Ảnh: Dũng Minh.

Ảnh: Dũng Minh.

“Giữ” hay “bỏ” room tín dụng?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Room tín dụng là câu chuyện luôn được các thành viên thị trường quan tâm bởi tác động to lớn đến phát triển kinh tế và kiềm chế lạm phát.

Cào bằng, bó cứng đang làm khó doanh nghiệp

Với 99% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết chất vấn kỳ họp thứ 3. Theo đó, trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, Quốc hội yêu cầu Chính phủ nghiên cứu hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức nhà băng.

Thay vào đó, Chính phủ xây dựng tiêu chí, phương thức xác định chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức tín dụng. Việc này nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, phù hợp với tiêu chuẩn Basel II và các chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng.

Thời gian qua, vấn đề room tín dụng ngân hàng đang cho thấy một số tồn tại cần tháo gỡ. Do đó, diễn biến trên từ nghị trường đã thu hút được sự quan tâm của nhiều thành viên thị trường.

Trao đổi cùng phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Smart Invest (AAS) cho biết, về nguyên tắc, các ngân hàng được cấp room tín dụng 14%/năm, phân bổ làm 2 đợt, 6 tháng đầu năm 7% và 7% còn lại cho 6 tháng cuối năm.

Trên thực tế, nhiều ngân hàng chỉ đến tháng 4 đã chạm trần tín dụng nửa đầu năm, nên việc cho vay gần như bị đình trệ, ảnh hưởng lớn đến dòng tiền cho nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp vay tiền ra theo hạn mức phục vụ sản xuất - kinh doanh và đã trả xong cho ngân hàng và muốn vay lại nhưng không thể vay được. Thậm chí, bản thân người gửi tiền cũng gặp khó khăn, muốn vay ngắn hạn bằng sổ tiết kiệm cũng không thể vay. Muốn có vốn phải tất toán không kỳ hạn và gây thiệt thòi cho người gửi tiền.

Đến đầu tháng 7, các ngân hàng sẽ được cấp thêm room tín dụng 7% nữa của đợt 2. Trường hợp đến tháng 9 hay tháng 10 mà ngân hàng nào đã tăng trưởng đủ 14%, nhưng đảm bảo các chỉ tiêu: an toàn tỷ lệ tài sản cho vay trên dư nợ, cho vay dài hạn/huy động ngắn hạn…, thì mới được nới tín dụng và một số ngân hàng thương mại sẽ được tăng trưởng vượt quá 14%/năm.

Ông Tuấn cho rằng, về bản chất thì việc áp room tín dụng như là một biện pháp để Ngân hàng Nhà nước kiểm soát tăng trưởng tín dụng, kiểm soát cung tiền ra thị trường, từ đó kiểm soát được phần nào lạm phát. Hiện các nước trên thế giới đang lạm phát lớn, có ảnh hưởng đến Việt Nam, nhưng lạm phát của Việt Nam đang mức tốt, chưa qua mức 4% trong 6 tháng đầu năm, nên liên quan đến việc nâng room tín dụng thì Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc trên nhiều đến yếu tố, đặc biệt là tính toán đến tác động của nới room đến lạm phát.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng nhấn mạnh rằng, bối cảnh hiện tại cho thấy, với Việt Nam thì lạm phát chưa hẳn là nỗi lo lớn mà điều cần quan tâm lúc này là tăng trưởng hậu Covid-19, cần mở cửa để kíchh thích phát triển sản xuất kinh doanh. Do đó, sẽ là phù hợp hơn nếu phía cơ quan quản lý mạnh dạn hơn để đạt được mục tiêu này, thay vì bó cứng như hiện tại dẫn đến sự đình đốn trong hoạt động kinh tế - và điều này còn nguy hiểm hơn cả lạm phát.

“Các gói hạ lãi suất hay kích thích kinh tế thời gian qua được công bố nhưng gần như không thể triển khai được vì room bị khống chế”, ông Tuấn ví dụ và cho biết thêm rằng, với câu chuyện bỏ quy định về room tín dụng, thì đây là vấn đề mà Ngân hàng Nhà nước sẽ cần nghiên cứu kỹ, và có thể đây sẽ là câu chuyện của 1 - 3 năm tới. Tuy nhiên, trước mắt điều cần làm linh hoạt hơn khi áp dụng room tín dụng theo hướng không bó cứng room, tránh cào bằng như hiện tại, mà nên linh hoạt theo ngành nghề, nhóm ngành, tránh tình trạng các ngành tác động lớn đến sản xuất, đến cung hàng hoà trên thị trường nhưng khi cần lại không được vay vốn, trong khi các ngành ít tác động đến cung hàng hoá lại được vay quá mức”, ông Tuấn kiến nghị.

Cần linh hoạt trong điều hành trước khi có thể bỏ quy định room

Ảnh: Dũng Minh.

Ảnh: Dũng Minh.

Đánh giá về câu chuyện giữ hay bỏ room tín dụng trong bối cảnh hiện tại, bà Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc tự doanh Công ty Chứng khoán DNSE cho rằng, việc bỏ khống chế room tín dụng tại thời điểm hiện tại là chưa phù hợp, do đó có liên quan đến chính sách kiểm soát lạm phát trong nước và việc nắn dòng vốn chảy vào các linh vực rủi ro cao. Nếu như không có sự kiểm soát về tăng trưởng thì sẽ thiếu đi một công cụ quan trọng trong việc kiềm chế lạm phát, hay dòng tiền tập trung vào linh vực quá nóng mà nguội lạnh với những nhóm ngành thiết yếu.

Quan sát diễn biến thị trường 5 tháng đầu năm 2022, theo bà Linh, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống 5 tháng đầu năm 2022 đã vượt 8%, nhiều ngân hàng đã chạm trần room tăng trưởng tín dụng nên việc các ngân hàng đề xuất được nới room tín dụng có thể sẽ khả thi. Tuy nhiên, sẽ không phải cứ ngân hàng nào hết room cũng sẽ được nới. Việc ngân hàng được nới thêm room tín dụng sẽ giúp nguồn vốn tiếp tục chảy vào thị trường để hỗ trợ kinh doanh phục hồi sau đại dịch, giúp các doanh nghiệp trên thị trường được tiếp sức và có cơ hội để cải thiện kết quả kinh doanh, sản xuất.

Với sự quyết liết giải ngân để các ngân hàng lấy lại thị phần, thì việc cấp room mới sẽ nhanh chóng ảnh hưởng đến thị trường và hoạt động của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu như mong ngóng sẽ có một số lượng nhất định nguồn vốn gián tiếp chảy vào thị trường chứng khoán sẽ khó trong thời điểm hiện tại, khi chính sách điều hành đang muốn dòng vốn tập trung vào những lĩnh vực khác ngoài bất động sản và chứng khoán - hai lĩnh vực được hưởng lợi từ nguồn vốn rẻ và nhàn rỗi trong thời kỳ 2 năm đại dịch vừa rồi.

Với câu chuyện nới room tín dụng và nhóm ngành được hưởng lợi, bà Linh cho rằng, theo định hướng về nguồn vốn của Ngân hàng Nhà nước và chương trình phục hồi sau đại dịch, nguồn vốn sẽ được ưu tiên vào những ngành nghề bị tổn thương trong thời gian qua như: dịch vụ và du lịch, ngành nghề thiết yếu, công nghệ, nhóm ngành sản xuất có nhu cầu phục hồi và mở rộng kinh doanh,….

Cũng nêu quan điểm về quy định room tín dụng, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trong bối cảnh hiện nay của ngành ngân hàng và nền kinh tế thì room tín dụng là cần thiết, nhưng Ngân hàng Nhà nước nên có theo sõi sát sao thường xuyên, xem ngân hàng nào có tăng trưởng tín dụng tốt, an toàn, hiệu quả thì nên nới ngay room để phía ngân hàng đẩy mạnh hoạt động. Thậm chí, có thể thu room của ngân hàng không hiệu quả, hay cho vay nhiều lĩnh vực rủi ro lớn, làm được vậy sẽ khiến các ngân hàng chủ động hơn và bơm vốn tốt được cho thị trường. Riêng vấn đề quy dịnh room cào bằng như hiện tại là bất cập và không phù hợp.

Tin bài liên quan