Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Nhận diện 2023: Cơ hội đầu tư mới trong môi trường mới” do Báo Đầu tư tổ chức sáng 7/2, ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Quỹ đầu tư A+ đã có nhiều phát biểu gợi mở về cơ hội đầu tư cổ phiếu ở Việt Nam trong bối cảnh hiện tại.
Nói về bối cảnh hiện tại, nếu như nhiều ý kiến trước đó e ngại VN-Index sụt giảm sâu, câu chuyện tỷ giá hay là áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp mà ngập ngừng giải ngân, ông Hoàng lại có quan điểm trái chiều khá lạc quan.
Cụ thể, vị chuyên gia cho rằng, con số gần 400.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sắp đáo hạn trong năm 2023 không phải là quá lớn so với khoảng 100 tỷ USD trên thị trường nợ, trong đó khoảng 4 triệu tỷ đồng tiền gửi ngân hàng.
"Chỉ so với số dư tiền gửi ngân hàng hiện nay, cá nhân tôi cho rằng tác động của lượng trái phiếu sắp đáo hạn không phải quá lớn", ông Hoàng nói.
Về vấn đề tỷ giá, đương nhiên khi Fed tăng lãi suất cơ bản đẩy lãi suất đồng USD lên cao thì lãi suất tiền đồng phải điều chỉnh. Tuy nhiên, ông Hoàng nói rằng ở Việt Nam, chúng ta nhập khẩu chủ yếu nguyên vật liệu để sản xuất hàng xuất khẩu nên câu chuyện tỷ giá không ảnh hưởng nhiều, có chăng chỉ ảnh hưởng trong ngắn hạn.
Về rào cản lạm phát, theo quan điểm của ông Quan Đức Hoàng, lạm phát thế giới hiện nay chủ yếu xuất phát từ chuỗi cung ứng bị đứt gãy, tức là không đủ hàng hoá để mua nên hàng hóa bị đội giá.
"Vì sao ông Jerome Powell (Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - Fed) tăng lãi suất liên tục mà Mỹ vẫn chưa kiểm soát được lạm phát?", Chủ tịch Quỹ A+ đặt câu hỏi đồng thời dẫn chứng rằng, lạm phát ở Mỹ vẫn đang hiện hữu. Giá thuê nhà tại quốc gia này hiện đang cao kỷ lục, trung bình chiếm 41-42% doanh thu của doanh nghiệp và người dân. Mặt hàng trứng gà trước đây có giá 99cent/hộp 12 quả, sau đó tăng lên 1,7 - 1,8 USD/hộp và bây giờ là 5 USD/hộp...
Ông Quan Đức Hoàng phát biểu tại buổi tọa đàm của Báo Đầu tư sáng 7/2 (Ảnh: Dũng Minh) |
"Lạm phát do chuỗi cung ứng không thay đổi bằng chính sách lãi suất đó được, chỉ thay đổi bằng nguồn tiền. Mà lượng cung tiền thế giới (M2) hiện vẫn đang tăng, nguồn tiền đang thiếu ở đây chỉ là chưa muốn cho vay ra", ông Hoàng nhấn mạnh và nêu quan điểm cá nhân là lạm phát không kiềm chế được sự phát triển của thị trường chứng khoán, mà chỉ có dòng tiền (và gián tiếp là tâm lý nhà đầu tư) mới quyết định được điều này.
"Tâm lý nhà đầu tư mới là cơ sở điều chỉnh của thị trường còn về cơ bản, nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động tốt. Tôi mong rằng sắp tới các công ty chứng khoán sẽ có nghiên cứu bài bản về tâm lý nhà đầu tư", ông nói.
Khi được hỏi kỳ vọng của bản thân đối với thị trường, Chủ tịch Quỹ A+ cho biết, ông đã về Việt Nam 28 năm và "sẽ không đi đâu cả".
"Kỳ vọng của thị trường Việt Nam hiện nay đang quá lớn mà tôi chắc chắn sẽ không thể gặp lại lần thứ hai trong đời", ông Hoàng nói.
"Kỳ vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay đang quá lớn mà tôi chắc chắn sẽ không thể gặp lại lần thứ hai trong đời".
Ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Quỹ đầu tư A+
Vì sao cơ hội đầu tư cổ phiếu tại Việt Nam lại đang hấp dẫn?
Chia sẻ thêm với phóng viên báo Đầu tư Chứng khoán bên lề buổi Tọa đàm, vị chuyên gia cho rằng, thứ nhất, chứng khoán Việt Nam đang có định giá (P/E) khá hấp dẫn, P/E toàn thị trường trung bình 10 lần, trong khi đó P/E của nhiều doanh nghiệp chỉ còn 5-6 lần.
Thứ hai, dòng tiền nước ngoài đang đổ vào Việt Nam quá lớn. Thời gian qua cứ nhà đầu tư trong nước bán ròng thì khối ngoại lại lao vào mua ròng. Sở dĩ như vậy là vì nhà đầu tư ngoại tin vào dòng tiền trong tương lai của thị trường cổ phiếu Việt Nam.
Ông Hoàng chia sẻ thêm, Quỹ A+ vừa thực hiện khảo sát đối với nhiều quỹ ngoại ở một số nước Anh, Đức, Đài Loan, Mỹ... và thấy rằng 100% quỹ được hỏi đều đang sẵn sàng đầu tư vào thị trường Việt Nam (trước đây chỉ 40% quỹ ngoại quan tâm đến Việt Nam). Điều họ quan tâm hiện tại chỉ là đầu tư vào đâu, xuống tiền với ai.
Thứ ba, theo ông Hoàng, câu chuyện đứt gãy chuỗi cung ứng sắp tới sẽ được giải quyết bằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại và đây cũng là cơ hội rất lớn cho kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam. Ngoài ra, ông Hoàng cho rằng, Việt Nam còn có thế mạnh chưa khai thác hết là thị trường EVFTA đầy tiềm năng gồm 27 nước châu Âu với 450 triệu dân và quy mô GDP 16.000 tỷ USD.
Toàn cảnh buổi tọa đàm (Ảnh: Dũng Minh) |
Đối với những khó khăn hiện tại, vị này nói rằng đó chỉ là yếu tố chu kỳ. Người Việt có câu "Cái khó ló cái khôn", trong đầu tư, khó khăn mới tạo nên anh hùng. Nhìn lại lịch sử thì những người giàu lên từ chứng khoán đa phần trong hoàn cảnh khó khăn. Mặt khác, nguyên tắc số 1 của đầu tư là phải tìm ra lối đi riêng, cùng xu hướng sẽ khó thành công.
"Bởi thế, từ mà tôi quan tâm hiện nay là "đánh giá lại". Mỗi nhà đầu tư cần đánh giá lại bối cảnh, quan điểm đầu tư, khẩu vị rủi ro của mình rồi tập trung phân tích sẽ tìm ra cơ hội cho mình", ông Hoàng nói.
Khuyến nghị thêm đối với nhà đầu tư, Chủ tịch Quỹ A+ nêu quan điểm, trước tình trạng người Việt cứ bán, khối ngoại cứ mua, người Việt nên nhìn thấy cơ hội để mua trước nhà đầu tư nước ngoài, đừng để như Ấn Độ hiện nay 52% nhà đầu tư chứng khoán là người nước ngoài.
"Một sai lầm rất lớn ở thị trường Việt Nam hiện nay là việc giáo dục đầu tư tài chính cho nhà đầu tư còn yếu kém nên họ xem nhẹ đầu tư cá nhân. Tôi đã dạy nhiều lớp về đầu tư và tôi luôn nói giới trẻ hãy ngưng đổ tiền mua Iphone và trà sữa, thay vào đó hãy mua cổ phiếu tích sản từ hôm nay", ông Hoàng nhấn mạnh.