Giới phân tích kỳ vọng Fed sẽ sớm xoay trục chính sách nếu suy thoái kinh tế xảy ra

Giới phân tích kỳ vọng Fed sẽ sớm xoay trục chính sách nếu suy thoái kinh tế xảy ra

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một số nhà đầu tư tin rằng cuộc suy thoái dự kiến sẽ buộc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phải nới lỏng chính sách tiền tệ vào năm tới, ngay cả khi ngân hàng trung ương dự kiến sẽ tăng lãi suất cao hơn dự đoán trước đó và giữ lãi suất ở đó lâu hơn trong nỗ lực kiềm chế lạm phát.

Động lực này trở nên rõ ràng hơn sau cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed đưa ra mức tăng lãi suất 50 điểm cơ bản như kỳ vọng và lãi suất dự kiến sẽ tăng thêm 75 điểm cơ bản vào cuối năm 2023, cao hơn 50 điểm cơ bản so với các quan chức dự báo vào tháng 9.

Theo ước tính trung bình trong bản tóm tắt dự báo kinh tế hàng quý của Fed, động thái như vậy sẽ đưa lãi suất quỹ liên bang lên khoảng 5,1% - một mức chưa từng thấy kể từ năm 2007. Lãi suất quỹ liên bang hiện nằm trong khoảng 4,25 - 4,5%.

Tuy nhiên, thị trường tương lai lãi suất lại kể một câu chuyện khác, khi các nhà đầu tư đang kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong nửa đầu năm 2023 trước khi cắt giảm lãi suất xuống khoảng 4,4% vào cuối năm.

Ed Al-Hussainy, chiến lược gia lãi suất toàn cầu cấp cao tại Columbia Threadneedle cho biết: “Fed đang cố gắng thuyết phục thị trường đi theo hướng của họ. Có ít niềm tin về việc Fed sẽ đưa lãi suất lên trên 5%”.

Chi phí đi vay sẽ tăng cao hơn bao nhiêu và liệu chính sách tiền tệ hạn chế có khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái hay không là những câu hỏi khiến các nhà đầu tư đau đầu trong nhiều tháng, khi Fed bắt đầu tăng lãi suất mạnh mẽ nhất kể từ những năm 1980 để kiểm soát lạm phát gia tăng.

Bên cạnh việc cho rằng các dự đoán của Fed không nhất thiết có nghĩa là nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái, Chủ tịch Fed Jerome Powell còn cho rằng, rủi ro là xứng đáng và các nhà hoạch định chính sách không có kế hoạch giảm bớt thiệt hại bằng cách cắt giảm lãi suất - lặp lại một thông điệp mà ông đã đưa trong những cuộc họp trước.

Tuy nhiên, kỳ vọng lạm phát sẽ đạt đỉnh và cho phép Fed ngừng tăng lãi suất sớm hơn đã vang dội khắp các thị trường trong những tuần gần đây, khơi dậy sự phục hồi của chỉ S&P 500 từ mức thấp gần đây và khiến đồng đô la Mỹ sụt giảm từ mức cao nhất trong hai thập kỷ, đồng thời thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ của giá trái phiếu kho bạc.

Lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm gần đây ở mức khoảng 3,5%, so với hơn 4,2% vào đầu năm nay. S&P 500 đã tăng 11,4% trong quý bốn nhưng vẫn giảm khoảng 16% trong năm.

Kỳ vọng chống lại Fed

Sonal Desai, CIO của Franklin Templeton Fixed Income cho biết: “Các động thái của thị trường thực sự mô tả những thách thức mà họ đang phải đối mặt, đó không phải là sự tín nhiệm trong việc chống lại lạm phát mà là sự tín nhiệm đối với thái độ diều hâu và kiên quyết của họ”.

Một cuộc khảo sát của BofA Global Research đối với các nhà quản lý quỹ được công bố trong tuần này cho thấy 42% kỳ vọng lợi suất ngắn hạn sẽ giảm, tỷ lệ cao nhất kể từ tháng 3/2020.

RJ Gallo, một nhà quản lý danh mục đầu tư tại Federated Hermes cho biết: “Thị trường tin rằng Fed sẽ phải nới lỏng chính sách vào cuối năm tới và không có gì từ chủ tịch Fed khiến họ không tin vào quan điểm đó”.

Christopher Alwine, người đứng đầu nhóm tín dụng toàn cầu tại Vanguard Fixed Income Group tin rằng, nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái trong nửa cuối năm tới sẽ khiến Fed phải cắt giảm lãi suất vào quý IV/2023.

Nhiều nhà đầu tư tin rằng Fed sẽ kiên định, ngay cả khi nền kinh tế chao đảo. Các dự báo kinh tế của Fed cho thấy lãi suất giảm xuống 4,1% vào năm 2024, cao hơn so với ước tính ba tháng trước.

"Tuyên bố của Fed và các dự đoán kinh tế kể một câu chuyện đơn giản nhưng thuyết phục: Fed không sẵn sàng xoay trục theo bất kỳ cách có ý nghĩa nào cho đến khi họ thấy bằng chứng thuyết phục và bền vững về sự đảo chiều của áp lực lạm phát", Karl Schamotta, Giám đốc chiến lược thị trường tại Corpay cho biết.

Tin bài liên quan