Dow Jones đã không thể chinh phục lại mốc 17.000 trong phiên đầu tuần - Ảnh: Reuters

Dow Jones đã không thể chinh phục lại mốc 17.000 trong phiên đầu tuần - Ảnh: Reuters

Giới đầu tư toàn cầu “án binh” đợi dữ liệu của Mỹ

(ĐTCK) Tuần này, Mỹ sẽ công bố nhiều dữ liệu quan trọng như PMI, GDP, báo cáo việc làm và cuộc họp chính sách của FOMC, vì vậy, giới đầu tư cả trên thị trường chứng khoán và vàng đều tỏ ra thận trọng trong phiên đầu tuần.
Phố Wall kết thúc phiên đầu tuần gần như không nhiều thay đổi so với giá đóng cửa của phiên cuối tuần trước. Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, những dữ liệu kém tích cực về thị trường nhà ở được công bố cuối tuần trước tiếp tục ám ảnh nhà đầu tư.

Các chỉ số chính của phố Wall đồng loạt giảm trong phiên giao dịch sáng trước khi các thông tin về mua bán sáp nhập được đưa ra, giúp các chỉ số hồi trở lại.

Tuy nhiên, Dow Jones không thể chinh phục thành công ngưỡng kháng cự 17.000 điểm đã bị mất cuối tuần trước. S&P 500 cũng thất bại khi có ý định leo lên 1.980 điểm.

Sau các dữ liệu kinh tế kém khả quan được công bố cuối tuần trước, nhà đầu tư bắt đầu hướng tới những dữ liệu rất quan trọng khác được công bố trong tuần này. Đầu tiên là chỉ số PMI, tiếp đó là cuộc họp chính sách của FOMC thuộc FED, rồi đến báo cáo GDP quý II được công bố vào thứ Tư và báo cáo việc làm được công bố vào thứ Sáu.

Các nhà kinh tế dự báo, GDP quý II của Mỹ sẽ tăng khoảng 3 - 3,2% sau khi giảm 2,9% trong quý II do ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt. Trong khi đó, thị trường lao động sẽ tạo thêm 233.000 việc làm trong tháng 7.

Kết thúc phiên 28/7, chỉ số Dow Jones tăng 22,02 điểm (+0,13%), lên 16.982,59 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,57 điểm (+0,03%), lên 1.978,97 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 4,66 điểm (-0,10%), xuống 4.444,91 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng mở cửa phiên đầu tuần trong sắc đỏ và dao động dưới tham chiếu trong phần lớn thời gian giao dịch do những lo ngại về căng thẳng giữa Nga và phương Tây. Giới đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu cũng thận trọng trước một tuần đầy dữ liệu quan trọng của Mỹ được công bố.

Tuy nhiên, gần cuối phiên, cùng với các thông tin về M&A ở Mỹ và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu được công bố tích cực, các chỉ số chính của chứng khoán châu Âu đã hồi trở lại, trong đó, chứng khoán Pháp thậm chí vượt qua được mốc tham chiếu.

Kết thúc phiên 28/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 3,48 điểm (-0,05%), xuống 6.788,07 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 45,84 điểm (-0,48%), xuống 9.598,17 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 14,22 điểm (+0,33%), lên 4.344,77 điểm.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Á, các thị trường đáng chú ý trong khu vực đều tăng mạnh, trong đó, chứng khoán Nhật Bản lên mức cao nhất 6 tháng khi nhà đầu tư kỳ vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước sẽ được cải thiện. Trong khi đó, dữ liệu khả quan của kinh tế Trung Quốc được công bố tuần trước tiếp tục có tác động mạnh tới chứng khoán Thượng Hải và Hồng Kông

Kết thúc phiên 28/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 71,53 điểm (+0,46%), lên 15.529,40 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 212,62 điểm (+0,88%), lên 24.428,63 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 51,33 điểm (+2,41%), lên 2.177,95 điểm.

Những căng thẳng địa chính trị giúp giá vàng tăng mạnh tuần trước, giờ đã tạm bị nhà đầu tư bỏ qua khi bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới. Giới đầu tư bây giờ quan tâm đến các thông tin khác như dữ liệu kinh tế Mỹ như chỉ số PMI được công bố vào thứ Hai, GDP quý II được công bố vào thứ Tư, báo cáo việc làm sẽ được công bố vào thứ Sáu. Ngoài ra, cuộc họp của các thành viên thị trường mở thuộc FED (FOMC) diễn ra trong 2 ngày thứ Ba và thứ Tư.

Do đang nghe ngóng dữ liệu kinh tế Mỹ, nên giá vàng gần như đi ngang dưới 1.305 USD/ounce trong suốt phiên đầu tuần. Trong khi giá vàng giao tháng 8 ổn định ở mức đóng cửa cuối tuần trước.

Mặc dù vậy, nhà đầu tư trên thị trường kim loại quý khó có thể bỏ qua những căng thẳng địa chính trị. Mới đây nhất, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc gia tăng các biện pháp trừng phạt với Nga liên quan đến việc sáp nhập Crime trước đó, cũng như xung quanh vụ máy bay MH17 của Maylaisia bị bắn rơi ở Ukraine, trong khu vực do phe ly khai thân Nga kiểm soát khiến 298 người thiệt mạng. Đây chính là những yếu tố có thể giúp vàng đảo chiều tăng trở lại trong các phiên tới, nếu dữ liệu kinh tế Mỹ không quá khả quan và FOMC đưa ra những quyết định bất lợi cho giá vàng.

Kết thúc phiên 28/7, giá vàng giao ngay giảm 4,8 USD (-0,37%), xuống 1.303,50 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 vẫn đứng ở mức 1.303,3 USD/ounce.

Cũng giống như kim loại quý, giá dầu thô cũng nhanh chóng bị bán ra và quay đầu giảm giá sau khi có phiên phục hồi, mạnh vào cuối tuần do căng thẳng địa chính trị giữa Nga và phương Tây gia tăng, đặc biệt là dầu thô Brent. Ngoài ra, giá dầu giảm còn do dư thừa nguồn cung của biển Bắc và dầu thô Tây Phi, trong khi nhu cầu yếu của châu Âu và châu Á.

Kết thúc phiên 28/7, giá dầu thô Mỹ giảm 0,42 USD (-0,41%), xuống 101,67 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,82 USD (-0,76%), xuống 107,57 USD/thùng.

Tin bài liên quan