Giới đầu tư tìm kiếm lý do Fed cắt giảm lãi suất tới 0,5%

Giới đầu tư tìm kiếm lý do Fed cắt giảm lãi suất tới 0,5%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ tăng nhẹ trong phiên thứ Hai (23/9), khi các nhà đầu tư tập trung vào bình luận từ các nhà hoạch định chính sách của Fed.

Động thái cắt giảm lãi suất chính sách của Fed trong tuần trước đã hỗ trợ các chỉ số chính trên Phố Wall có mức tăng điểm tích cực, đi ngược lại xu hướng lịch sử khi tháng 9 luôn là một tháng hoạt động yếu kém của thị trường chứng khoán.

Hiện tại, các bình luận từ một số nhà hoạch định chính sách sẽ là trọng tâm chính theo dõi, khi các nhà đầu tư tìm kiếm manh mối về lý do tại sao Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng với việc cắt giảm lãi suất lên tới 0,5%.

Về mặt dữ liệu, hoạt động kinh doanh của Mỹ ổn định trong tháng 9. Theo đó, S&P Global cho biết Chỉ số sản xuất PMI tổng hợp của Mỹ, theo dõi các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, ít thay đổi ở mức 54,4 điểm trong tháng 9 này so với mức 54,6 điểm vào tháng 8.

Số liệu tháng 9 phù hợp với các báo cáo trong tháng này, bao gồm cả doanh số bán lẻ, cho thấy nền kinh tế Mỹ duy trì đà tăng trưởng vững chắc trong quý III.

Tuy nhiên, sự không chắc chắn về cuộc bầu cử tổng thống ngày 5/11 đang đè nặng lên tâm lý thị trường.

Trong khi mọi con mắt đang đổ dồn vào con số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 8 sẽ được công bố vào thứ Sáu - thước đo lạm phát ưa thích của Fed. Các nhà phân tích cho biết dữ liệu này này sẽ là chất xúc tác quan trọng nhất đối với xu hướng thị trường trong tuần tiếp theo.

Kết thúc phiên 23/9: Chỉ số Dow Jones tăng 61,29 điểm (+0,15%), lên 42.124,65 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 16,02 điểm (+0,28%), lên 5.718,57 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 25,95 điểm (+0,14%), lên 17.974,27 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng, khi chỉ số tâm lý kinh doanh suy giảm đã củng cố kỳ vọng vào khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa trong năm nay.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,4% lên 516,32 điểm.

Cổ phiếu nhóm Ô tô tăng 1,9% và dẫn đầu mức tăng trong số các lĩnh vực chính, theo sau là nhóm cổ phiếu bán lẻ tăng 1,2%.

Một cuộc khảo sát cho thấy hoạt động kinh doanh của khu vực đồng euro đã giảm trong tháng 9 cho đến nay. Cụ thể, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) khu vực đồng euro tổng hợp sơ bộ của HCOB đã giảm xuống 48,9 điểm từ mức 51 điểm của tháng 8.

Sự suy thoái dường như diễn ra trên diện rộng với Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, chứng kiến sự suy giảm cao nhất, trong khi Pháp cũng rơi vào suy thoái sau khi Thế vận hội tháng Tám mất động lực.

Đồng euro trượt giá so với đồng USD, khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn hai năm của Đức, phản ánh kỳ vọng lãi suất ngắn hạn, giảm xuống còn 2,149%.

Kết thúc phiên 23/9: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 29,72 điểm (+0,36%), lên 8.259,71 điểm. Chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 126,78 điểm (+,68%), lên 18.846,79 điểm. Chỉ số CAC 40 của Paris tăng 7,82 điểm (+0,10%), lên 7.508,08 điểm.

Giá dầu thô giảm do lo ngại nhu cầu giảm tại châu Âu, sau khi dữ liệu cho thấy hoạt động kinh doanh tháng 9 suy yếu mạnh.

Kết thúc phiên 23/9, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 0,63 USD (-0,90%), xuống 70,37 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,59 USD (-0,80%), xuống 73,90 USD/thùng.

Tin bài liên quan