Ngân hàng Trung ương Trung Quốc quyết định hạ 50 điểm cơ bản tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với tất cả các ngân hàng kể từ ngày 15/7.
Nới lỏng chính sách tiền tệ là điều cần thiết
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể ngược dòng với xu hướng chung bằng việc nới lỏng chính sách tiền tệ một cách thận trọng, khéo léo và các nhà hoạch định chính sách nước này luôn theo sát diễn biến lạm phát và chi phí gia tăng của các khoản nợ bằng đô la Mỹ.
Giới phân tích nhận định, Trung Quốc có thể nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng không thể hiện qua những động thái chính sách công khai như cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với các ngân hàng thương mại hồi tháng 7/2021. Thay vào đó, Trung Quốc có thể sẽ tìm đến các động thái chính sách có mục tiêu bởi một số lý do.
Thứ nhất, sự khác biệt chính sách tiền tệ với Mỹ có thể gây ra nhiều hệ lụy cho thị trường. Ngân hàng đầu tư Jefferies (Mỹ) cảnh báo rằng nhiều công ty Trung Quốc, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, đã huy động một lượng lớn vốn thông qua các khoản vay bằng đô la Mỹ. Những doanh nghiệp này sẽ lâm cảnh khó trả hơn khi đồng đô la Mỹ tăng giá hoặc lợi suất của Mỹ tăng lên khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chính thức thu hẹp quy mô chương trình mua vào tài sản, bao gồm trái phiếu kho bạc và chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp (MBS).
Điều này hoàn toàn có thể xảy ra vì theo biên bản cuộc họp chính sách được Fed công bố tuần trước cho thấy cơ quan đang trong lộ trình thắt chặt chính sách, có khả năng sớm nhất là vào tháng tới, một động thái được kỳ vọng để đối phó với tình trạng lạm phát tăng cao.
Trung Quốc cũng đang đối mặt với thách thức tương tự. Chỉ số giá sản xuất, thước đo chi phí sản xuất của các nhà máy, đã tăng kỷ lục 10,7% trong tháng 9 so với một năm trước.
Ông Zhiwei Zhang, chuyên gia kinh tế trưởng tại Quỹ quản lý đầu tư Pinpoint Asset Management cho biết: "Áp lực lạm phát dai dẳng đã hạn chế khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ". Nhưng các chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng Trung Quốc vẫn cần phải nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh tăng trưởng đã chậm lại trong quý III.
Theo số liệu kinh tế chính thức được công bố đầu tuần này, nền kinh tế và sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đều tăng trưởng dưới mức kỳ vọng. Cụ thể, kinh tế Trung Quốc trong quý III/2021 tăng trưởng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, còn sản xuất công nghiệp trong tháng 9 chỉ tăng trưởng 3,1%, thấp hơn mức dự báo là 4,5%.
Tình trạng cắt điện trên diện rộng ở Trung Quốc đã hạn chế hoạt động sản xuất của các nhà máy. Mặt khác, quy định pháp lý chặt chẽ hơn đối với việc vay nợ của doanh nghiệp bất động sản đã kéo giảm đà tăng trưởng của lĩnh vực này, trong khi bất động sản và các ngành liên quan đóng góp tới 1/4 GDP của Trung Quốc.
Các nhà phân tích của Viện nghiên cứu đầu tư BlackRock (Vương quốc Anh) nhận định: "Sự suy giảm tăng trưởng (của Trung Quốc - BTV) đã chạm đến mức mà các nhà hoạch định chính sách không thể bỏ qua và chúng tôi kỳ vọng sự nới lỏng sẽ gia tăng ở cả ba trụ cột: tiền tệ, tài khóa, và quy định pháp lý".
Cuối tuần trước, ông Sun Guofeng, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nói với báo giới rằng cơ quan này vẫn duy trì chính sách tiền tệ "thận trọng", đồng thời dự báo chỉ số giá sản xuất tăng cao, có thể sẽ trở về mức vừa phải vào cuối năm nay.
Điều chỉnh có mục tiêu
Lâu nay, giới phân tích vẫn cho rằng cấu trúc kinh tế độc đáo của Trung Quốc dựa nhiều hơn vào một loạt đòn bẩy chính sách tiền tệ, thay vì áp dụng một mức lãi suất duy nhất. "Chính sách tiền tệ (của Trung Quốc - BTV) sẽ được nới lỏng một cách thích hợp", ông Zong Liang, Trưởng nhóm nghiên cứu tại Ngân hàng Trung Quốc (BoC) dự đoán.
Chuyên gia này cho rằng, song song với việc giữ chính sách tiền tệ tổng thể ở mức "bình thường", Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể nới lỏng cho các lĩnh vực cụ thể. Chẳng hạn, cơ quan này có thể trợ giúp các doanh nghiệp đang chịu mức chi phí nguyên liệu thô tăng cao, cũng như hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ổn định bằng việc thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Mặt khác, Trung Quốc cũng muốn tránh tác dụng ngược của chính sách hỗ trợ là làm gia tăng chi phí cho người tiêu dùng thông thường cũng như cho các doanh nghiệp, ông Zong Liang lưu ý.
Trong tháng 9, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc tăng 10,7% so với một năm trước, nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ nhích nhẹ 0,7% so với cùng kỳ. Đối với khả năng điều chỉnh chính sách tiền tệ, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn kỳ vọng Trung Quốc sẽ tiếp tục hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với các ngân hàng vào cuối năm nay.
Ông Aidan Yao, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Quỹ quản lý đầu tư AXA cho biết: "Chúng tôi nghĩ rằng số liệu kinh tế sụt giảm trong quý III sẽ thúc giục Bắc Kinh tiếp tục thu gọn lại các chính sách kìm hãm tăng trưởng". Chuyên gia này đánh giá, khả năng hạ tỷ lệ RRR đã giảm đi sau những nhận định gần đây của các quan chức Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, nhưng "một động thái chính sách có mục tiêu vẫn có thể xảy ra nếu tốc độ tăng trưởng chững lại".
Về khía cạnh tài chính, ông Aidan Yao cho biết, chính quyền các địa phương ở Trung Quốc sẽ tăng cung khoảng 1.300 tỷ nhân dân tệ (203,3 tỷ USD) tiền mặt từ việc bán trái phiếu đặc biệt trong hai tháng tới và động thái này sẽ "hỗ trợ mạnh mẽ" cho hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, chuyên gia Quỹ quản lý đầu tư AXA lưu ý rằng việc Bắc Kinh siết chặt kiểm soát thực hiện chính sách tiền tệ thông qua các kênh truyền thống, chẳng hạn như thị trường nhà ở, sẽ làm hạn chế tác động kích thích tổng thể của việc nới lỏng chính sách.
Lực cản lớn hơn đối với tăng trưởng của Trung Quốc vẫn nằm ở lĩnh vực bất động sản. Để hạn chế tình trạng ngành bất động sản tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào nợ, năm ngoái Bắc Kinh đã áp dụng chính sách "ba lằn ranh đỏ" đối với doanh nghiệp bất động sản nhằm giảm tỷ lệ nợ trên tài sản của nhóm này.
Thế nhưng, Evergrande, "trường hợp cá biệt" của ngành bất động sản Trung Quốc, đã bước qua cả "ba lằn ranh đỏ" tính đến nửa đầu năm nay, theo đánh giá của Ngân hàng đầu tư Natixis (Pháp).
Doanh số của Evergrande cũng sụt giảm thê thảm sau khi Bắc Kinh siết chặt quy định với ngành bất động sản. Tập đoàn này cho biết doanh số bất động sản theo hợp đồng của họ tính từ đầu tháng 9 đến ngày 20/10, đạt tổng cộng 3,65 tỷ nhân dân tệ (tương đương 571,1 triệu USD), chỉ bằng 1/10 so với con số 38,08 tỷ nhân dân tệ trong tháng 8. Lũy kế doanh số bán bất động sản của Evergrande từ đầu năm đến ngày 20/10 đạt 442,3 tỷ nhân dân tệ.
Bà Francoise Huang, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Euler Hermes, một công ty con của định chế tài chính Allianz (Đức) cho biết: "Sự suy giảm trong thời gian dài và trên diện rộng của ngành bất động sản (Trung Quốc - BTV) có lẽ là rủi ro tiêu cực lớn nhất mà chúng ta từng thấy".
Nữ chuyên gia này nhận định, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang cố gắng "loại bỏ các công ty mắc nợ nhiều nhất, hoặc kém thanh khoản, hoặc mất khả năng thanh toán, đồng thời hạn chế các tác động lây lan sang các lĩnh vực khác".
Bà Francoise Huang cũng không kỳ vọng Bắc Kinh sẽ đứng im nhìn nền kinh tế tăng trưởng chậm lại đến mức Trung Quốc khó có thể đạt được mục tiêu GDP tăng trưởng 6% trong năm nay.
Thực chất, những động thái chính sách mà Trung Quốc đang cho năm nay lại nhằm giải quyết các vấn đề dài hạn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Cho nên, Bắc Kinh có thể không có định hướng kích thích tăng trưởng nhiều như trước. "Khả năng chấp nhận tăng trưởng chậm lại và chấp nhận rủi ro của họ (Trung Quốc - BTV) có thể cao hơn trước đây", bà Francoise Huang nhận định.