Ở phương Tây, lạm phát cao đã buộc nhiều nhà hoạch định chính sách kinh tế trở nên diều hâu hơn. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào ngày 15/6, nhanh hơn kế hoạch.

Sự vội vàng mới của Fed trong việc chống lạm phát đang làm phức tạp thêm cuộc chiến chống lại lạm phát của Đông Á. Lãi suất cao hơn ở Mỹ đã thu hút dòng vốn toàn cầu, gây áp lực đi xuống đối với tiền tệ của châu Á. Hồng Kông cố định tiền tệ của mình với đồng đô la Mỹ, Ma Cao cố định tiền tệ của mình với Hồng Kông, theo đó đã bị buộc phải tăng lãi suất một ngày sau khi Fed làm như vậy. Malaysia và Đài Loan cũng đã tăng lãi suất trong năm nay và lãi suất ở Indonesia đang mức 3,5% và được dự báo sẽ tăng vào tháng tới.

Malaysia và Indonesia cũng đã thử nghiệm một công cụ ít chính thống hơn để kiểm soát giá cả tăng là lệnh cấm xuất khẩu. Indonesia đã cấm xuất khẩu dầu cọ ra nước ngoài trong một thời gian ngắn và Malaysia vẫn giữ lệnh cấm xuất khẩu thịt gà. Tuy nhiên, các chính sách này có thể phản tác dụng nếu giá giảm khiến nông dân địa phương cắt giảm sản lượng.

Những lệnh cấm như vậy cũng làm trầm trọng thêm lạm phát ở những nơi khác trong khu vực. Đặc biệt, Singapore phụ thuộc vào nhập khẩu gia cầm từ Malaysia. Sự gần gũi và cạnh tranh về kinh tế của hai quốc gia này đang dần trở nên khó khăn.

Một ngoại lệ cho xu hướng thắt chặt này là Nhật Bản. Tại cuộc họp ngày 17/6, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) nhắc lại cam kết mua nhiều trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm nếu cần thiết để giữ lợi suất không quá 0,25%. BOJ quyết tâm bám sát mức lãi suất này ngay cả khi lợi suất tương đương ở Mỹ đã tăng mạnh lên hơn 3,2%. Chênh lệch lợi suất này đã góp phần khiến đồng yên lao dốc, đồng tiền này đã giảm xuống mức thấp nhất so với đồng đô la kể từ năm 1998.

Đồng yên yếu sẽ đẩy giá nhập khẩu lên cao, góp phần gây ra lạm phát ở Nhật Bản. Nếu lạm phát cao hơn kéo dài, mọi người sẽ kỳ vọng vào điều đó và đòi hỏi mức lương thưởng hậu hĩnh hơn. Mặt khác, mức lương cao hơn sẽ đẩy giá lên, làm cho kỳ vọng lạm phát tăng cao.

Ở một số quốc gia châu Á, một vòng xoáy giá lương như vậy là điều đáng lo ngại, nhưng ở Nhật Bản, đó là điều mà các nhà hoạch định chính sách đã tìm kiếm từ lâu. Sau nhiều năm nhu cầu yếu và giá cả giảm, kỳ vọng lạm phát đã trở nên thấp một cách nguy hiểm và khiến BOJ khó có thể vực dậy nền kinh tế trong thời kỳ suy thoái và cản trở giảm phát trở lại. Giống như mọi nơi khác, Nhật Bản đang lạm phát nhưng BOJ lại muốn Nhật Bản lạm phát cao hơn nữa.

Tin bài liên quan