Chứng khoán Mỹ chào đón một loạt dữ liệu kinh tế được công bố vào cuối tuần qua.
Báo cáo về thu nhập và chi tiêu cá nhân cho thấy thu nhập cá nhân của người Mỹ giảm 7,1% trong tháng 2, cao hơn so với mức giảm 7% được dự báo trước đó.
Trong khi đó, chi tiêu tiêu dùng giảm 1%, cũng cao hơn so với mức dự báo giảm 0,8% do giới chuyên gia nhận định. Đây là mức giảm chi tiêu lớn nhất ghi nhận trong 10 tháng, nguyên nhân là do thời tiết mùa Đông khắc nghiệt, đồng thời cũng là thời điểm người dân tạm thời nghỉ ngời chờ đợi khoản thanh toán từ gói viện trợ của chính phủ.
Bên cạnh đó, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo dùng để theo dõi lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), tăng 0,2% trong tháng 2, trùng với dự báo được các nhà kinh tế học đưa ra.
Cũng trong phiên, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên 1,684%, sau khi xuống đến gần mức thấp trong tuần là 1,59% trong phiên trước, nhưng vẫn thấp hơn mức kỷ lục đạt được vào thứ Sáu tuần trước là 1,729%.
Lợi suất trái phiếu tăng với kỳ vọng nền kinh tế có thể phục hồi mạnh mẽ và chịu được mức lạm phát cao hơn sau khi gói kích thích tài chính 1.900 tỷ USD từ chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho thấy hiệu quả.
Mặt khác, người Mỹ đang rất lạc quan về trạng thái của nền kinh tế nhờ số ca nhiễm giảm và các khoản thanh toán kích thích nhiều hơn từ Washington.
Báo cáo cuối cùng của Đại học Michigan về lòng tin tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 3 công bố ngày 26/3 cho thấy chỉ số này tăng 84,9 điểm, so với mức 83 điểm trong tháng 2.
Về dữ liệu kinh tế khác, thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ đã tăng 2,5% lên 86,7 tỷ USD trong tháng 2, Bộ Thương mại Mỹ cho biết hôm thứ Sáu.
Kết thúc phiên 26/3, chỉ số Dow Jones tăng 453,40 điểm (+1,39%), lên 33.072,88 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 65,02 điểm (+1,66%), lên 3.974,54 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 161,05 điểm (+1,24%), lên 13.138,72 điểm.
Tình chung cả tuần, Dow Jones tăng 1,36%, S&P 500 tăng 1,57%, Nasdaq Composite giảm 0,58%.
Chứng khoán châu Âu tràn ngập sắc xanh khi các nhà đầu tư đã có thể trút bỏ được lo lắng về làn sóng Covid-19 lần thứ ba và tập trung vào triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu vững chắc.
Kết thúc phiên 26/3, chỉ số FTSE 100 tăng 65,76 điểm (+0,99%), lên 6.740,59 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 127,58 điểm (+0,87%), lên 14.748,94 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 36,40 điểm (+0,61%), lên 5.988,81 điểm.
Trong tuần, FTSE 100 tăng 0,48%, DAX tăng 0,88%, CAC 40 giảm 0,15%.
Chứng khoán châu Á cũng được bao phủ bởi sắc xanh trong phiên cuối tuần qua. Chứng khoán Nhật Bản tăng nhờ sự dẫn dắt của cổ phiếu lớn SoftBank, cùng lực mua bắt đáy mạnh ở các cổ phiếu vốn đã giảm sâu trong tuần này.
Chứng khoán Trung Quốc hồi phục, chấm dứt chuỗi 4 tuần giảm liên tiếp, được thúc đẩy bởi nhóm cổ phiếu tiêu dùng và dòng tiền mạnh từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Chứng khoán Hồng Kông tăng, hỗ trợ bởi nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ, nhưng căng thẳng gia tăng giữa phương Tây và Trung Quốc đã khiến chỉ số ghi nhận mức giảm trong tuần.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng nhẹ nhờ sự lạc quan từ dữ liệu thất nghiệp được cải thiện tại Mỹ.
Kết thúc phiên 26/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 446,82 điểm (+1,56%), lên 29.176,70 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 54,74 điểm (+1,63%), lên 3.418,33 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 436,82 điểm (+1,57%), lên 28.336,43 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 32,68 điểm (+1,09%), lên 3.041,01 điểm.
Giá vàng phiên ngày thứ Sáu tăng trở lại nhờ đồng USD suy giảm, nhưng nhìn chung giao dịch khá ảm đạm khi phần lớn thông tin hỗ trợ đều không đến tại thời điểm hiện tại.
Kết thúc phiên 26/3, giá vàng giao ngay tăng 6,60 USD (+0,38%), lên 1.733,30 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 7,20 USD (+0,43%), lên 1.732,30 USD/ounce.
Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 0,6%, giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 0,5%.
Theo khảo sát về giá vàng tuần tới của Kitco với 16 chuyên gia trên phố Wall, có 7 người dự báo vàng sẽ tăng giá, 8 người cho rằng giá vàng giảm và như vậy có 1 dự báo giá vàng sẽ đi ngang.
Đối với khảo sát trực tuyến với 807 người tham gia, 47% tin rằng giá vàng sẽ tăng, 32% cho rằng giá vàng giảm và 21% có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.
Giá dầu tăng vọt trong phiên ngày thứ Sáu do thị trường lo ngại nguồn cung toàn cầu đối với các sản phẩm thô và tinh chế có thể bị gián đoạn trong nhiều tuần khi siêu tàu Ever Given đang mắc kẹt tại kênh đào Suez khiến lượng hàng hóa trị giá 9 tỷ USD lưu thông qua kênh mỗi ngày bị đình trệ, làm gián đoạn mạng lưới vận tải toàn cầu vốn đã căng thẳng vì đại dịch COVID-19.
Kênh đào Suez đang tăng cường nỗ lực giải thoát siêu tàu, tuy nhiên quá trình có thể mất hàng tuần với những biến cố có thể xảy ra do thời tiết không ổn định.
Theo dữ liệu của Kpler, trong tổng số 39,2 triệu thùng/ngày dầu thô vận chuyển bằng đường biển của toàn thế giới vào năm 2020, 1,74 triệu thùng/ngày đi qua kênh đào Suez. Ngoài ra, 1,54 triệu thùng các sản phẩm dầu tinh luyện cũng đi qua đây mỗi ngày, chiếm khoảng 9% sản phẩm dầu thương mại vận chuyển bằng đường biển toàn cầu.
Tính đến hôm thứ Sáu, có 10 tàu đang đợi tại các điểm vào kênh Suez để chở khoảng 10 triệu thùng dầu.
Kết thúc phiên 26/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 2,41 USD (+3,95%), lên 60,97 USD/thùng, giá dầu thô tăng 2,62 USD (+4,06%), lên 64,57 USD/thùng.
Sau một tuần đầy biến động, dầu WTI giảm 0,7%, dầu Brent tăng 0,06%.