Phố Wall có tuần giảm mạnh nhất gần 2 năm - Ảnh: Reuters

Phố Wall có tuần giảm mạnh nhất gần 2 năm - Ảnh: Reuters

Giới đầu tư toàn cầu lại trải qua 1 ngày đáng sợ

(ĐTCK) Chứng khoán toàn cầu lao dốc không phanh, xuyên thủng nhiều mức đáy trong phiên cuối tuần, kết thúc tuần tồi tệ nhất trong năm, trong khi nỗi sợ hãi của nhà đầu tư phố Wall lên mức cao nhất gần 2 năm.

Chứng khoán Mỹ giằng co quanh tham chiếu trong phần lớn thời gian giao dịch của phiên cuối tuần. Tưởng chừng phố Wall sẽ kết thúc phiên cuối tuần yên ả sau phiên bán tháo trước đó, thì bất ngờ vào nửa cuối phiên, lực bán tháo lại xuất hiện, nhấn chìm các chỉ số chính của phố Wall, trong đó, S&P đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ 23/5. Chỉ số này dù vẫn còn giữ mức tăng 3% từ đầu năm, nhưng đã giảm tới 5% so với mức đỉnh thiết lập hồi giữa tháng 9. Nasdaq thậm chí còn có phiên giảm tệ hơn khi mất tới hơn 2,3%.

Trong khi đó, chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của phố Wall kết thúc ở mức 21,24, mức cao nhất kể từ tháng 12/2012.

Giới đầu tư phố Wall đã đạt cược vào tương lai tươi sáng của kinh tế Mỹ và việc FED duy trì chính sách lãi suất bằng 0, nên có những phiên tăng mạnh. Tuy nhiên, việc FED kết thúc gói kích thích kinh tế trong tháng này, cùng lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu tăng cao khiến giới đầu tư phố Wall không còn đủ liều lĩnh để nắm giữ cổ phiếu, nên đồng loạt bán tháo. Trong tuần có 5 phiên giao dịch, thì phố Wall đã có tới 3 phiên bán tháo là phiên thứ Ba, thứ Năm và thứ Sáu.

Kết thúc phiên 10/10, chỉ số Dow Jones giảm 115,15 điểm (-0,69%), xuống 16.544,10 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 22,08 điểm (-1,15%), xuống 1.906,13 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 102,10 điểm (-2,33%), xuống 4.276,24 điểm.

Với những phiên bán tháo trong tuần, phố Wall đã có tuần giảm thứ 3 liên tiếp và là tuần giảm tồi tệ nhất hơn 2 năm. Cụ thể, chỉ số Dow Jones giảm 2,74% trong tuần. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 giảm 3,14% trong tuần và Nasdaq giảm 4,45%, mức giảm hàng tuần mạnh nhất kể từ tháng 5/2012.

Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng lao dốc trong phiên cuối tuần và có mức giảm tới hơn 4% trong tuần khi lo ngại về suy thoái kinh tế, nhất là các dữ liệu kinh tế kém khả quan của Đức được công bố gần đây. Trong đó, chỉ số DAX của Đức giảm xuống mức thấp nhất 1 năm.

Kết thúc phiên 10/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 91,88 điểm (-1,43%), xuống 6.339,97 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 216,21 điểm (-2,40%), xuống 8.788,81 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 67,74 điểm (-1,64%), xuống 4.073,71 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 2,88%, chỉ số DAX giảm 4,42% và chỉ số CAC40 giảm 4,86%.

Chứng khoán châu Á cũng không nằm ngoài ngoại lệ của chứng khoán toàn cầu. Đồng loạt các thị trường đều quay đầu giảm điểm. Trong đó, chứng khoán Nhật giảm xuống mức thấp nhất 2 tháng khi chung mối lo với chứng khoán Âu, Mỹ, còn chứng khoán Hồng Kông ngoài nỗi lo về kinh tế toàn cầu, còn đối mặt với cuộc khủng hoảng của thành phố này khi cuộc đàm phán giữa lãnh đạo phe biểu tình và chính quyền thất bại. Phe biểu tình tuyên bố sẽ gia tăng chiếm giữ các điểm quan trọng trong Thành phố. Trong khi đó, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán đại lục lại thận trọng với giữ liệu kinh tế tháng 9 của nước này sẽ được công bố vào tuần sau.

Kết thúc phiên 10/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 178,38 điểm (-1,15%), xuống 15.300,55 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 445,99 điểm (-1,90%), xuống 23.088,54 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục giảm 14,83 điểm (-0,62), xuống 2.374,54 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,6%, chỉ số Hang Seng tăng nhẹ 0,1% và chỉ số Shanghai Composite tăng 0,45%.

Trong khi đó, giá vàng đã không thể có được tuần tăng trọn vẹn khi giới đầu thực hiện chốt lời sau khi lo ngại FED chấm dứt gói kích thích kinh tế QE3. Dù vậy, với 4 phiên tăng liên tiếp, trong đó có những phiên tăng mạnh, giá kim loại quý này cũng có tuần tăng khá.

Kết thúc phiên 10/10, giá vàng giao ngay giảm 0,6 USD (-0,05%), xuống 1.223,0 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 3,6 USD (-0,29%), xuống 1.221,7 USD/ounce.  Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 2,71% và giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 2,41%.

Trong cuộc thăm dò tuần này của Kitco, trong 23 người trả lời, có 10 người cho rằng giá vàng sẽ tăng trong tuần tới, 9 người dự đoán giá kim loại quý sẽ giảm trở lại và 4 người cho rằng giá vàng sẽ đi ngang.  Tuần trước, xem như dự đoán của giới chuyên môn đã sai khi có tới 16 người dự báo giá vàng sẽ giảm, trong khi chỉ có 7 người dự báo tăng.

Ngược lại với giá vàng, giá dầu tiếp tục có tuần giảm tồi tệ khi dữ liệu kinh tế yếu kém liên tục được công bố, làm gia tăng lo lắng về đợt suy thoái kinh tế toàn cầu tiếp theo. Dù hồi nhẹ trong phiên cuối tuần, nhưng chỉ đủ giúp giá nhiên liệu này chặn chuỗi đà giảm liên tiếp, chứ không giúp tránh khỏi tuần giảm tồi tệ.

Kết thúc phiên 10/10, giá dầu thô trên thị trường Mỹ tăng 0,05 USD (+0,06%), lên 85,82 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,16 USD (+0,18%), lên 90,23 USD/thùng. Trong tuần, giá dầu thô trên thị trường Mỹ giảm 4,37%, trong khi giá dầu thô Brent cũng mất 2,25%.

Tin bài liên quan