Một nguồn tin từ Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh nhận xét, người Thái tràn vào doanh nghiệp nhanh hơn những gì lãnh đạo công ty này cũng như người lao động dự liệu.
Quả thực, ngay sau khi hoàn tất thương vụ mua lại phần vốn nhà nước từ Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), nhà đầu tư ngoại đã giới thiệu ứng viên và có 3/5 thành viên Hội đồng quản trị.
Nếu tính cán cân quyền lực và quyết định theo số phiếu quá bán trong Hội đồng quản trị thì có thể thấy người Thái hoàn toàn chi phối Nhựa Bình Minh.
Về tỷ lệ cổ phần trong doanh nghiệp, Nawaplastic Industries đã tăng tỷ lệ nắm giữ từ hơn 44,09 triệu cổ phiếu, chiếm 53,86% tại Nhựa Bình Minh lên hơn 44,21 triệu cổ phiếu, chiếm 54,007%.
Cùng với việc đưa người vào Hội đồng quản trị, Nhựa Bình Minh dưới thời cổ đông ngoại nắm chi phối cũng thay đổi Điều lệ Công ty, quy chế quản trị doanh nghiệp...
Ở quy mô lớn hơn Nhựa Bình Minh, trong tay cổ đông Thái, Tổng công ty cổ phần Rượu – Bia – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cũng có diễn biến tương tự.
...hay bia Sài Gòn chẳng có gì thay đổi
Với những động thái như vậy, giới phân tích cho rằng, đã có một cuộc “thay máu” toàn diện tại Sabeco. Tất nhiên, người Thái không thể không biết những gì ngay cả người ngoài như các chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán nhìn thấy như nếu được cải tổ làm gọn đường đi loằng ngoằng của việc phân phối, cung cấp nguyên phụ liệu giữa Sabeco và các công ty thành viên hoặc liên kết đã vận hành trước thoái vốn thì hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp này sẽ cải thiện hơn nhiều.
Trong nội tình mỗi doanh nghiệp đã có những cuộc thay đổi to lớn, nhưng với thị trường, ống nhựa Bình Minh hay bia Sài Gòn chẳng có gì thay đổi.
Tính dân tộc, lòng tự hào sẽ chỉ gắn với các thương hiệu Việt, của người Việt, do người Việt quản lý và vận hành
Những thương hiệu vang bóng và thị trường rộng lớn cũng như các khách hàng trung thành của doanh nghiệp từng được xếp trong danh sách Thương hiệu quốc gia chính là tài sản lớn nhất mà các nhà đầu tư nhắm đến.
Tayful Uner, nguyên Tổng giám đốc Carlsberg Việt Nam, trong một cuộc trò chuyện với các nhà báo bên dòng sông Hương (Huế) đã nói thẳng, nếu bỏ đi các thương hiệu của doanh nghiệp chẳng khác gì các tập đoàn nước ngoài mua ti vi mà chỉ lấy mỗi vỏ.
Như vậy, thương hiệu chính là phần hồn, phần chất khiến cho các thương vụ M&A các doanh nghiệp sở hữu thương hiệu nổi tiếng có giá trị cao ngất ngưởng.
Carlsberg sau khi thâu tóm toàn bộ phần vốn trong liên doanh bia Huế và bia Đông Nam Á vẫn giữ các thương hiệu nổi tiếng như bia Huda (chiếm thị phần lớn tại miền Trung), Halida ở miền Bắc và phát triển thêm một số nhãn hàng mới như Turborg, Sư tử Trắng…
Hiện doanh thu lớn nhất của Carlsberg vẫn đến từ các thương hiệu Việt Nam từng nổi đình đám một thời. Chi tiết này cho thấy, để đưa những thương hiệu mới vào Việt Nam, tạo được sự yêu thích và gắn bó với người tiêu dùng không phải là điều có thể dễ dàng làm được trong ngày một ngày hai. Thương hiệu lớn do vậy vẫn là món hàng đắt giá.
Khi nhà đầu tư ngoại có cùng ngành sản xuất cốt lõi đã bước chân vào doanh nghiệp Việt, mục tiêu lớn nhất của họ là nắm quyền chi phối, kiểm soát doanh nghiệp, ông Lê Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG đã khẳng định chắc nịch thực tế này.
Cũng có những lãnh đạo doanh nghiệp ban đầu còn ngỡ rằng hai phía nội, ngoại có thể “cùng dắt tay nhau tiến về phía trước”, nhưng thực tế đã khiến họ phải nghĩ khác.
Ông Lê Minh Cường, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bao bì nhựa Tân Tiến đã chua chát thừa nhận và kể rằng mình phải rút lui bằng cách bán lại toàn bộ cổ phần cho nhà đầu tư Hàn Quốc Dongwon Systems Corporation trong doanh nghiệp.
Các nhà đầu tư nước ngoài trong mỗi thương vụ mua lại cổ phần chi phối tại doanh nghiệp đều nói rằng, họ sẽ tiếp tục vun đắp cho thương hiệu của doanh nghiệp tỏa sáng, đưa các thương hiệu này vượt ra biển lớn, xuất khẩu hàng hóa…
Nhưng, giả sử họ làm đúng những gì đã hứa thì theo ông Nguyễn Quốc Trường, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Tiền Phong, cũng không thể gợi lên niềm tự hào về những thương hiệu Việt. Tính dân tộc, lòng tự hào sẽ chỉ gắn với các thương hiệu Việt, của người Việt, do người Việt quản lý và vận hành.
Tâm tư của vị doanh nhân này cũng giống như tâm tư của những người Việt tài năng ở nước ngoài vừa hội tụ về Việt Nam trong Chương trình Mạng lưới Đổi mới sáng tạo 2018, rằng chỉ khi những phát minh, sáng kiến của người Việt được làm ra trong doanh nghiệp Việt, tên tuổi Việt Nam mới được ghi danh và lưu danh. Bằng không, cho dù nổi tiếng và hữu dụng đến mấy, chúng vẫn chỉ đứng dưới những cái tên như Google, Facebook…
Nhưng, trong cuộc đua để sở hữu những thương hiệu đã vang danh, nếu chỉ so đo về tiềm lực tài chính, có thể sẽ không phải là cuộc đua cân sức với các nhà đầu tư trong nước.
E ngại này là có, nhưng không hẳn đã đúng. Thực tế đã cho thấy, ở rất nhiều thương vụ, những cái tên nội đã trở thành nhà đầu tư chiến lược của các thương hiệu đã có bề dày 30 - 40 năm như tại Hapro, Vinafood…
Ông Ketut Ariadi Kusuma, chuyên gia cao cấp lĩnh vực tài chính Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, trong rất nhiều trường hợp, người mua muốn kiểm soát doanh nghiệp, thường được gọi nôm na là sở hữu cổ phần chiến lược tại doanh nghiệp, nếu họ không mua được khối lượng cổ phần đa số thì họ sẽ không tham gia. Vì thế, trong mỗi thương vụ thoái vốn nhà nước, cần làm rõ mục tiêu thoái vốn là vì tiền, hay vì lý do nào khác.
Ở một số doanh nghiệp khi bán vốn, Nhà nước nên xác định càng có nhiều cổ đông cho doanh nghiệp càng tốt. Khi cơ cấu sở hữu tại doanh nghiệp càng đông, người mua lại muốn mua hơn nữa, vì họ thấy cổ phiếu thanh khoản.
Bởi vậy, bán vốn nhà nước rất cần quan điểm và phân tích rõ ràng trường hợp nào cần cổ đông chiến lược, trường hợp nào dành cho đông đảo công chúng.
Danh sách các doanh nghiệp ở trong diện thoái vốn đến năm 2020 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ còn rất dài. Việc thoái vốn nhà nước trong bối cảnh thị trường mới đang chịu nhiều tác động của các yếu tố bên ngoài như hiện nay, rất cần làm rõ mục tiêu bán vốn là hướng đến việc tối đa hóa giá trị thu được, hay tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược cho doanh nghiệp hoặc đa dạng hóa cơ cấu cổ đông cho công ty, giữ gìn và duy trì các thương hiệu Việt…, để từ đó có những quyết định hợp lý và minh bạch.