Tại khắp Trung Quốc và các khu vực châu Á, các nhà đầu tư giàu có Trung Quốc đang đổ bộ vào thị trường bất động sản hạng sang, một phần nhằm củng cố tài sản trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại và đồng nhân dân tệ yếu hơn. Làn sóng này dẫn tới biến động tăng giá nhà tại thị trường Trung Quốc, đồng thời tạo lực đỡ tích cực đối với các thị trường bất động sản châu Á, vốn đang từng bước phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Việc các lệnh giới hạn đi lại vì dịch bệnh dần được gỡ bỏ giúp nhà đầu tư dễ dàng hơn trong việc tới xem trực tiếp các bất động sản, hoàn thành thương vụ tại khu vực châu Á, với các điểm nóng như Thượng Hải, Seoul và Sydney. Tại Singapore, chỉ riêng việc tổ chức các buổi xem trực tuyến cũng đủ giúp các doanh nghiệp môi giới tại đây hoàn thành các thương vụ trị giá hàng trăm triệu USD. Diễn biến này trái ngược với tình trạng tại London và New York, nơi thị trường bất động sản tạm “đóng băng” vì đại dịch.
Khách hàng Trung Quốc tìm mua bất động sản tại Hàn Quốc tăng 180% trong quý I/2020 so với quý IV/2019, trong khi mức độ quan tâm tới nhà cửa tại New Zealand cũng tăng 75%, theo số liệu của hãng môi giới bất động sản Juwai Iqi. Trong khi đó, lượng tìm kiếm bất động sản tại Anh và Mỹ lần lượt giảm 32% và 18%.
Nhu cầu với bất động sản hạng sang cũng tạo lực đẩy cho giá nhà tại phân khúc này ở Trung Quốc, trong khi các phân khúc khác vẫn trầm lắng. Trong tháng 4, giá nhà thuộc top đầu phân khúc cao cấp tại 4 thành phố lớn nhất Trung Quốc tăng 1%, riêng tại Thẩm Quyến, giá nhà tăng mạnh nhất trong 2 năm qua.
Cụ thể, tại Thẩm Quyến, các nhà phát triển bất động sản đã bán được lượng căn hộ hạng sang ở mức kỷ lục trong tháng 4, theo Landz Realtor, doanh nghiệp môi giới tập trung ở phân khúc cao cấp. BayHouse, dự án ở vùng thương mại tự do Qianhai (Thẩm Quyến) đã bán được 135 căn hộ với giá thấp nhất từ 3 triệu USD.
Tại Thượng Hải, nhu cầu với bất động sản hạng sang cao gấp 5 lần so với nguồn cung tại dự án Oriental Garden. Giá các căn hộ ở đây thấp nhất từ 2,4 triệu USD. Trong khi đó, dự án Green Residence cũng đã bán được toàn bộ căn hộ chỉ trong 1 ngày, ngay cả khi người mua chỉ được xem căn hộ online.
“Bất động sản được xem là nơi trú ẩn an toàn đối với giới giàu có trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và lạm phát gia tăng. Khách hàng nghĩ rằng, bất động sản là công cụ tự vệ tốt nhất trước lạm phát tại Trung Quốc, hoặc đánh giá chính quyền Đại lục sẽ phải gỡ bỏ các biện pháp kiểm soát tại thị trường bất động sản để cổ vũ tăng trưởng kinh tế”, Yang Kewei, giám đốc nghiên cứu tại một doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc nhận định.
Ngay cả tại Singapore, nơi các lệnh giãn cách xã hội chưa được gỡ bỏ, hoạt động mua bán thông qua nền tảng công nghệ và thương mại điện tử cũng rất sôi động. Ba khách hàng Trung Quốc đã mua 6 căn hộ trị giá hơn 11 triệu USD tại khu Marina One Residences trong tháng 5 mà thậm chí không cần xem trực tuyến, Clarence Foo, đại lý môi giới bất động sản tại APAC Realty Ltd chia sẻ. Một nhà đầu tư khác chi khoảng 6,6 triệu USD để sở hữu một căn hộ 3 phòng ngủ chỉ sau 5 phút nói chuyện.
“Nhiều nhà đầu tư muốn nhanh chóng giải ngân khoản đầu tư tại quốc gia khác khi đồng nhân dân tệ giảm giá sâu hơn so với USD. Bên cạnh đó, nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn vì đại dịch cũng thúc đẩy dòng tiền đầu tư ra nước ngoài”, Christine Sun, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và tư vấn tại OrangeTee & Tie Pte tại Singapore chia sẻ.
Bên cạnh các điểm đến được ưa chuộng kể trên, khách hàng Trung Quốc bắt đầu tìm hiểu sâu hơn một số khu vực khác. Zulkhairi Anwar, đại lý bất động sản Malaysia, người phụ trách phân khúc cao cấp tại Azmi & Co cho biết, Malaysia trở nên hấp dẫn hơn với khách hàng Đại lục bởi giá cả phân khúc cao cấp tại đây vẫn rẻ hơn nhiều so với những khu vực khác như Singapore, trong khi tiềm năng tăng trưởng kinh tế ở mức tích cực.