Dữ liệu giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Năm có thể cung cấp tín hiệu cho con đường chính sách tiếp theo của Fed, sau khi một báo cáo việc làm vào thứ Sáu tuần trước làm dấy lên lo ngại rằng Fed có thể giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn.
"Trong báo cáo tháng trước, chúng tôi đã thấy chỉ số CPI cuối cùng đã đi xuống với những điểm tích cực được thấy ở một số khu vực của thị trường hàng hóa. Nhưng về mặt dịch vụ, vẫn tương đối khó khăn để hạ nhiệt và đó là một lý do tại sao phải mất nhiều thời gian hơn để lạm phát tiếp tục giảm tốc”, Charlie Ripley, Chiến lược gia đầu tư cấp cao của Allianz Investment Management cho biết.
Chỉ số CPI sẽ là một “bài kiểm tra” đối với niềm tin của giới đầu tư về khả năng hạ cánh mềm của nền kinh tế Mỹ. Các nhà kinh tế học được hãng tin Dow Jones khảo sát dự báo CPI tăng 0,2% so với tháng 6 và tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chủ tịch Fed New York John Williams, một thành viên bỏ phiếu trong năm nay, cho biết ông hy vọng lãi suất có thể bắt đầu giảm vào đầu năm 2024, trong khi Thống đốc Michelle Bowman cho biết có thể sẽ cần tăng lãi suất bổ sung để giảm lạm phát về mức mục tiêu 2%.
Kết thúc phiên 7/8: Chỉ số Dow Jones tăng 407,51 điểm (+1,16%), lên 35.473,13 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 40,41 điểm (+0,90%), lên 4.518,44 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 85,16 điểm (+0,61%), lên 13.994,40 điểm.
Chứng khoán châu Âu tăng nhẹ, khi các nhà đầu tư chờ đợi số liệu lạm phát quan trọng từ khắp nơi trên thế giới trong tuần này để đánh giá triển vọng lãi suất, trong khi lĩnh vực quốc phòng tăng lên mức cao kỷ lục trong bối cảnh bất ổn địa chính trị gia tăng.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,08% lên 459,65 điểm trước các chỉ số lạm phát từ Đức, Trung Quốc và Mỹ sẽ được công bố vào cuối tuần này.
Chỉ số tài nguyên cơ bản giảm 1%, với cổ phiếu Aurubis AG giảm 9,5% mặc dù nhà sản xuất đồng lớn nhất châu Âu đã nhấn mạnh dự báo lợi nhuận cốt lõi mạnh mẽ trong năm tài chính hiện tại.
Ngăn chặn đà giảm của thị trường là ngành y tế tăng 0,6%, với đà tăng 3,1% của Bavarian Nordic sau khi công ty công nghệ sinh học Đan Mạch báo cáo kết quả tích cực ở giai đoạn cuối đối với vắc xin virus Chikungunya.
Trong khi đó, chỉ số hàng không vũ trụ và quốc phòng châu Âu đạt mức cao kỷ lục khi tăng 1%, với Leonardo của Ý và Melrose niêm yết tại London tăng lần lượt 3,1% và 2,6%.
"Chúng tôi vẫn đang nói về cuộc xung đột tại Ukraine và sự cạnh tranh với Trung Quốc. Vì vậy, rủi ro địa chính trị đang gia tăng và điều đó tốt cho những nhóm ngành trên của của thị trường", Anthi Tsouvali, chiến lược gia đa tài sản tại State Street Global Markets, cho biết.
Đáng chú ý khác là cổ phiếu Siemens Energy giảm 6,1%, sau khi Tập đoàn năng lượng Đức cho biết các vấn đề được tiết lộ gần đây tại đơn vị tuabin gió của họ sẽ tiêu tốn 2,2 tỷ euro (2,4 tỷ USD), thấp hơn nhiều so với ước tính trường hợp xấu nhất, nhưng vẫn dấy lên gây nghi ngờ về tương lai của doanh nghiệp.
Trong khi đó, một cuộc khảo sát của Sentix cho thấy tâm lý của các nhà đầu tư trong khu vực đồng euro bất ngờ tăng trong những ngày đầu tháng 8, chấm dứt ba tháng suy giảm liên tiếp khi lạm phát hạ nhiệt, nhưng không có dấu hiệu cho thấy sự thay đổi tâm lý thận trọng trong lâu dài.
Kết thúc phiên 7/8: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 9,88 điểm (-0,13%), xuống 7.554,49 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 1,10 điểm (-0,00%), xuống 15.950,76 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 4,69 điểm (+0,06%), lên 7.319,76 điểm.
Giá dầu thô giảm do lo ngại nhu cầu yếu hơn từ Trung Quốc và Mỹ, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thêm vào đó, giá dầu giảm một phần chịu tác động bởi chỉ số đồng USD phục hồi, sau khi giảm ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước khi một quan chức Fed đưa ra nhận xét ủng hộ việc tăng lãi suất bổ sung.
Kết thúc phiên 7/8, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 0,88 USD/thùng (-1,06%), xuống 81,94 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,90 USD/thùng (-1,04%), xuống 85,34 USD/thùng.