London vẫn là thủ phủ của giới siêu giàu
Số lượng những người siêu giàu sống tại thủ đô của Vương quốc Anh được dự báo sẽ tăng 30%, lên 6.058 người trong thập kỷ tới. Định nghĩa “siêu giàu” trong báo cáo này là những người có tài sản trên 30 triệu USD hoặc là những khách hàng VIP của các nhà băng như UBS Group AG và Citigroup Inc.
Dự báo này đã phần nào làm yên lòng giới chức nước Anh, khi ảnh hưởng từ Brexit đã khiến sức hút của các thành phố tại đây đối với công dân nước ngoài bị suy giảm. Trong năm 2016, chương trình visa dành cho những nhà đầu tư nước ngoài tại Anh đã ghi nhận số lượng đơn giảm 80% so với năm trước đó, một phần từ tác động của Brexit và mặt khác là ảnh hưởng từ quy định chống rửa tiền mới được ban hành năm 2014. Theo đó, năm 2016, chỉ có 215 cá nhân giàu có nhận được visa theo chương trình nhà đầu tư nước ngoài, theo số liệu của Chính phủ Anh vừa được công bố tuần trước.
Trong báo cáo của Knight Frank, New York vẫn duy trì vị trí số 1 trong việc thu hút các đại gia khi nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh, dưới các chính sách bảo hộ kinh tế của Tổng thống Donald Trump.
“Quá trình Brexit sắp diễn ra không gây ra tình trạng giới giàu có tháo chạy khỏi nước Anh. Thay vào đó, nhiều khả năng các cá nhân này sẽ duy trì cuộc sống tại đây và tận hưởng không gian mới cùng với những đại gia sắp đến”, Andrew Amoils, Giám đốc Nghiên cứu tại New World Wealth cho biết.
Những cá nhân giàu có vẫn nhìn nhận nước Anh là trung tâm nổi bật đối với lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ tài chính tại châu Âu, cũng như đây là nền kinh tế lớn nói tiếng Anh đặc biệt nhất trong khu vực. Thậm chí, nhờ Brexit, mối quan hệ giữa Anh với một số quốc gia như Mỹ, Canada, Australia và New Zealand sẽ trở nên mật thiết hơn.
Mặc dù vậy, London vẫn rớt hạng thê thảm khi đứng thứ 92 trong danh sách các thị trường bất động sản cư dân hạng sang của Knight Frank. Cụ thể, giá nhà tại đây đã giảm 6,3% trong năm 2016, chủ yếu do sự thay đổi về quy định thuế, mặc dù doanh số bán và tâm lý thị trường đều tích cực cho tới cuối năm ngoái. Trong năm 2017, giá nhà tại London được dự báo không có nhiều thay đổi, trong khi giá bất động sản tại các thành phố như Thượng Hải và Sydney được hưởng lợi.
Số lượng đại gia không ngừng tăng
Số lượng những cá nhân sở hữu khối tài sản giá trị lớn trên toàn cầu đã tăng thêm hơn 193.000 người năm 2016, chủ yếu nhờ thị trường chứng khoán có diễn biến thuận lợi. Con số này sẽ vượt qua 275.000 năm 2026, với sự tăng trưởng chóng mặt tới từ các quốc gia như Việt Nam, Sri Lanka, Ấn Độ và Trung Quốc. Trong số đó, Trung Quốc sẽ là quốc gia chứng kiến số lượng cá nhân giàu có tăng nhanh nhất nếu tiếp tục tạo ra thêm các công ty công nghệ cao như Huawei Technologies Co.
Bên cạnh đó, số lượng các tỷ phú sẽ tăng mạnh lên 3.000 người trong 10 năm tới, khi các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tạo thêm các đại gia mới. Sự phát triển của lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ tài chính, truyền thông và chăm sóc sức khỏe tại các quốc gia kể trên được kỳ vọng sẽ giúp khối tài sản cá nhân của các đại gia hiện tại tăng thêm 48%, với những cá nhân có tài sản trên 1 tỷ USD.
Giới siêu giàu châu Á dẫn đầu
Tại châu Á, các thành phố Pune (Ấn Độ), TP.HCM (Việt Nam), Hyderabad (Ấn Độ) và Bangalore (Ấn Độ) được kỳ vọng sẽ trở thành những khu vực có tốc độ tăng trưởng số lượng cá nhân siêu giàu nhanh nhất trong 10 năm tới. Cùng lúc đó, Mumbai (Ấn Độ) có thể sẽ gia nhập cùng Thượng Hải, Bắc Kinh, Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore lọt vào Top 10 địa điểm tập trung nhiều người giàu nhất.
Gần 1/3 số lượng cá nhân siêu giàu trên toàn cầu có kế hoạch đầu tư vào bất động sản bên ngoài khu vực mình đang sinh sống, theo Knight Frankd. Theo đó, giới nhà giàu Trung Quốc đầu tư vào bất động sản Mỹ đã tăng lên hơn 30 tỷ USD năm 2015, từ mức khiêm tốn 300 triệu USD năm 2006. Chưa kể, đầu tư từ Trung Quốc chiếm gần 1/5 các thương vụ nhà đầu tư nước ngoài mua bất động sản tại Mỹ.
Knight Frank dự báo, Trung Quốc sẽ áp dụng thêm các biện pháp kiểm soát công dân giàu có của mình gửi tiền ra nước ngoài, sau khi giới chức nước này thắt chặt quy định xác định các khoản đầu tư được phép để chuyển tiền ra khỏi lãnh thổ quốc gia. Các quy định này sẽ bao gồm cả các thương vụ liên quan tới bất động sản.
Trái ngược với châu Á, trong thập kỷ tới, tốc độ tăng trưởng số lượng cá nhân giàu có tại Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha sẽ hết sức chậm chạp, thậm chí một số đại gia tại đây sẽ rời khỏi châu Âu trong giai đoạn này.
Đi kèm với dự báo này là điều kiện: “môi trường phức tạp bởi chính sách gia tăng thuế, nghĩa vụ cao hơn với nhà nước và các chi phí chăm sóc sức khỏe cá nhân, cũng như các ngành nghề đòi hỏi kỹ năng cao tập trung tại châu Á”.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com