Những tin tức thiếu tích cực liên tiếp dồn về trong khiến Phố Wall có tuần giảm mạnh nhất trong 7 tuần, trong khi sự sợ hãi của Phố Wall tăng lên mức cao nhất từ tháng 2.
Bất chấp những đe dọa, ngăn cấm và trừng phạt từ Mỹ và phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, cuộc trưng cầu dân ý của Crưm về việc quốc gia tự trị này có sáp nhập vào Nga hay không vẫn được tiến hành theo đúng kế hoạch là vào Chủ nhật (16/3) này.
Việc đi hay ở của Crưm khiến cho tình hình của Ukraine nóng hơn bao giờ hết. Trong khi NATO và Ukraine dồn dập tập trận, thì Nga cũng không kém khi cũng thử độ sẵn sàng chiến đầu của quân đội nước này với hàng chục ngàn binh sỹ, cùng các vũ khí hiện đại nhả đạn thật giáp biên giới Ukraine.
Tình hình ở Ukraine, cùng với dấu hiệu chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc, cũng như khả năng FED sẽ chấm dứt gói kích thích kinh tế QE3 khiến giới đầu tư Phố Wall hoảng sợ. Sau khi tăng 12% trong phiên 13/3, chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của Phố Wall tiếp tục tăng thêm gần 10% trong phiên cuối tuần, lên 17,82, mức cao nhất kể từ đầu tháng 2. Điều này cho thấy Phố Wall đang thực sự run sợ. Chỉ số VIX luôn đi ngược lại với chỉ số chứng khoán, nhất là chỉ số S&P 500.
Với việc chỉ số VIX tăng cao, không khó hiểu khi Phố Wall liên tục giảm điểm, thậm chí giảm mạnh và kết thúc tuần trong sắc đỏ, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất trong 7 tuần.
Kết thúc phiên cuối tuần, chỉ số Dow Jones giảm 43,22 điểm (-0,27%), xuống 16.065,67 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 5,21 điểm (-0,28%), xuống 1.841,13 điểm. Nasdaq giảm 15,02 điểm (-0,35%), xuống 4.245,40 điểm.
Trong tuần, Dow Jones giảm 2,35%, chỉ số S&P 500 giảm 1,97% và chỉ số Nasdaq giảm 2,1%.
Chứng khoán châu Âu tiếp tục bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng ở Ukraine khi cuộc trưng cầu dân ý về việc Crưm sáp nhập vào Nga đang đến gần. Châu Âu phụ thuộc rất lớn vào nguồn khí đốt từ Nga, nếu cuộc khủng hoảng không được giải quyết và phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đột với Nga, thì tất yếu, Nga sẽ có hành động trả đũa và khí đốt vẫn là “vũ khí” lợi hại của Nga với phương Tây. Nếu nguồn năng lượng này bị chặn, kinh tế châu Âu, vốn khá yếu ớt sẽ bị ảnh hưởng nặng nề và do đó thị trường chứng khoán cũng bị ảnh hưởng theo.
Kết thúc phiên 14/3, chỉ số FTSE tại Anh giảm 25,89 điểm (-0,40%), xuống 6.527,89 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 38,62 điểm (+0,43%), lên 9.056,41 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 34,14 điểm (-0,80%), xuống 4.216,37 điểm.
Trong tuần, chỉ số FTSE giảm 2,75%, chỉ số DAX giảm 3,15% và chỉ số CAC 40 giảm 3,44%. Đây là mức giảm mạnh nhất của chứng khoán châu Âu kể từ cuối tháng 1.
Phiên giao dịch cuối tuần có thể coi là phiên “thảm họa” với chứng khoán châu Á, đặc biệt là chứng khoán Nhật Bản khi chỉ số Nikkei mất tới 3,3%. Nguyên nhân khiến chứng khoán Nhật Bản giảm sâu, ngoài cuộc khủng hoảng Ukraine, lo ngại về đà tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc, còn do đồng yên lên cao nhất 1 tháng. Cuộc khủng hoảng Ukraine khiến giới đầu tư tìm kiếm đến các kênh đầu tư an toàn và rời bỏ chứng khoán, trong đó, đồng yên Nhật được giới đầu tư lựa chọn.
Chính nhu cầu cao đã đẩy đồng yên có tuần tăng mạnh nhất trong hơn 1 tháng so với cả đồng USD và đồng euro. Kết thúc phiên cuối tuần, đồng euro giảm 0,25% so với đồng yên, đứng ở mức 140,88 yên, trong khi đồng USD cũng giảm 0,5%, xuống 101,36 yên. Trong tuần, đồng USD mất 1,7% so với đồng yên, mức giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 1.
Việc đồng yên tăng mạnh đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu và nền kinh tế vốn dựa mạnh vào xuất khẩu của Nhật Bản, vì vậy không khó hiếu khi đồng yên càng tăng mạnh, thì chứng khoán Nhật Bản càng giảm sâu.
Ngoài chứng khoán Nhật Bản, chứng khoán Hồng Kồng và Trung Quốc cũng giảm trong phiên cuối tuần khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm thứ Năm đưa ra cảnh báo rằng, nền kinh tế Trung Quốc đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong năm 2014.
Kết thúc phiên 14/3, chỉ số Nikkei 225 trên TTCK Nhật Bản giảm 488,32 điểm (-3,30%), xuống 14.327,66 điểm. Chỉ số HangSeng tại Hồng Kông giảm 216,59 điểm (-1,00%), xuống 21.539,49 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 14,77 điểm (-0,73%), xuống 2.004,34 điểm.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm tới 6,2%, chỉ số HangSeng giảm 4,95% và chỉ số Shanghai Composite cũng mất 2,6%.
Trong nỗ lực ngoại giao cuối cùng để giải quyết tình hình căng thẳng tại Ukraine, Ngoại trưởng Nga và Mỹ đã gặp nhau, nhưng những bất đồng giữa 2 bên ngày một lớn, nên cuộc gặp không đem lại kết quả nào. Crưm vẫn tổ chứ trưng cầu dân ý vào Chủ nhật về việc sáp nhập vào Nga, các bên vẫn Ukraine, NATO và Nga vẫn dương oai, múa võ dọa nhau bằng các cuộc tập trận bắn đạn thật.
Thêm vào đó, truyền thông phương Tây cũng thông tin, lính Nga đã tràn vào Crưm tuần qua và chiếm giữ các vị trí then chốt ở bán đảo này càng như đổ thêm dầu vào “chào lửa” Ukraine.
Những thông tin, cùng với dấu hiệu chậm lại của kinh tế Trung Quốc khiến giới đầu tư tìm đến các kênh đầu tư an toàn. Ngoài đồng yên Nhật như đã đề cập ở trên, thì dĩ nhiên vàng luôn là kênh đầu tư được lựa chọn đầu tiên khi có biến động về kinh tế, chính trị, thiên tại, chiến tranh. Do đó, sau phiên ngập ngừng lo sợ về gói QE3 sẽ bị rút lại, giá kim loại quý này đã tăng mạnh trở lại trong phiên cuối tuần, lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 9/2013.
Kết thúc phiên 14/3, giá vàng giao ngay trên thị trường New York tăng 10,9 USD (+0,80%), lên 1.382,00 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 tăng 6,6 USD (+0,48%), lên 1.379,00 USD/ounce. Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 3,17%, giá vàng giao tháng 4 trên sàn Comex tăng 3,05%.
Dĩ nhiên, cuộc khủng hoảng ở Ukraine căng thẳng hơn cũng hỗ trợ để giá dầu tăng trở lại. Kết thúc phiên 14/3, giá dầu thô Mỹ tăng 0,69 USD (+0,70%), lên 98,89 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,18 (+1,09%), lên 108,57 USD/thùng. Dù tăng lại trong phiên cuối tuần, nhưng giá dầu vẫn có tuần giảm mạnh với mức giám 3,6% của giá dầu thô Mỹ và 0,4% với giá dầu Brent.