Ảnh AFP

Ảnh AFP

Giới đầu tư trên phố Wall đang hưng phấn với thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ thêm một phiên tăng vọt trong ngày thứ Năm (15/8), sau khi dữ liệu bán lẻ đáng khích lệ đã xoá bỏ lo ngại về suy thoái kinh tế.

Doanh số bán lẻ của Mỹ hồi phục với mức tăng 1% trong tháng 7, vượt xa mức dự báo chỉ là tăng 0,3%. Điều này đã giúp lo ngại giảm đáng kể về khả năng suy thoái của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Các dấu hiệu cho thấy tiêu dùng không sụp đổ có thể giúp thị trường tài chính quay trở lại kỳ vọng cắt giảm lãi suất 0,5% vào tháng tới.

Một số liệu khác cũng cho thấy số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới đã bất ngờ giảm 7.000 trong tuần kết thúc vào ngày 10/8, xuống 227.000 đơn.

"Dữ liệu doanh số bán lẻ ngày hôm nay và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp cung cấp thêm bằng chứng cho thấy nguy cơ suy thoái vẫn ở mức thấp ở Mỹ và trường hợp Fed cắt giảm lãi suất 0,25% là rất chắc chắn”, Ronald Temple, chiến lược gia thị trường trưởng tại Lazard cho biết.

Mặt khác, các nhà đầu tư sẽ tập trung theo dõi các dữ liệu kinh tế khác trong tuần này, cũng như Chủ tịch Fed Jerome Powell có bài phát biểu rất được chờ đợi tại Jackson Hole vào tuần tới.

Trong khi đó, chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic nói với Financial Times rằng ông sẵn sàng cắt giảm lãi suất vào tháng 9, trong khi Chủ tịch Fed St. Louis Alberto Musalem cho biết thời gian để ngân hàng trung ương bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ có thể đã gần kề.

Kết thúc phiên 15/8: Chỉ số Dow Jones tăng 554,67 điểm (+1,39%), lên 40.563,06 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 88,01 điểm (+1,61%), lên 5.543,22 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 401,89 điểm (+2,23%), lên 17.594,50 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng mạnh, được thúc đẩy bởi dữ liệu doanh số bán lẻ mạnh mẽ của Mỹ làm giảm bớt lo ngại về suy thoái của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu tăng 1,15% lên 509,88 điểm.

Tất cả các chỉ số lớn trong khu vực, bao gồm Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha đều tăng hơn 1%.

Doanh số bán lẻ của Mỹ đã tăng nhiều hơn dự kiến trong tháng 7, giúp thúc đẩy kỳ vọng của nhà đầu tư vào việc Fed cắt giảm lãi suất 0,25% trong tháng 9 tới đây.

"Fed có thể bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất mà không khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái và lịch sử cho thấy đây là một môi trường cực kỳ thuận lợi đối với thị trường chứng khoán", Chris Zaccarelli, giám đốc đầu tư của Independent Advisor Alliance cho biết.

Cổ phiếu công nghệ nhạy cảm với lãi suất là nhóm tăng mạnh nhất khi nhích 2,6% với các công ty bán dẫn như ASML Holding tăng 4,1% và ASM International tăng 4,23%

Các ngành khác như ngân hàng tăng 1,76%, nhóm bán lẻ tăng 1,45%, ô tô tăng 1,23% và nằm trong số những nhóm hoạt động tốt nhất.

Trong khi đó, cổ phiếu công ty thanh toán Hà Lan Adyen là cổ phiếu tăng mạnh nhất trên STOXX 600 với tăng 12%.

AstraZeneca tăng gần 2%, đánh dấu mức cao kỷ lục mới, sau khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cấp phép ưu tiên cho loại thuốc Imfinzi dùng để điều trị ung thư tế bào phổi giai đoạn cuối.

Kết thúc phiên 15/8: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 66,30 điểm (+0,80%), lên 8.347,35 điểm. Chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 297,64 điểm (+1,66%), lên 18.183,24 điểm. Chỉ số CAC 40 của Paris tăng 90,01 điểm (+1,23%), lên 7.423,37 điểm.

Giá dầu thô tăng, sau khi dữ liệu kinh tế của Mỹ xoa dịu nỗi lo suy thoái tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Kết thúc phiên 15/8, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 1,18 USD (+1,53%), lên 78,16 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,28 USD (+1,60%), lên 81,04 USD/thùng.

Tin bài liên quan