Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một trụ cột kinh tế khi ông Obama tuyên bố xoay trục sang châu Á, đã vấp phải sự chống đối từ chính các đồng minh thân cận trong Đảng Dân chủ, khi Hạ viện Mỹ không thông qua dự luật Hỗ trợ Điều chỉnh Thương mại, vốn được đính kèm với dự luật về quyền đàm phán nhanh. Cả hai phần của dự luật này cần phải được Quốc hội thông qua trước khi Tổng thống có thể ký thành luật.
Như một điềm xấu cho ông Obama, ứng viên Tổng thống của Đảng Dân chủ, cựu Đệ nhất phu nhân nước Mỹ, đồng thời là cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton trong cuộc vận động tranh cử tại Iowa mới đây đã lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ những nghị sỹ Đảng Dân chủ, đồng thời hối thúc Tổng thống Obama cân nhắc những chỉ trích và đem lại quyền lợi lớn nhất cho người lao động Mỹ trong các hiệp định thương mại.
“Nếu chúng ta không đạt được mục đích, thỏa thuận thương mại như vậy không nên được ký kết”, bà Clinton tuyên bố. Bình luận này được đưa ra sau nhiều tuần bà Clinton giữ im lặng về lập trường có ủng hộ việc trao quyền đàm phán nhanh cho chính phủ Tổng thống Obama hay không. Đáng chú ý, bà Clinton chính là Ngoại trưởng dưới thời Tổng thống Obama, từng triển khai chiến dịch xoay trục về châu Á và bắt đầu các đàm phán thương mại, trong đó có TPP.
Bên chống đối TPP, trong đó có các liên đoàn lao động, các nhóm bảo vệ môi trường và tiêu dùng, cho rằng các thỏa thuận thương mại tự do sẽ dẫn tới người lao động Mỹ mất việc làm và lương bổng giảm sút, trong khi không giúp ích nhiều để thúc đẩy việc bảo vệ các công nhân ở nước ngoài.
Về phần mình, Nhà Trắng vẫn tin tưởng có thể xoay chuyển tình thế trong những ngày tới. Tổng thống Obama đã kêu gọi các đại biểu trong Quốc hội đã bỏ phiếu chống dự luật hãy cân nhắc lại và đứng lên vì người lao động Mỹ. Nhà Trắng cho rằng, Hiệp định TPP sẽ giúp phá dỡ những rào cản đối với thương mại toàn cầu, mở cửa những thị trường chưa được khai thác, đồng thời phát triển những nền kinh tế, tạo nên một đối trọng với sức mạnh kinh tế ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc.
Giới phân tích cho rằng, điểm yếu trong chính sách của Tổng thống Obama là, mặc dù coi TPP là một ưu tiên đối ngoại hàng đầu, song ông Obama chưa xây dựng đủ sự hỗ trợ cho thỏa thuận thương mại này từ nội bộ Quốc hội Mỹ, thậm chí, ông còn chậm chân hơn so với phe “chống TPP”. Sự xuất hiện hiếm hoi và cuộc vận động hành lang cho dự luật quyền đàm phán nhanh tại Capitol Hill hôm 12/6 của ông Obama trước khi Hạ viện Mỹ bỏ phiếu được coi là quá chậm và quá ít ỏi.
Dự luật quyền đàm phán nhanh được coi là cực kỳ quan trọng trước khi tiến tới Hiệp định TPP. Dự luật này trao cho Nhà Trắng toàn quyền đàm phán và thỏa thuận các điều khoản của TPP. Sau khi đàm phán hoàn tất, Quốc hội Mỹ chỉ có quyền phê chuẩn hoặc phủ quyết, mà không có quyền điều chỉnh các điều khoản đã nhất trí.
Một số nước thành viên tham gia đàm phán TPP đã bày tỏ rằng họ muốn chính quyền Tổng thống Obama có được quyền đàm phán nhanh trước khi hoàn tất hiệp định.
Đàm phán TPP không phải là “di sản” chính sách duy nhất của ông Obama đang phải chịu áp lực. Trong thời gian tới, các nhà đàm phán Mỹ sẽ phải hoàn tất thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân của Iran, trước khi Thượng viện Mỹ tiến hành bỏ phiếu lần chót.
Bên cạnh đó, chương trình cải cách nhập cư, vốn không nhận được sự ủng hộ từ các tòa án Mỹ, có thể sẽ được hồi sinh trước khi ông Obama khép lại nhiệm kỳ.
Những tuần tới là thời điểm rất quan trọng với các bên liên quan. Với ông Obama, việc thúc đẩy thương mại tự do đang dần trôi khỏi phạm vi kiểm soát trực tiếp. Còn đối với châu Á, những nền kinh tế tham gia đàm phán TPP, cũng như ông Obama lúc này, họ chỉ có thể quan sát và chờ đợi những diễn biến tiếp theo trên chính trường Mỹ và hy vọng sự thành công của hiệp định này.