Ngay khi mở cửa phiên giao dịch đầu năm mới, giới đầu tư phố Wall đã hứng chịu “tai bay vạ gió” với sự lao dốc từ chứng khoán Trung Quốc.
Việc chứng khoán Trung Quốc lao dốc không phanh trong phiên đầu năm mới, buộc các nhà quản lý thị trường nước này phải lần đầu tiên trong lịch sử dùng biện pháp tạm ngừng giao dịch đã reo rắc tâm lý hoang mang cho giới đầu tư chứng khoán toàn cầu, trong đó có thị trường chứng khoán Mỹ.
Do đó, ngay khi mở cửa trở lại trong phiên đầu tiên của năm 2016, phố Wall đã bị kéo giảm mạnh với lực bán tháo diễn ra mạnh mẽ ngay đầu phiên và duy trì cường độ này cho đến khi đóng cửa, trong đó chỉ số Nasdaq giảm tới hơn 2%.
Ngoài sự ảnh hưởng từ chứng khoán Trung Quốc, phố Wall giảm mạnh còn do các dữ liệu kinh tế của Mỹ vừa công bố không mấy khả quan. Cụ thể, theo dữ liệu được Việ quản lý nguồn cung Mỹ (ISM) công bố hôm thứ Hai, chỉ số hoạt động sản xuất trong nước giảm xuống mức 48,2 trong tháng 12 từ mức 48,6 trong tháng 11, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2009. Trong khi đó, lượng đơn đặt hàng tăng 3 điểm phần trăm, nhưng vẫn trong biên độ hẹp.
Một dữ liệu khác cũng cho thấy, chi tiêu trong xây dựng trong tháng 11 đã giảm lần đầu tiên sau 1 năm rưỡi.
Kết thúc phiên 4/1, chỉ số Dow Jones giảm 276,09 điểm (-1,58%), xuống 17.148,94 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 31,28 điểm (-1,53%), xuống 2.012,66 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 104,32 điểm (-2,08%), xuống 4.903,09 điểm.
Cũng giống phố Wall và các thị trường chứng khoán khác trên thế giới, cú “sốc” từ chứng khoán Trung Quốc đã khiến chứng khoán châu Âu chao đảo trong phiên giao dịch đầu năm mới với mức giảm rất mạnh, thậm chí chứng khoán Đức giảm tới hơn 4%.
Kết thúc phiên 4/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 148,89 điểm (-2,39%), xuống 6.093,43 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 459,57 điểm (-4,28%), xuống 10.283,44 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 114,61 điểm (-2,47%), xuống 4.522,45 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, dĩ nhiên tâm điểm chú ý vẫn là thị trường chứng khoán Trung Quốc. Chứng khoán Trung Quốc đã giảm mạnh 7% trong phiên giao dịch đầu năm mới và buộc các nhà quản lý phải lần đầu tiên trong lịch sử sử dụng biện pháp tạm ngừng giao dịch.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc có biến động dữ dội đến vậy sau khi các số liệu kinh tế mới được công bố cho thấy, các hợp đồng sản xuất tại nước này giảm tháng thứ 5 liên tiếp và các nhà đầu tư thì đang thúc đẩy việc chấm dứt lệnh cấm các cổ đông lớn bán chứng khoán vào cuối tuần này.
Đà bán tháo từ chứng khoán Trung Quốc đã lây lan sang các thị trường khác của khu vực và kéo theo chứng khoán Hồng Kông giảm gần 3%, chứng khoán Nhật Bản giảm hơn 3%.
Kết thúc phiên 4/1, chỉ số Nikke 225 tại Nhật Bản giảm 582,73 điểm (-3,06%), xuống 18.450,98 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 587,28 điểm (-2,68%), xuống 21.327,12 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 242,92 điểm (-6,86%), xuống 3.296,26 điểm.
Sự hoảng sợ của giới đầu tư chứng khoán lại là liều thuốc bổ cho giá vàng. Vàng thường được xem là kênh đầu tư trú ẩn mỗi khi có biến cố lớn về kinh tế, chính trị, chiến tranh, thiên tai. Do đó, khi chứng khoán bị bán tháo, giới đầu tư đã tìm đến vàng như là kênh trú ẩn an toàn, giúp giá kim loại quý này có phiên tăng ấn tượng ngay đầu năm.
Kết thúc phiên 4/1, giá vàng giao ngay tăng 13,4 USD (+1,26%), lên 1.073,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2016 tăng 15 USD (+1,42%), lên 1.075,2 USD/ounce.
Không như giá vàng, sau khi tăng nhờ tình hình căng thẳng ngoại giao ở Trung Đông, giá dầu thô nhanh chóng giảm trở lại khi mối lo nhu cầu sụt giảm lại hiện hữu, bởi kinh tế Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và cũng là thị trường tiêu thụ nhiên liệu lớn thứ 2 thế giới đang sụt giảm trong tăng trưởng.
Kết thúc phiên 4/1, giá dầu thô Mỹ giảm 0,28 USD/thùng (-0,76%), xuống 36,78 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,06 USD (-0,16%), xuống 37,22 USD/thùng.