Trong phiên giao dịch ngày 5/3, chứng khoán Mỹ đón nhận nhiều thông tin kinh tế. Dữ liệu về bảng lương ADP cho thấy, khu vực tư nhân của Mỹ đã tạo thêm 139.000 việc làm trong tháng 2, ít hơn kỳ vọng 160.000 của giới phân tích. Trong khi đó, số việc làm tạo thêm trong tháng 1 đã được điều chỉnh giảm từ 175.000 xuống còn 127.000 việc làm.
Giới phân tích cho rằng, bảng lương khu vực tư nhân không có nhiều ảnh hưởng tới quyết định của FED, cũng như chỉ báo kinh tế. Giới đầu tư đang chờ đợi bảng lương khu vực phi nông nghiệp sẽ được công bố vào thứ Sáu. Theo khảo sát, giới phân tích dự đoán, tháng 2 khu vực này sẽ tạo thêm 150.000 việc làm, nhiều hơn so với con số 113.000 của tháng 1 và gấp 2 lần so với con số 75.000 của tháng 12/2013.
Một dữ liệu từ Viện quản lý nguồn cung cũng cho biết, lĩnh vực dịch vụ vẫn tiếp tục tăng trưởng trong tháng trước khi chỉ số ngành vẫn đứng ở mức 51,6, nhưng giảm mạnh so với mức 54 của tháng Giêng và là mức thấp nhất 4 năm. Dù vậy, đây vẫn là tháng thứ 50 liên tiếp chỉ số này đứng trên mức 50, một chỉ báo có sự tăng trưởng.
Mùa Đông khắc nghiệt được cho là nguyên nhân dẫn đến những chỉ số kém tích cực của nền kinh tế Mỹ. Theo báo cáo của Cục dự trữ Liêng bang Mỹ (FED), thời tiết khắc nghiệt đã khiến sức mua của người dân giảm xuống, dẫn đến tăng trưởng của nền kinh tế thế giới chậm hơn.
Thời gian gần đây, giới đầu tư thường hướng sự chú ý vào tình hình Ukraine với sự đối đầu giữ Nga và Ukraine và thật ra là cuộc chiến ngoại giao giữ Nga và phương Tây. Bất kể cuộc đụng độ nào xảy ra ở đây cũng đều ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu. Khi tình hình ở bán đảo Crưm thuộc Ukraine căng thẳng, giới đầu tư đã tháo chạy khỏi chứng khoán để chuyển đến các kênh đầu tư an toàn khác trong phiên đầu tuần, nhưng sau đó đã ồ ạt quay trở lại thị trường chứng khoán trong phiên 4/3 khi tình hình tại quốc gia Đông Âu này hạ nhiệt.
Trong phiên giao dịch tối qua (5/3) theo giờ Việt Nam, tình hình tại Ukraine vẫn đang tạm lắng dịu, trong khi các thông tin kinh tế trái chiều đã khiến Phố Wall không có nhiều biến động trong phiên giao dịch ngày 5/3, trong đó chỉ số S&P 500 gần như kết thúc phiên không đổi sau khi lập kỷ lục mới về điểm số trong ngày 4/3. Chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của giới đầu tư Phố Wall đã 1,5%, xuống 13,89.
Kết thúc phiên 5/3, chỉ số Dow Jones giảm 35,70 điểm (-0,22%), xuống 16.360,18 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,10 điểm (-0,01%), xuống 1.873,81 điểm. Ngược lại, chỉ số Nasdaq tăng 6,00 điểm (+0,14%), lên 4.357,97 điểm.
Trong đó, chỉ số Dow Jones giảm do ảnh hưởng từ cổ phiếu của Exxon Mobil giảm 2,8% và Nikke giảm 1,5%. Trong khi đó, giá dầu giảm mạnh đã khiến cổ phiếu năng lượng mất tới 1,1%, ngăn cẳn S&P 500 thiết lập kỷ lục mới.
Tâm lý các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu cũng đã ổn định trở lại sau 2 phiên giật cục với tình hình của Ukraine. Bây giờ, giới đầu tư hướng tập trung vào các vấn đề kinh tế. Trong phiên giao dịch ngày 5/3, các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu thận trọng trở lại sau phiên hào hứng trước đó để Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra chính sách phát triển kinh tế và hạn chế lạm phát sẽ đưa ra vào hôm nay (6/3).
Kết thúc phiên 5/3, chỉ số FTSE tại Anh giảm 48,35 điểm (-0,71%), xuống 6.775,42 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 47,13 điểm (-0,49%), xuống 9.542,02 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 4,65 điểm (-0,11%), xuống 4.391,25 điểm.
Cuộc khủng hưởng ở Ukraine tạm thời tìm được lối ra bằng con đường ngoại giao cũng giúp cho giới đầu tư châu Á bớt lo lắng, qua đó giúp thị trường chứng khoán trong khu vực tăng điểm, trong đó, chứng khoán Nhật Bản có phiên phục hồi thứ 2 liên tiếp với mức tăng mạnh hơn phiên trước. Tuy nhiên, chứng khoán Hồng Kông đã điều chỉnh trở lại, đặc biệt, chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh hơn trong phiên 5/3. Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã một mình một đường tăng khá tốt trong lúc giới đầu tư toàn cầu hoảng sợ với tình hình Ukraine, nay khi tình hình ở quốc gia Đông Âu này được dịu xuống, chứng khoán Trung Quốc lại quay đầu giảm điểm.
Việc chứng khoán Trung Quốc tăng trước đó khiến nhiều người ngạc nhiên, bởi không chỉ chịu ảnh hưởng bởi tình hình Ukraine, mà còn do các yếu tố kinh tế kém tích cực của nước này được công bố thời gian qua. Vì vậy, việc chứng khoán Trung Quốc giảm trở lại cũng là điều dễ hiểu, nhất là mới đây, giới phân tích tỏ ra lo ngại với khả năng vỡ nợ của một số địa phương của Trung Quốc và việc quốc gia này vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, trong khi đang hướng mục tiêu sang tái cân bằng nền kinh tế.
Kết thúc phiên 5/3, chỉ số Nikkei 225 trên TTCK Nhật Bản tăng 175,15 điểm (+1,20%), lên 14.897,63 điểm. Chỉ số HangSeng tại Hồng Kông giảm 77,85 điểm (-0,34%), xuống 22.278,78 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 18,39 điểm (-0,89%), xuống 2.053,08 điểm.
Cũng giống như trên thị trường chứng khoán, thị trường vàng cũng ổn định trở lại sau 2 phiên náo loạn với tình hình căng thẳng ở Ủkraine. Sau phiên tăng phi mã, rồi rớt thảm ngày thứ Hai và thứ Ba, trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, giá vàng gần như ít biến động, biên độ dao động cũng ở trong khoảng hẹp trước khi kết thúc phiên chỉ tăng nhẹ.
Kết thúc phiên 5/3, giá vàng giao ngay trên thị trường New York tăng 2,4 USD (+0,18%), xuống 1.336,80 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 tăng 2,4 USD (+0,18%), lên 1.340,3 USD/ounce.
Giá dầu tiếp tục lao dốc phiên thứ 2 liên tiếp khi lo ngại về tình hình Ukraine giảm xuống. Kết thúc phiên 5/3, giá dầu thô Mỹ giảm 1,88 USD (-1,85%), xuống 101,45 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,54 (-1,43%), xuống 107,76 USD/thùng.