Ảnh AFP

Ảnh AFP

Giới đầu tư tiếp tục nhận tin vui

(ĐTCK) Dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan vừa được công bố giúp nhóm cổ phiếu công nghiệp tăng mạnh, qua đó kéo phố Wall trở lại trong phiên thứ Năm (18/4).

Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 3 vượt kỳ vọng của các nhà phân tích, tăng 1,6%, tốc độ hàng tháng nhanh nhất trong 1 năm rưỡi. Trong khi đó, dữ liệu từ Bộ Lao động cho thấy, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuần trước đã giảm 5.000 đơn, xuống mức thấp nhất trong 50 năm.

Bên cạnh đó, người phát ngôn Bộ thương mại Trung Quốc cho rằng, tiến bộ đàm phán thương mại thương mại Mỹ-Trung diễn ra tích cực.

Với hàng loạt thông tin kinh tế và địa chính trị tích cực trên, các cổ phiếu ngành công nghiệp đã đồng loạt tăng mạnh, kéo cả 3 chỉ số chính của phố Wall hồi phục trở lại, trong đó chỉ số Dow Jones tăng mạnh nhất, còn Nasdaq đóng cửa với sắc xanh nhạt, gần như không đổi.

Kết thúc phiên 18/4, chỉ số Dow Jones tăng 106,88 điểm (+0,40%), lên 26.559,54 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,58 điểm (+0,16%), lên 2.905,03 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 1,98 điểm (+0,03%), lên 7.998,06 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, ngoại trừ chứng khoán Anh tiếp tục giảm nhẹ, các chỉ số chính khác trong khu vực đều tăng điểm khá tốt trong phiên thứ Năm, trước khi bước vào kỳ nghỉ lễ phục sinh. Chứng khoán châu Âu tăng điểm nhờ kết quả kinh doanh tích cực của một số doanh nghiệp vừa công bố, đồng euro giảm và dữ liệu kinh tế tốt từ Trung Quốc, cũng như Mỹ, làm lu mờ thông tin Đức hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2019.

Kết thúc phiên 18/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 11,44 điểm (-0,15%), xuống 7.459,88 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 69,32 điểm (+0,57%), lên 12.222,39 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 17,29 điểm (+0,31%), lên 5.580,38 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, các thị trường chính trong khu vực đồng loạt giảm trong phiên thứ Năm, trong đo chứng khoán Nhật Bản giảm nhóm cổ phiếu dược phẩm giảm mạnh theo các đồng nghiệp trên phố Wall trong phiên tối hôm trước. Trong khi chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông chịu áp lực chốt lời sau chuỗi tăng ấn tượng trước đó lên mức cao nhất hơn 1 năm nhờ dữ liệu kinh tế tích cực.

Kết thúc phiên 18/4, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản giảm 187,85 điểm (-0,84%), xuống 22.090,12 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 12,92 điểm (-0,40%), xuống 3.250,20 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 161,42 điểm (-0,54%), xuống 29.963,26 điểm.

Những thông tin kinh tế lạc quan vừa công bố khiến giá vàng không có động lực để hồi phục trở lại sau khi giảm xuống mức thấp nhất 4 tháng. Trong phiên thứ Năm, giá kim loại quý này chủ yếu đi ngang và đóng cửa gần như không đổi so với phiên trước đó.

Kết thúc phiên 18/4, giá vàng giao ngay tăng 1,9 USD (+0,15%), lên 1.275,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 không đổi, vẫn đứng ở mức 1.276,8 USD/ounce.

Giá dầu thô lại vẫn điệp khúc tăng/giảm đan xen. Sau khi giảm trong phiên thứ Tư, giá dầu thô lại quay đầu tăng trong phiên thứ Năm sau thông tin lượng xuất khẩu dầu thô của Ả Rập Xê út giảm 277.000 thùng, xuống dưới 7 triệu thùng/ngày trong tháng 2.

Kết thúc phiên 18/4, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng 0,24 USD (+0,38%), lên 64,00 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,35 USD (+0,49%), lên 71,97 USD/thùng.

Tin bài liên quan