Cải thiện thủ tục hành chính và có cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Đ.T

Cải thiện thủ tục hành chính và có cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Đ.T

Giới kinh doanh cần những cơ chế, chính sách phù hợp thực tiễn

0:00 / 0:00
0:00
Giới kinh doanh đang cần những cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn, bên cạnh những cải thiện về thủ tục hành chính.

Cải cách phải từ cơ chế, chính sách

Hầu như không còn kiến nghị, vướng mắc liên quan lớn đến gia nhập thị trường được đưa ra trong Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên vừa diễn ra đầu tuần này.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư ngay sau khi VBF kết thúc vào đầu tuần. Tuy nhiên, ông Hiếu cũng nhận thấy, các vướng mắc trong quá trình hoạt động, triển khai dự án của doanh nghiệp đang chiếm tỷ trọng lớn trong các vấn đề được đưa lên trên bàn đối thoại của VBF.

“Giai đoạn đầu tiên của VBF, những khó khăn về tiếp cận thị trường, thủ tục xin giấy chứng nhận đầu tư, kinh doanh... chiếm phần lớn. Những cải thiện liên tục nhiều năm liên quan đến các quy định về đăng ký kinh doanh, đầu tư, thuế... trong các bước gia nhập thị trường đã làm thay đổi thứ hạng của môi trường kinh doanh Việt Nam, thu hút các nhà đầu tư đến với Việt Nam. Nhưng giữ được chân họ lâu hay nhanh, đưa được các dòng vốn đó vào những lĩnh vực mà nền kinh tế mong muốn thì lại là các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nếu vướng nhiều, họ sẽ không thể ở lại lâu”, ông Hiếu thẳng thắn.

Đọc kỹ các bản kiến nghị của các hiệp hội doanh nghiệp trong nước, nước ngoài gửi tới VBF, có thể thấy rất rõ thực trạng này.

Trong phát biểu của ông Tetsu Funayama, đồng Chủ tịch VBF, đại diện cho Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, phần đề xuất tinh giản thủ tục chỉ còn 1 dòng, liên quan đến thủ tục giấy tờ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan; phần còn lại là các đề xuất về cho vay lãi suất thấp, miễn thuế đoanh nghiệp... và đặc biệt là việc thực thi Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

“Khu vực nhà nước và tư nhân cần thiết lập được cơ chế chia sẻ rủi ro trong các dự án PPP để bố trí kịp thời nguồn tài chính và triển khai đầu tư. Cụ thể, cần làm rõ quy định về bảo lãnh của Chính phủ; nội dung chi tiết của Hợp đồng mua bán điện đối với các dự án điện)...”, ông Tetsu Funayama đề xuất.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), ông Alain Cany bày tỏ thắc mắc khi Dự thảo Quy hoạch Điện VIII còn quy định về việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch ở mức cao, mức công suất điện gió ngoài khơi còn khiêm tốn, trong khi cam kết trung hòa phát thải cac-bon vào năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

“Chúng tôi đề nghị tạm dừng phê duyệt nhà máy điện than mới trong Dự thảo Quy hoạch Điện VII; cho phép người tiêu dùng điện tiếp cận với năng lượng sạch bằng cách thực hiện các hợp đồng mua bán điện trực tiếp trong các chương trình thí điểm và giảm bớt các rào cản quy định ban đầu đối với nhà máy năng lượng sạch sau công-tơ...”, ông Alain Cany đề xuất.

Đòi hỏi quy định linh hoạt, thực tiễn

Năng lượng là lĩnh vực được nhiều doanh nghiệp, tổ chức quốc tế rất quan tâm, bởi cơ hội đầu tư, kinh doanh sẽ mở ra cùng với những thay đổi cơ chế, chính sách.

Trong bài phát biểu cuối cùng trước khi bế mạc VBF, bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tiết lộ, WB đã có nghiên cứu, dự báo khoản tiền đầu tư cần có để thực hiện Quy hoạch Điện VIII và thực hiện cam kết giảm phát thải ròng vào năm 2050 của Việt Nam.

5 năm qua, công nghệ đã thay đổi rất nhiều, chi phí đầu tư cho công nghệ cũng vì thế thay đổi nhiều. Chúng tôi rất mong Quy hoạch Điện VIII không phải là một tài liệu cứng nhắc, mà phù hợp với thực tiễn, có thể được điều chỉnh khi cần thiết.

- Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam

“Chúng tôi chưa công bố con số này, nhưng tin là phần lớn nguồn vốn sẽ đến từ khu vực tư nhân. Như vậy, Chính phủ Việt Nam cần có những chính sách, môi trường đầu tư để thu hút được nguồn lực lớn này”, bà Carolyn Turk đề xuất. Đặc biệt, bà nhấn mạnh đến đòi hỏi tính linh hoạt với thực tiễn của Quy hoạch Điện VIII mà Chính phủ sẽ ban hành trong thời gian tới.

“5 năm qua, công nghệ đã thay đổi rất nhiều, chi phí đầu tư cho công nghệ cũng vì thế thay đổi nhiều. Chúng tôi rất mong Quy hoạch Điện VIII không phải là một tài liệu cứng nhắc, mà phù hợp với thực tiễn, có thể được điều chỉnh khi cần thiết”, bà Carolyn Turk nói.

Thực tế, sự thay đổi về công nghệ đang khiến không ít quy định dù mới ban hành đã không còn phù hợp. EuroCham đã phân tích tình huống của quy định về tiêu chí doanh nghiệp công nghệ cao, theo Quyết định 10/2021/QQĐ-TTg và Thông tư 04/2020/TT-BKHCN, Thông tư 32/2011/TT-BKHCN) để áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.

Theo đó, các quy định hiện hành phân chia quy mô doanh nghiệp thành 3 cấp (nhỏ và vừa, lớn, siêu lớn) để áp dụng tỷ lệ chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D), tỷ lệ nhân viên R&D. Ví dụ, quy mô siêu lớn là mức vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng, 3.000 lao động thì phải dành chi phí cho R&D là 0,5%, có số nhân viên R&D là 1%... Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất càng nhiều, thì số lao động sẽ giảm đi, nên không đáp ứng được điều kiện về quy mô và không đủ điều kiện hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp dành cho doanh nghiệp công nghệ cao...

“Nên có những thay đổi phù hợp thực tiễn, vì hỗ trợ doanh nghiệp siêu lớn sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất tốt hơn, tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn ở Việt Nam”, báo cáo của EuroCham gửi đến VBF viết.

Các doanh nghiệp đến từ châu Âu cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quy định chặt chẽ đối với việc thải bỏ phương tiện giao thông. Theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phải có nghĩa vụ thu hồi xe thải bỏ, tái sử dụng các bộ phận, thiết bị đảm bảo theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất... Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng, việc thiếu khung pháp lý quy định người sở hữu xe ô tô phải đưa xe thải bỏ đến các điểm thu hồi chính thức sẽ ảnh hưởng đến việc tuân thủ và tính khả thi của các quy định này.

Tin bài liên quan