Anh có nguy cơ mất 9.500 triệu phú trong năm nay nếu kế hoạch tăng thuế với người nước ngoài được thông qua

Anh có nguy cơ mất 9.500 triệu phú trong năm nay nếu kế hoạch tăng thuế với người nước ngoài được thông qua

Giới siêu giàu tại Anh rục rịch di cư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kế hoạch tăng thuế của Đảng Lao động Anh khiến một bộ phận cư dân nước ngoài giàu có tại Anh đã và đang thực hiện kế hoạch di cư sang các nơi khác có chính sách thuế hấp dẫn hơn.

Vương quốc Anh, đặc biệt là thủ đô London, từ lâu đã được coi là một trong những trung tâm tài chính và kinh doanh hàng đầu thế giới, thu hút một số lượng lớn người giàu và siêu giàu từ khắp nơi trên thế giới đến sinh sống, làm việc. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tại khu tài chính Mayfair và các văn phòng sang trọng của các cố vấn cho giới siêu giàu, ngày càng có nhiều cuộc bàn luận về việc rời bỏ nơi này. Lý do là bởi Đảng Lao động Anh đưa ra kế hoạch sẽ siết chặt các ưu đãi thuế đối với cư dân nước ngoài giàu có, cũng như các khoản đầu tư cổ phần tư nhân và học phí trường tư.

Từ 200 năm trước, chế độ phi định cư của Anh là một quy tắc thuế cho phép những người có quốc tịch khác được miễn thuế thu nhập và thu nhập từ vốn ở nước ngoài trong vòng tối đa 15 năm. Tính đến năm 2023, ước tính có 74.000 người được hưởng chế độ đó, tăng 5.100 người so với năm 2022.

Tháng 8 vừa qua, Đảng Lao động Anh đưa ra kế hoạch bãi bỏ ưu đãi thuế trên. Động thái này diễn ra khi Thủ tướng Anh Keir Starmer cam kết cải thiện sự công bằng về thuế và củng cố tài chính công, với các thông báo tiếp theo dự kiến sẽ được đưa ra tại hội nghị thường niên của Đảng Lao động vào đầu tuần này và trong tuyên bố ngân sách mùa thu vào ngày 30/10 tới.

Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves cho rằng, cần phải lấp đầy “khoảng trống” 22 tỷ bảng Anh trong ngân sách và một trong những giải pháp là tăng thu thuế đối với người giàu. Theo kế hoạch thuế được đề xuất, khái niệm nơi cư trú bị loại bỏ và được thay bằng hệ thống dựa trên cư trú. Số năm tiền kiếm được ở nước ngoài không bị đánh thuế tại Anh sẽ giảm từ 15 năm xuống còn 4 năm. Các cá nhân cũng sẽ phải nộp thuế thừa kế sau 10 năm cư trú tại Anh.

Để phản đối, nhiều thành viên của khu vực tài sản tư nhân của Anh, bao gồm cả những người không thường trú, đang ủng hộ một nhóm vận động hành lang mới được thành lập có tên là Foreign Investors for Britain (Các nhà đầu tư nước ngoài vì nước Anh). Một báo cáo do nhóm này ủy quyền cho thấy, hơn 80% người không thường trú cho biết, dự kiến thay đổi quy định về thuế thừa kế là lý do chính khiến họ có khả năng sẽ rời khỏi Anh.

Thực tế, một số người đã rút các khoản đầu tư ở Anh, không ít người khác đã và đang thực hiện kế hoạch rời đi. Trong đó, Alan Howard, tỷ phú quản lý một quỹ phòng hộ tại Anh đang cân nhắc chuyển từ London đến Geneva (Thụy Sĩ).

Đối với những người giàu, kế hoạch gây tranh cãi nhất của Anh bao gồm thuế thừa kế 40% đối với tài sản nước ngoài và đánh thuế lợi nhuận đầu tư với mức thuế suất cao tới 45%, thay vì 28% như hiện tại.

Ngoài Thụy Sĩ là một điểm đến quen thuộc của người giàu, thì Monaco, Dubai (UAE), Ý cũng đang thu hút những người di cư từ London. Ý cho phép những người di cư giàu có trả một khoản tiền trọn gói hàng năm để không phải nộp thuế đối với thu nhập và lợi nhuận ở nước ngoài trong thời gian lên đến 15 năm (khoản tiền trọn gói đó mới đây tăng từ 100.000 Euro lên 200.000 Euro). Monaco miễn thuế thừa kế vô thời hạn. Dubai không đánh thuế thu nhập, thuế thu nhập từ vốn và thuế thừa kế.

Công ty cổ phần tư nhân General Atlantic đã viết thư cho Bộ Tài chính Anh vào tháng trước, cảnh báo về việc số lượng lớn các nhà giao dịch của công ty Mỹ ở London có thể rời đi nếu kế hoạch tăng thuế đối với lợi nhuận đầu tư được thực hiện.

Anh đang có số lượng triệu phú lớn thứ ba trên thế giới, với hơn 3 triệu người. Theo tính toán của Công ty tư vấn cho khách hàng giàu có về di cư Henley & Partners, quốc gia này đang có nguy cơ mất 9.500 triệu phú trong năm nay.

Tin bài liên quan