Giới phân tích: Ấn Độ "chìa cành ô liu" với Nga, Trung Quốc có thể theo chân

0:00 / 0:00
0:00
Lượng dầu mỏ mà Nga chuyển đến Ấn Độ đã "gia tăng đáng kể" kể từ tháng 3 và New Delhi có vẻ sẽ mua thêm dầu giá mềm hơn từ Moscow, theo các nhà phân tích.
Hệ thống đường dẫn dầu và bồn chứa của nhà máy lọc dầu Essar Oil gần thành phố Jamnagar, Ấn Độ. Ảnh: AFP

Hệ thống đường dẫn dầu và bồn chứa của nhà máy lọc dầu Essar Oil gần thành phố Jamnagar, Ấn Độ. Ảnh: AFP

Dầu mỏ Nga có mức chiết khấu kỷ lục

Đài CNBC dẫn lời các nhà quan sát thị trường dầu mỏ quốc tế cho biết Trung Quốc, đối tác nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất của Nga, cũng được cho là sẽ tăng cường nhập khẩu dầu mỏ Nga với mức chiết khấu cao.

Giá dầu thế giới sẽ tăng lên nếu các dự đoán trở thành sự thật. Các quốc gia nhập khẩu nhiều dầu mỏ như Ấn Độ và Trung Quốc vốn đã phải vật lộn với giá dầu thô tăng vọt kể từ năm ngoái. Đặc biệt giá dầu thế giới biến động mạnh và có thời điểm vượt mốc 130 USD/thùng trong vài tuần trở lại đây, kể từ sau khi Nga tiến hành một chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Giá dầu hiện vẫn cao hơn khoảng 80% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Matt Smith, chuyên gia phân tích ngành hàng dầu mỏ tại Công ty nghiên cứu thị trường Kpler (Vương quốc Anh) cho biết: "Chúng tôi tin rằng, Trung Quốc và ở mức độ tiêu thụ thấp hơn, Ấn Độ, sẽ đẩy mạnh mua dầu thô đang được Nga giảm giá sâu".

Điều này sẽ tạo ra một bức tranh tương phản hoàn toàn với quan điểm của các quốc gia phát triển và tập đoàn lớn trên thế giới đang né tránh mua dầu của Nga vì lo ngại các lệnh trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh nhắm vào nền kinh tế Nga.

Mỹ đã liên tiếp giáng đòn trừng phạt nhằm vào kinh tế Nga sau khi Điện Kremlin tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, bao gồm cả biện pháp trừng phạt đối với ngành năng lượng Nga, trong khi Vương quốc Anh cũng có kế hoạch cho hành động tương tự vào cuối năm nay. Liên minh châu Âu cũng đang xem xét liệu khối này có nên đưa ra quyết định tương tự hay không.

Giới phân tích cho rằng, các lệnh trừng phạt đối với Nga đã tạo ra khoảng trống trên thị trường dầu mỏ toàn cầu, bởi hoạt động xuất khẩu dầu thô của Nga gặp khó vì các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết: "Dầu Urals của Nga đang được chào bán với mức chiết khấu kỷ lục, nhưng mức độ tiêu thụ đến nay vẫn còn hạn chế, bởi các nhà nhập khẩu dầu châu Á phần lớn vẫn gắn bó với các nhà cung cấp truyền thống ở Trung Đông, Mỹ Latinh và châu Phi". Hỗn hợp dầu Urals là sản phẩm dầu mỏ xuất khẩu chủ lực của Nga.

Kể từ giữa tháng 3, Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã cảnh báo nguy cơ nguồn cung dầu 3 triệu thùng/ngày của Nga sẽ bị ngưng lại từ tháng 4.

Bà Ellen Wald, Chủ tịch Công ty nghiên cứu thị trường Transversal Consulting, cho biết hai tuần trước một số công ty kinh doanh hàng hóa, như Glencore và Vitol, đã chiết khấu lần lượt 30 USD và 25 USD/thùng đối với hỗn hợp dầu Urals.

Công ty nghiên cứu thị trường Kpler cho biết, xuất khẩu dầu thô của Nga đến Ấn Độ đã diễn ra không được "thường xuyên" với 12 triệu thùng được giao trong cả năm 2021. Theo quan sát của Kpler, không có bất kỳ chuyến dầu được chuyển từ Nga đến Ấn Độ trong giai đoạn từ tháng 12/2021 đến hai tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 3, đã có 5 chuyến hàng dầu mỏ của Nga, tương đương khoảng 6 triệu thùng, đã được chất hàng và dự kiến sẽ đến Ấn Độ vào đầu tháng 4.

Con số 6 triệu thùng bằng khoảng 1/2 khối lượng dầu mỏ Nga đã xuất khẩu cho Ấn Độ trong năm 2021 và ông Matt Smith cho rằng đây là mức tăng đáng kể.

Nga cung cấp một lượng đáng kể dầu mỏ và khí đốt cho thị trường toàn cầu, nên đã xuất hiện nhiều lo ngại nguồn cung dầu mỏ từ Moscow bị hạn chế sau các lệnh trừng phạt của phương Tây. Theo ANZ Research, dầu mỏ của Nga vẫn đang tìm người mua. Các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đã quyết định đưa ra đấu thầu dầu thô Urals khi mức chiết khấu của dầu Brent cũng được đẩy lên.

Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Saudi Arabia. Với lượng xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, Nga hiện là nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới và là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai sau Saudi Arabia, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế.

Lợi ích kinh tế là động lực

Theo các nhà phân tích và một số phương tiện truyền thông, Ấn Độ có thể bắt đầu nhập khẩu dầu mỏ Nga với mức chiết khấu khoảng 20%. Chiếu theo giá dầu thô hiện tại, Ấn Độ sẽ hưởng mức chiết khấu hơn 20 USD/thùng.

Tuy nhiên, ông Samir N. Kapadia, Giám đốc thương mại tại Công ty tư vấn quan hệ chính phủ Vogel Group (Mỹ) cho biết, Ấn Độ chỉ nhập khẩu dầu thô từ Nga với thị phần danh nghĩa từ 2% đến 5% một năm. New Delhi lâu nay chủ yếu mua dầu thô từ Iraq, Saudi Arabia, UAE và Nigeria, nhưng hiện tại tất cả các đối tác này đều đang bán với giá cao hơn.

"Hiện nay, động lực của chính phủ Ấn Độ là kinh tế, chứ không phải chính trị. Ấn Độ sẽ luôn tìm kiếm một thỏa thuận trong chiến lược nhập khẩu dầu mỏ của họ. Thật khó mà bỏ qua mức chiết khấu 20% đối với dầu thô khi bạn phải nhập khẩu đến 80 - 85%, đặc biệt là sau đại dịch và tăng trưởng toàn cầu bị suy giảm", ông Samir N. Kapadia nói với đài CNBC.

Ngoài lợi ích kinh tế, Ấn Độ cũng sẽ cân nhắc mối quan hệ hữu nghị với Nga. Chuyên gia của Vogel Group cho rằng: "Ấn Độ là nhà nhập khẩu dầu mỏ nhiều thứ ba thế giới và họ đang cân nhắc lựa chọn hợp tác với 'một người bạn cũ' (Nga - BTV)". Cho đến nay, Ấn Độ cũng như Trung Quốc đều bỏ phiếu trắng trong một cuộc bỏ phiếu gần đây của Liên hợp quốc nhằm lên án hành động quân sự của Nga tại Ukraine.

Ấn Độ và Nga có bề dày lịch sử quan hệ. Theo ông Kapadia, Nga đã hỗ trợ Ấn Độ trên nhiều lĩnh vực, bao gồm việc cung cấp các thiết bị liên quan đến quân sự và quốc phòng - đáp ứng tới 60% nhu cầu của Ấn Độ.

Vào cuối những năm 1950, New Delhi cũng đã dựa vào Nga để thực hiện các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ giữa đồng rupee Ấn Độ và đồng rúp Nga để thanh toán hàng hóa nhập khẩu. Nga cũng đã hỗ trợ Ấn Độ trong các vấn đề quan trọng như tranh chấp với Trung Quốc và Pakistan xung quanh lãnh thổ Kashmir.

Ông Kapadia nhận định, áp lực của Mỹ nhằm hạn chế mua dầu thô từ Nga đã không ngăn nổi "những người điếc" ở Delhi. "Câu hỏi thực sự đặt ra là Mỹ và châu Âu sẽ phản ứng như thế nào với Ấn Độ nếu Ấn Độ tiếp tục "chìa cành ô liu" với Nga bằng việc tạo đầu ra cho dầu mỏ Nga.

Theo hãng tin Reuters, hai tuần trước, một quan chức chính phủ Ấn Độ cho biết: "Các quốc gia có khả năng tự cung cấp dầu mỏ hoặc nhập khẩu từ Nga không thể ủng hộ một cách chắc chắn việc hạn chế giao dịch".

Sau Ấn Độ, các nhà phân tích cho rằng, sẽ không ngạc nhiên nếu Trung Quốc tăng nhập khẩu dầu mỏ từ Nga. Họ dự đoán Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu nhiều dầu mỏ nhất thế giới, cũng sẽ tìm đến nguồn dầu mỏ đang được chiết khấu hấp dẫn của Nga.

Số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho thấy, Bắc Kinh là khách hàng nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất của Moscow khi mua bình quân 1,6 triệu thùng dầu thô mỗi ngày từ Moscow trong năm 2021.

Bà Ellen Wald, Chủ tịch Công ty nghiên cứu thị trường Transversal Consulting cho biết: "Trung Quốc vẫn đang nhập khẩu dầu mỏ từ Nga, nhưng có khả năng sẽ tăng lượng mua nếu họ có thể thanh toán bằng đồng nhân dân tệ và được chiết khấu. Về cơ bản, Nga đang bị áp lực vì họ gặp khó trong xuất khẩu dầu".

"Trung Quốc thực sự muốn dầu rẻ hơn nhiều… bởi giá dầu đang quá cao ngay cả trong khoảng giá 90 USD/thùng, vẫn quá cao đối với Trung Quốc", bà Ellen Wald nói thêm. Chủ tịch Transversal Consulting cũng cho rằng: "Nếu họ (Trung Quốc) có thể mua dầu mỏ Nga với giá chiết khấu và một số khoản chiết khấu đáng kể như mức giảm 30 USD/thùng so với tiêu chuẩn, thì tôi thực sự không thấy điều gì có thể ngăn cản Trung Quốc tăng nhập khẩu dầu mỏ Nga".

Lịch sử cho thấy, một số quốc gia đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với dầu mỏ Iran vì chương trình hạt nhân của Tehran, mà khởi đầu là lệnh cấm nhập khẩu của Mỹ và EU vào năm 2011. Nhưng, điều đó đã không ngăn được Bắc Kinh nhập khẩu dầu từ Tehran thông qua "các kênh bí mật", theo Chủ tịch Transversal Consulting.

"Do đó, tôi không nghĩ rằng họ thực sự bận tâm về các vấn đề bảo hiểm và những thứ tương tự", bà Ellen Wald đề cập đến việc các công ty bảo hiểm tăng phí bảo hiểm đối với các chuyến hàng trong khu vực sau khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra và nguy cơ các tàu hàng và cảng biển bị tấn công tăng lên.

Mặt khác, Chủ tịch Transversal Consulting cảnh báo, việc Trung Quốc gia tăng nhập khẩu dầu mỏ Nga có thể ảnh hưởng đến giá dầu thế giới. Chuyên gia này cho rằng, "sẽ không ngạc nhiên nếu chúng ta thấy nhiều dầu mỏ Nga được xuất sang Trung Quốc". Bắc Kinh có thể sẽ được hưởng mức giá tốt và "tôi nghĩ sẽ tác động đến giá dầu trên toàn cầu", Chủ tịch Transversal Consulting nói.

Lượng dầu thô Trung Quốc nhập khẩu từ Nga đã nhích nhẹ kể từ đầu năm, nhưng các nhà phân tích cho rằng nguyên nhân không xuất phát từ cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine. Điều này, theo lý giải của đại diện Công ty nghiên cứu thị trường Kpler, có liên quan nhiều đến nhu cầu của Trung Quốc đối với dầu thô ESPO từ các cảng ở miền Đông nước Nga và không liên quan đến việc dầu thô của Nga bị chuyển hướng khỏi châu Âu do các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Dầu thô ESPO là sản phẩm rất được các nhà máy lọc dầu độc lập ở Trung Quốc ưa chuộng. "Chúng tôi vẫn chưa thấy sự thay đổi trong các luồng chảy này (giao dịch dầu thô ESPO), nhưng dự đoán sự thay đổi đó sẽ xuất hiện", ông Matt Smith nhận định.

Tin bài liên quan