Ảnh AFP

Ảnh AFP

Giới đầu tư tự tin xuống tiền, chứng khoán toàn cầu khởi sắc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo cáo thu nhập tích cực cùng kỳ vọng vào gói kích thích mới khiến giới đầu tư tự tin xuống tiền, giúp chứng khoán toàn cầu tăng tốt trong phiên thứ Tư (5/8).

Phố Wall tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên thứ Tư, trong đó tăng mạnh nhất là Dow Jones sau báo cáo kết quả kinh doanh tích cực của Walt Disney, Square Inc..

Ngoài ra, việc Nhà trắng và Đảng Dân chủ đã bắt đầu tìm được tiếng nói chung trong gói kích thích kinh tế mới trị giá 1.000 tỷ USD cũng khiến giới đầu tư hy vọng, nên tự tin xuống tiền.

Về thông tin kinh tế, các dữ liệu kinh tế mới công bố của Mỹ tốt xấu đan xen. Cụ thể, theo Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISM), hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ trong tháng 7 tiếp tục duy trì đà tăng khi các đơn đặt hàng mới nhảy lên mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, thị trường lao động lại tiếp tục chùn bước khi nhà tiểu dụng thuê ít lao động hơn kỳ vọng.

Kết thúc phiên 5/8, chỉ số Dow Jones tăng 373,05 điểm (+1,39%), lên 27.201,52 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 21,26 điểm (+0,64%), lên 3.327,77 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 57,23 điểm (+0,52%), lên 10.998,40 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt tăng trong phiên thứ Tư nhờ báo cáo thu nhập tích cực, nhưng đà tăng cũng hạn chế phần nào do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước làn sóng lây nhiễm Covid mới đang gia tăng trên thế giới.

Kết thúc phiên 5/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 68,72 điểm (+1,14%), lên 6.104,72 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 59,38 điểm (+0,47%), lên 12.660,25 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 43,82 điểm (+0,90%), lên 4.933,34 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, ngoại trừ chứng khoán Nhật Bản điều chỉnh do áp lực chốt lời sau các phiên tăng tốt trước đó và kết quả kinh doanh kém khả quan của một số doanh nghiệp vừa công bố, các thị trường còn lại đều duy trì được đà tăng, trong đó tăng tốt nhất là chứng khoán Hàn Quốc.

Kết thúc phiên 5/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 58,81 điểm (-0,26%), xuống 22.514,85 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 5,88 điểm (+0,17%), lên 3.377,56 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 155,91 điểm (+0,62%), lên 25.102,54 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 31,89 điểm (+1,40%), lên 2.311,86 điểm.

Giá vàng tiếp tục tăng vọt lên mức cao kỷ lục mới trong phiên thứ Tư khi vai trò trú ẩn lên cao trước bối cảnh làn sóng lây nhiễm Covid mới gia tăng. Ngoài ra, giá vàng còn được hỗ trợ bởi thông tin Quốc hội Mỹ đến gần với gói cứu trợ mới trị giá 1.000 tỷ USD.

Kết thúc phiên 5/8, giá vàng giao ngay tăng 20,1 USD (+1,02%), lên 2.039,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 29,9 USD (+1,49%), lên 2.031,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 tăng 28,6 USD (+1,42%), lên 2.037,1 USD/ounce.

Giá dầu tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 3 vào thứ Tư sau khi hàng tồn kho dầu thô của Mỹ giảm mạnh và đồng đô la suy yếu, nhưng làn sóng nhiễm Covid mới gia tăng khiến các nhà đầu tư lo lắng về triển vọng nhu cầu.

Cụ thể, theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 7,4 triệu thùng trong tuần trước       , cao hơn mức dự báo giảm 3 triệu thùng của giới phân tích.

Kết thúc phiên 5/8, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,49 USD (+1,16%), lên 42,19 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,74 USD (+1,64%), lên 45,17 USD/thùng.

Tin bài liên quan