Ảnh AFP

Ảnh AFP

Giới đầu tư tiếp tục đặt cược vào đà tăng của giá vàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán có sự phân hóa trong phiên cuối tuần qua, trong khi giá vàng bật trở lại sau phiên điều chỉnh trước đó và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong tuần này.

Sau phiên giảm điểm trước đó khi phản ứng tiêu cực với thông tin GDP quý II của Mỹ sụt giảm kỷ lục 33%, phố Wall đã hồi trở lại trong phiên cuối tuần, nhất là Nasdaq khi kết quả kinh doanh của các đại gia công nghệ rất khả quan, bù đắp cho những lo ngại về các thông tin vĩ mô.

Gói cứu trợ 600 USD mỗi người một tuần của Mỹ đã kết thúc vào ngày 31/7, nhưng các bên không đạt được thỏa thuận để gia hạn thêm hoặc có gói cứu trợ mới. Trong khi Đảng Dân chủ muối gia hạn gói cứu trợ hiện tại, thì Đảng Cộng hòa lại muốn thu hẹp xuống 200 USD mỗi tuần, vì cho rằng mức hiện tại không khuyến khích người lao động tìm việc.

Kết thúc phiên 31/7, chỉ số Dow Jones tăng 114,67 điểm (+0,44%), lên 26.428,32 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 24,90 điểm (+0,77%), lên 3.271,12 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 157,46 điểm (+1,49%), lên 10.745,27 điểm.

Dù hồi phục trong phiên cuối tuần, nhưng với 2 phiên giảm mạnh hôm thứ Ba và thứ Năm, Dow Jones có tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Trong khi đó, với sự hỗ trợ của nhóm công nghệ, S&P và Nasdaq bật trở lại mạnh mẽ trong tuần qua. Cụ thể, Dow Jones giảm 0,16%, S&P tăng 1,73% và Nasdaq tăng 3,69%.

Phố Wall có tháng tăng thứ 4 liên tiếp trong tháng 7 với Dow Jones tăng 2,38%, S&P tăng 5,51% và Nasdaq tăng tới 6,82%, tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 4 của cả 2 chỉ số này.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu đồng loạt giảm tiếp trong ngày cuối tuần khi kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế giảm đi làm lu mờ kết quả kinh doanh tích cực của một số doanh nghiệp vừa công bố. Những phiên giảm mạnh tuần qua cũng khiến chứng khoán khu vực có tháng giảm đầu tiên kể từ đợt bán tháo hồi tháng 3.

Kết thúc phiên 31/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 92,23 điểm (-1,54%), xuống 5.897,76 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 66,29 điểm (-0,54%), xuống 12.313,36 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 69,25 điểm (-1,43%), xuống 4.783,69 điểm.

Chứng khoán châu Âu có tuần giảm thứ 2 liên tiếp và qua đó có tháng giảm đầu tiên kể từ đợt bán tháo trong tháng 3. Cụ thể, tuần qua, chỉ số FTSE 100 giảm 3,69%, chỉ số DAX giảm 4,09% và CAC40 giảm 3,49%. Trong tháng 7, chỉ số FTSE 100 giảm            4,41%, trong khi DAX gần như không đổi khi tăng nhẹ 0,02%, còn CAC40 giảm 3,09%.

Trên thị trường chứng khoán châu A, ngoại trừ chứng khoán Trung Quốc tăng điểm nhờ lực cầu từ nhóm nhà đầu tư cá nhân, các thị trường còn lại đều giảm điểm, nhất là chứng khoán Nhật Bản khi thông tin GDP của Mỹ giảm kỷ lục trong quý II được công bố, cùng số ca lây nhiễm Covid gia tăng ở nhiều nơi, đồng yên tăng giá mạnh.

Kết thúc phiên 31/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 629,23 điểm (-2,82%), xuống 21.710,00 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 23,18 điểm (+0,71%), lên 3.310,01 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 115,24 điểm (-0,47%), xuống 24.595,35 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 17,64 điểm (-0,78%), xuống 2.249,37 điểm.

Chứng khoán châu Á tiếp tục có sự trái chiều trong tuần qua. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản quay đầu giảm sau tuần hồi nhẹ trước đó, chứng khoán Hồng Kông giảm tuần thứ 2 liên tiếp, trong khi chứng khoán Trung Quốc đảo chiều tăng trở lại và chứng khoán Hàn Quốc có tuần tăng thứ 2 liên tiếp. Cụ thể trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 4,58%, chỉ số Hang Seng giảm 0,45%, chỉ số Shanghai Composite tăng 3,54% và Kospi tăng 2,22%.

Trong tháng 7, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,59%, chấm dứt chuỗi 3 tuần tăng liên tiếp; chỉ số Hang Seng tăng 0,69%, chỉ số Shanghai Composite tăng 10,90%, tháng tăng thứ 2 liên tiếp; còn Kospi tăng 6,69%, tháng tăng thứ 4 liên tiếp.

Sau phiên điều chỉnh hôm thứ Năm, giá vàng đã nhanh chóng lấy lại đà tăng trong phiên cuối tuần, đòi hết cả vốn lẫn lãi đã mất trong phiên trước đó và thiết lập đỉnh cao mới.

Kết thúc phiên 31/7, giá vàng giao ngay tăng 18,9 USD (+1,00%), lên 1.976,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 20,5 USD (+1,06%), lên 1.962,8 USD/ounce.

Giá vàng có tuần tăng thứ 8 liên tiếp lên mức cao nhất lịch sử. Cụ thể, trong tuần giá vàng giao ngay tăng 3,93%, còn giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 3,44%. Trong tháng 7, giá vàng giao ngay tăng 11%, giá vàng tương lai tăng 9%.

Dù giá vàng liên tiếp thiết lập đỉnh cao lịch sử mới, nhưng cả giới phân tích và đầu tư đều đặt cược vào việc giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong tuần mới.

Cụ thể, trong 17 chuyên gia trả lời khảo sát của Wall Street tuần này, có 10 người, chiếm 59% dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong tuần mới; 3 người, chiếm 18% dự báo giá vàng sẽ giảm; 4 người còn lại, chiếm 24% dự báo giá đi ngang.

Tương tự, trong 2.075 lượt nhà đầu tư tham gia khảo sát trực tuyến, có 1.375 người, chiếm 66% dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong tuần mới; 385 người, chiếm 19% dự báo giá giảm; 315 lượt dự báo giá đi ngang, chiếm 15%.

George Gero, Giám đốc điều hành tại RBC Wealth Management, cho biết, với đà phát triển mạnh mẽ của thị trường, rất khó để thấy giá vàng sẽ giảm trong thời gian tới.

“Vàng ngay bây giờ là nơi trú ẩn an toàn duy nhất cho những người có tiền tệ”, ông nói.

Tuy nhiên, Gero nói thêm rằng, trong bối cảnh hiện tại, giá vàng sẽ khó tăng đột biến khi đã ở mức cao kỷ lục. Ông nói rằng, các nhà đầu tư cần phải có chiến lược hơn để tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường chứng khoán từ các phiên tạo sóng.

Đồng quan điểm, Phillip Streible, chiến lược gia trưởng thị trường tại Blue Line Futures cũng khuyến nghị các nhà đầu tư mua khi giá vàng điều chỉnh. Sự điều chỉnh nhẹ vừa qua cho thấy, tiềm năng tăng giá của vàng vẫn rất vững.

“Tôi không nghĩ bạn nên đợ giá trên mức 2.000 USD/ounce mới mua vào, mà nên mua đón đầu. Hãy mua khi giá điều chỉnh khoảng 1.900 USD/ounce”, Streible nói.

Trong khi đó, các nhà phân tích trung lập cho rằng, mức 2.000 USD đang là một rào cản mạnh trong thời gian tới với giá vàng.

Ông Lukman Otunuga, nhà phân tích nghiên cứu cao cấp của FXTM cho rằng, giá vàng có thể chạm mốc kháng cự 2.000 USD/ounce trong tuần này. Tuy nhiên, giá kim loại quý có vẻ đang xuất hiện dấu hiệu quá mua và cần phải điều chỉnh trước khi bứt qua mức cao nhất mọi thời đại này.

Giá dầu thô cũng hồi trở lại trong phiên cuối tuần sau phiên giảm mạnh hôm thứ Năm sau dữ liệu GDP tiêu cực của Mỹ trong quý II được công bố. Tuy nhiên, mức tăng trong phiên cuối tuần không bù đắp hết được những mất mát trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 31/7, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,35 USD (+0,87%), lên 40,27 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,36 USD (+0,83%), lên 43,30 USD/thùng.

Lo ngại về sự phục hồi của kinh tế thế giới, giá dầu thô đã đảo chiều giảm trở lại trong tuần qua,  trong đó giá dầu thô Mỹ giảm 2,47%, chấm dứt 2 tuần tăng liên tiếp, còn giá dầu thô Brent cũng giảm nhẹ 0,09%. Dù điều chỉnh trong tuần cuối tháng, nhưng trong tháng 7, giá dầu thô Mỹ vẫn tăng 2,55%, còn giá dầu thô Brent thậm chí còn tăng 5,22%, tháng tăng thứ 3 liên tiếp của cả 2.

Tin bài liên quan