Quyết liệt thoái vốn theo phương thức minh bạch
Tháng 10/2015, Chính phủ đã có Công văn số 1787/TTg-ĐMDN, yêu cầu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) xây dựng lộ trình bán hết vốn tại 10 doanh nghiệp (DN) lớn, nơi Nhà nước đang nắm giữ phần vốn tương đương khoảng 3 tỷ USD. Đây cũng là những doanh nghiệp có cổ phiếu được nhà đầu tư, trong đó có khối ngoại, chờ đón trên sàn chứng khoán. Cùng với 10 DN này, mới đây, Chính phủ yêu cầu bán hết vốn Nhà nước tại 2 “ông lớn” ngành bia, rượu là Habeco và Sabeco.
Như vậy, nếu thoái hết vốn tại 12 doanh nghiệp, Nhà nước có thể thu được 7,2 tỷ USD (khoảng 160.000 tỷ đồng). Đây sẽ là nguồn thu rất lớn phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, bảo vệ môi trường trong bối cảnh ngân sách còn eo hẹp như hiện nay.
Nguyên tắc cơ bản khi thoái vốn các DN nêu trên theo chỉ đạo của Chính phủ là phải thực hiện theo quy định của pháp luật, thông lệ thị trường, bảo đảm minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lợi ích nhóm, bảo đảm lợi ích cao nhất của đất nước. Điều quan trọng, việc bán cổ phần của các công ty này phải được chào bán công khai để đạt hiệu quả cao nhất. Hiện việc niêm yết trên TTCK là bắt buộc đối với các DNNN sau khi cổ phần hóa vì điều này sẽ giúp DN hoạt động công khai, minh bạch và đổi mới quản trị DN theo thông lệ tiên tiến; tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục thoái vốn Nhà nước tại DN.
Trước việc nhiều DN sau khi hoàn thành cổ phần hóa trì hoãn không niêm yết, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bổ sung chế tài xử lý hành chính đối với các DNNN sau cổ phần hóa không hoặc chậm thực hiện niêm yết/đăng ký giao dịch cổ phiếu trên TTCK (Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 108/2013/NĐ-CP).
Bài toán khó trong việc giữ thương hiệu Việt
Thực tế, việc ước tính giá trị vốn Nhà nước bán đi tại 12 DN một cách chính xác là công việc không đơn giản. Nếu tính theo số lượng cổ phần Nhà nước sở hữu tại DN rồi nhân với giá cổ phiếu hiện tại thì chỉ thấy một phần bức tranh. Giá thực sẽ là giá qua đấu giá thành công. Nếu đấu giá nghiêm túc, giá có thể cao hơn nhiều so với giá hiện tại, thậm chí với một số DN là gấp vài lần. Nhưng nếu cùng lúc bán ra nhiều cổ phiếu DN lớn có thể sẽ ảnh hưởng đến thị giá được thị trường chấp nhận. Vì vậy, quyết bán là một chuyện, nhưng chuyện quan trọng không kém là phương án bán, làm sao để tránh thất thoát vốn Nhà nước và cũng cần cẩn trọng để tránh những DN lớn của Việt Nam về tay nước ngoài.
Chính phủ cũng đã nêu rõ nguyên tắc, quan điểm trong quá trình bán vốn Nhà nước tại các DN nói trên và trong quá trình cổ phần hóa, bán vốn nói riêng là phải thực hiện theo các quy luật, thông lệ thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, không phân biệt nhà đầu tư trong và ngoài nước, bảo toàn tối đa tài sản Nhà nước, bảo đảm lợi ích cao nhất của đất nước. Ngay cả việc định giá cổ phần cũng phải khẩn trương tổ chức đấu thầu công khai để lựa chọn đơn vị tư vấn uy tín, có năng lực, kinh nghiệm, tránh trường hợp định giá không sát, không đúng, làm thất thoát phần vốn Nhà nước.
Việc định giá cụ thể dựa trên các quy định pháp luật, nguyên tắc thị trường và ý kiến đơn vị tư vấn. Việc đấu giá cổ phần Khách sạn Kim Liên tại Hà Nội thành công cuối tháng 12/2015 đã thu được hơn 1.000 tỷ đồng so với mức giá khởi điểm 122 tỷ đồng là một minh chứng rõ nét nhất cho chủ trương và quan điểm đúng đắn của Chính phủ liên quan đến quá trình bán vốn Nhà nước.
Một trong các nội dung đang tranh luận liên quan đến việc thoái/bán vốn Nhà nước là việc phải có biện pháp để giữ lại thương hiệu Việt thông qua các hàng rào kỹ thuật hay không? Một giải pháp được các chuyên gia gần đây bàn thảo về hàng rào kỹ thuật đó chính là việc Nhà nước có thể nắm giữ “cổ phần vàng”, thay vì nắm lượng vốn lớn để có quyền phủ quyết. Khi đó, mọi sự thay đổi về thương hiệu phải được chủ sở hữu “cổ phần vàng” này đồng ý. Người nắm “cổ phần vàng” có thể không cần cổ tức, nhưng muốn thay đổi thương hiệu thì không thể bỏ qua sự chấp thuận của ông chủ đặc biệt này. Như vậy, “cổ phần vàng” là gì và liệu nó có giữ được thương hiệu của DN Việt hay không, khi mà Nhà nước thoái/bán hết vốn của mình?
"Nếu muốn tiếp tục giữ “thương hiệu Việt” không chỉ đơn giản là phải có “cổ phần vàng” và hô khẩu hiệu giữ gìn “thương hiệu Việt”. Tất cả sẽ do cơ chế thị trường quyết định"
Về khía cạnh luật pháp, Luật Doanh nghiệp 2015 không có thuật ngữ/khái niệm “cổ phần vàng”. Theo luật, công ty cổ phần chỉ có cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi (biểu quyết, cổ tức, hoàn lại, ưu đãi khác) với những quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người nắm giữ loại cổ phần đó. Nói một cách dễ hiểu nhất, người nắm giữ cổ phần phổ thông có tất cả các quyền của cổ đông cần có (biểu quyết, cổ tức…) và người nắm giữ cổ phần ưu đãi tùy thuộc loại cổ phần và tỷ lệ do điều lệ công ty quy định, sẽ có các quyền chuyên biệt/cao hơn so với cổ phần phổ thông (biểu quyết cao hơn, cổ tức cao hơn, hoàn lại vốn góp đầu tiên, các ưu đãi khác).
Như vậy, “cổ phần vàng” nếu có thì nó đơn giản là tên của một loại cổ phần ưu đãi khác mà người nắm giữ có các quyền chuyên biệt so với các cổ phần phổ thông và các cổ phần ưu đãi biểu quyết, cổ tức, hoàn lại kia.
Như vậy, nếu nói “cổ phần vàng” là loại cổ phần nên có trong các DN mà Nhà nước dự định thoái/bán toàn bộ hoặc một phần vốn cho các cổ đông bên ngoài thì nó phải thỏa mãn các điều kiện: (i) Phải được cổ đông thông qua và có ghi trong điều lệ; (ii) Phải xác định rõ là loại cổ phần này khi nắm giữ thì cổ đông phải có quyền gì, ví dụ mọi sự thay đổi về thương hiệu phải được chủ sở hữu “cổ phần vàng” đồng ý hoặc muốn sửa điều lệ thì phải được “ông chủ” đặc biệt này thông qua.
Cho nên, điều lệ ban đầu rất quan trọng để giữ được một thương hiệu khi bán vốn nhà nước. Đương nhiên, cần phải lưu ý rằng, nếu có quyền “đồng ý” này, thì người nắm giữ “cổ phần vàng” phải từ bỏ một số quyền mà những người chịu rủi ro hơn được hưởng, chẳng hạn sẽ không nhận cổ tức (?!). Đây hẳn là điều khó và không dễ dàng với những cổ đông bên ngoài mua cổ phần của các DNNN khi mà đứng trước áp lực hiện thực hóa lợi nhuận trước các lời chào mời từ đối tác bên ngoài và vấn đề gìn giữ “thương hiệu Việt”.
Theo tính toán của Forbes Việt Nam, Vinamilk hiện đứng đầu trong Top 40 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam với giá trị 1,52 tỷ USD; trong khi Sabeco đứng thứ 4 với giá trị 247 triệu USD; FPT đứng thứ 5 với 171 triệu USD. Theo đánh giá của Brand Finance thì Vinamilk xếp hạng đầu tiên hai năm liên tiếp (2015-2016) với giá trị thương hiệu hiện là 1,01 tỷ USD; Sabeco hạng 6 với giá trị thương hiệu 361 triệu USD; FPT hạng 8 với giá trị 302 triệu USD.
Điều cần lưu ý là dù Vinamilk, FPT, Sabeco… là các thương hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam, nhưng trên bình diện quốc tế, các DN này cũng chỉ là những DN Việt Nam mà thôi. Nhà đầu tư (nhất là nhà đầu tư nước ngoài) quan tâm mua cổ phần của các DN này chỉ đơn giản là họ nhìn thấy cơ hội kinh doanh của thị trường 100 triệu dân vào năm 2020 hoặc đơn giản là việc mua lại sẽ giúp công ty mẹ của họ ở nước ngoài dễ thâm nhập sâu vào thị trường đầy tiềm năng này.
Họ mua để chiếm lĩnh thị phần trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào sân chơi toàn cầu sau các hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam đã tham gia và ký kết. Như vậy, sau khi thoái/bán vốn Nhà nước tại các DN mà Nhà nước không nhất thiết phải tham gia vào, nếu muốn tiếp tục giữ “thương hiệu Việt” không chỉ đơn giản là phải có “cổ phần vàng” và hô khẩu hiệu giữ gìn “thương hiệu Việt”. Tất cả sẽ do cơ chế thị trường quyết định.