Sau khi giằng co nhẹ trong phiên thứ Ba, phố Wall đã tiếp tục có phiên tăng tốt trong phiên thứ Tư nhờ sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu công nghệ và các tin tức tích cực liên tiếp được công bố.
Sau khi Mỹ và Mexico đạt được thỏa thuận thương mại về những điều khoản mới trong Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) hôm đầu tuần, Canada đã có những động thái mềm mỏng hơn trong cuộc đàm phán tại Washington nhằm cứu vãn NAFTA.
Trong khi đó, theo công bố điều chỉnh của Bộ Thương mại Mỹ, tăng trưởng GDP trong quý II/2018 của Mỹ được điều chỉnh lên mức 4,2%, mức tăng tốt nhất trong gần 4 năm qua.
Trong nhóm cổ phiếu công nghệ, nhóm cổ phiếu FAANG (Facebook, Apple, Amazon, Netflix, Google - Alphabet) tăng tốt sau khi Morgan Stanley tăng giá mục tiêu đối với Amazon và Alphabet). Trong đó, cổ phiếu Apple tăng lên mức kỷ lục mới 222,98 USD/cổ phiếu, còn Amazon cũng đang hướng tới công ty thứ hai của Mỹ có mức vốn hóa 1.000 tỷ USD sau Apple.
Kết thúc phiên 29/8, chỉ số Dow Jones tăng 60,55 điểm (+0,23%), lên 26.124,57 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 16,52 điểm (+0,57%), lên 2.914,04 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 79,65 điểm (+0,99%), lên 8.109,69 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, trong khi chứng khoán Anh quay đầu điều chỉnh khá mạnh do sức ép từ việc đồng bảng Anh tăng giá, thì chứng khoán Pháp và Đức lại tăng điểm khi giới đầu tư kỳ vọng về những tiến triển mới trong đàm phán thương mại giữa các thành viên của NAFTA.
Kết thúc phiên 29/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 54,01 điểm (-0,71%), xuống 7.563,21 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức tăng 34,26 điểm (+0,27%), lên 12.561,68 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 16,34 điểm (+0,30%), lên 5.501,33 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông gặp rung lắc mạnh trong phiên thứ Tư, nhưng cuối cùng cũng đóng cửa với sắc xanh nhạt nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu công nghệ và bất động sản. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản có phiên tăng thứ 7 liên tiếp dù tiếp tục thất bại trong việc chinh phục mốc 23.000 điểm.
Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc có phiên điều chỉnh thứ 2 liên tiếp khi nhà đầu tư thận trọng trước những cảnh báo về suy giảm đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong những tháng cuối năm.
Kết thúc phiên 29/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 34,75 điểm (+0,15%), lên 22.848,22 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 64,82 điểm (+0,23%), lên 28.416,44 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 8,69 điểm (-0,31%), xuống 2.769,29 điểm.
Trên thị trường vàng, sau phiên giảm mạnh trước đó do áp lực bán chốt lời, giá vàng đã hồi phục trở lại trong phiên thứ Tư khi đồng USD yếu đi.
Kết thúc phiên 29/8, giá vàng giao ngay tăng 5,8 USD (+0,48%), lên 1.206,3 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 2,9 USD/ounce (-0,24%), xuống 1.211,5 USD/ounce.
Tương tự, sau phiên điều chỉnh hôm thứ Ba do áp lực chốt lời ngắn hạn, giá dầu thô đã hồi phục trở lại trong phiên thứ Tư nhờ nỗi lo hạn chế nguồn cung khi Mỹ cấm vận Iran. Ngoài ra, dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ vừa công bố cũng hỗ trợ cho giá dầu thô.
Kết thúc phiên 29/8, giá dầu thô Mỹ tăng 0,98 USD (+1,43%), lên 69,51 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,19 USD (+1,57%), lên 75,95 USD/thùng.