Bốn công việc trên, trong đó có việc bảo lãnh thanh toán nợ, đều có một điểm trùng nhau. Đó là khi thực hiện, nếu đạt kết quả tốt chưa chắc đã nhận được đền đáp công lao, nhưng khi có hậu quả phát sinh thì chính mình phải gánh chịu. Do vậy, đến nay, nhắc đến bảo lãnh trong các giao dịch dân sự, thì kinh nghiệm xưa về lãnh nợ có vẻ vẫn hữu dụng cho mọi người để nhìn nhận về giá trị bảo lãnh.
Bên đi bảo lãnh thường có tâm lý và hành động thoái thác để tránh nghĩa vụ khi bị yêu cầu thực hiện bảo lãnh. Bên nhận bảo lãnh thì có tâm lý dè chừng khi hiểu rõ thực trạng chung của việc khó đòi tiền từ bên bảo lãnh. Chính vì thế, trong thực tế giao dịch kinh doanh thương mại, việc sử dụng bảo lãnh thanh toán từ đối tác thứ ba cho một trong các bên là rất hiếm hoi.
Vậy nhưng, có một loại hình bảo lãnh đã tạo nên đẳng cấp khác biệt. Đó là bảo lãnh ngân hàng. Suốt nhiều năm qua, những tổ chức trung gian tài chính chuyên nghiệp là ngân hàng đã nâng tầng bảo lãnh lên thành một nghiệp vụ làm ra nhiều lợi nhuận - nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng.
Thời kỳ rực rỡ của ngành ngân hàng khoảng 10 năm trước đây, bất cứ đối tác nào trong giao dịch mà nhận được bảo lãnh thanh toán phát hành từ một ngân hàng thì đều yên tâm. Bởi đằng sau một tờ giấy giản đơn có tên gọi cam kết bảo lãnh ngân hàng là sự đáng tin cậy về uy tín, thương hiệu và tài sản của ngân hàng.
Đối với ngân hàng, nghiệp vụ bảo lãnh cũng tạo rủi ro tín dụng không kém nghiệp vụ cho vay. Xét trong quan hệ giữa ngân hàng và bên được bảo lãnh, thì bảo lãnh ngân hàng là một hình thức cấp tín dụng của ngân hàng.
Bởi vì, nếu khách hàng không thực hiện đúng nghĩa vụ theo hợp đồng kinh doanh thương mại, ngân hàng có khả năng phải thanh toán nghĩa vụ bảo lãnh theo thông báo của bên nhận bảo lãnh. Khi đó, quan hệ vay nợ sẽ phát sinh. Chính vì vậy, yếu tố rủi ro trong hoạt động bảo lãnh của ngân hàng được đánh giá là không ít hơn so với những rủi ro có thể gặp phải khi ngân hàng thực hiện hoạt động cho vay.
Thông thường, để kiểm soát được rủi ro tín dụng trong hoạt động bảo lãnh, ngân hàng đưa ra một quy trình rất chặt chẽ, gồm thẩm định khoản cấp bảo lãnh, thẩm định tài sản bảo đảm, phê duyệt, ký hợp đồng bảo đảm tiền vay tại cơ quan công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm… Điều này này nhằm bảo đảm hạn chế thấp nhất khả năng ngân hàng bị mất vốn khi vừa phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, vừa không có tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi vốn.
Việc các ngân hàng tăng cường biện pháp phòng ngừa hậu quả tín dụng từ bảo lãnh là điều cần thiết. Tuy nhiên, thời gian qua, không ít ngân hàng từ chối thanh toán những cam kết bảo lãnh đã phát hành vì muôn vàn lý do. Đây là xu hướng rất nguy hiểm đối với giá trị uy tín của bảo lãnh từ ngành ngân hàng.
Đối với các doanh nghiệp, khi nhận cam kết bảo lãnh do ngân hàng phát hành, nỗi lo sợ duy nhất là khi đối tác vi phạm nghĩa vụ thanh toán…, mà ngân hàng cũng từ chối thực hiện nghĩa vụ thanh toán bảo lãnh như văn bản cam kết bảo lãnh đã phát hành trước đó. Tổng hợp lại thì có rất nhiều dạng lý do mà hệ thống ngân hàng đã đưa ra để từ chối thanh toán nghĩa vụ bảo lãnh.
Có ngân hàng cho rằng, mình có quyền từ chối thanh toán vì người ký phát bảo lãnh không đúng thẩm quyền. Trường hợp này chủ yếu rơi vào người ký không phải là đại diện theo pháp luật của ngân hàng, không được người đại diện theo pháp luật ủy quyền, phân cấp. Điều này dẫn đến bên phát hành bảo lãnh có quyền viện dẫn pháp luật để từ chối bảo lãnh.
Có ngân hàng thì xác nhận, văn bản cam kết bảo lãnh bị làm giả chữ ký, con dấu của người có thẩm quyền của ngân hàng, hoặc chữ ký thật, con dấu thật, nhưng thực tế người ký và con dấu đóng tại thời điểm cá nhân đó không có thẩm quyền ký.
Nguyên nhân chủ yếu là do bên nhận bảo lãnh chủ quan, không xác nhận với ngân hàng về chứng thư bảo lãnh và có yếu tố lừa đảo, vi phạm pháp luật hình sự của một số đối tượng ở đây. Tuy nhiên, lý do thực sự ẩn giấu là vấn đề yếu kém trong quản trị nhân sự và quy trình nghiệp vụ của ngân hàng. Hậu quả cuối cùng thì ngân hàng muốn để cho doanh nghiệp nhận bảo lãnh gánh chịu.
Nếu như nhìn thẳng vào thực trạng quản lý rủi ro nghiệp vụ bảo lãnh, có thể nhiều ngân hàng mới thấy rằng, hiện nay mình vẫn đang đặt trọng tâm vào việc làm thế nào không phải thanh toán bảo lãnh. Họ coi việc thanh toán bảo lãnh như một cảnh giới nguy hiểm, hậu quả rủi ro cần phòng chống.
Trong khi đó, các bên và luật pháp luôn gọi bảo lãnh là một nghiệp vụ tín dụng. Nó chỉ khác cho vay ở chỗ, nguồn tiền tín dụng treo lơ lửng, chứ chưa giao ngay vào tay khách hàng. Nó giống cho vay ở chỗ, ngân hàng cần quản lý rủi ro tín dụng nằm ở khả năng trả nợ của chính khách hàng. Vậy là, thay vì đặt trọng tâm vào quản lý rủi ro khả năng trả nợ của khách hàng, nhiều ngân hàng đang đặt nhầm trọng tâm vào quản lý khả năng né thanh toán bảo lãnh.
Nếu xu hướng này gia tăng, cam kết bảo lãnh ngân hàng sẽ có giá trị không nhiều hơn các cam kết bảo lãnh của các đối tác giao dịch dân sự thông thường và còn vô giá trị hơn như lãnh nợ trong câu truyền miệng trên.