Biên bản cuộc họp của các quan chức Fed vào đầu tháng này được công bố cho thấy, lập trường chính sách thắt chặt có thể sẽ trở thành quan điểm hợp lý, tùy thuộc vào sự biến đổi của triển vọng kinh tế và những rủi ro đối với triển vọng đó.
Hầu hết những người tham gia đánh giá rằng, quyết định tăng lãi suất thêm 0,5% có thể "phù hợp trong vài cuộc họp tiếp theo". Tất cả thành viên dự họp đều tái khẳng định cam kết và quyết tâm mạnh mẽ trong việc thực hiện những biện pháp cần thiết để lập lại ổn định giá cả, biên bản cuộc họp tháng 5 cho thấy.
Mới đây, trong Tỷ phú Bill Ackman, nhà quản lý quỹ đầu cơ Pershing Square, cho rằng “Thị trường chứng khoán sẽ thăng hoa nếu nhà đầu tư tin tưởng rằng những ngày lạm phát phi mã đã qua. Hy vọng sẽ Fed sẽ hành động đúng”.
Phiên này, 9 trong số 11 nhóm ngành chính của S&P 500 tăng, trong đó cổ phiếu tiêu dùng không thiết yếu dẫn đầu với mức tăng 2,8%.
Đáng kể là hai cổ phiếu Amazon và Tesla đã nâng đỡ tốt nhất cho S&P 500 và Nasdaq, khi lần lượt tăng 2,6% và 4,9%.
Tuy nhiên, ngành bán lẻ vẫn là trọng tâm nâng đỡ thị trường, với nhà điều hành cửa hàng bách hóa Nordstrom Inc đã tăng 14% sau khi dự báo lợi nhuận và doanh thu trong năm lạc quan.
Cổ phiếu Best Buy vọt gần 9% bất chấp bị hạ bậc cổ phiếu từ Barclays, sau báo cáo lợi nhuận trái chiều vào ngày thứ Ba.
Chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Wendy's Co tăng 9,8% sau khi một hồ sơ pháp lý tiết lộ rằng cổ đông Nelson Peltz đang xem xét một mức giá tiềm năng để tiếp quản công ty.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu công nghệ cũng phục hồi sau khi dẫn đầu thị trường sụt giảm trong phiên trước đó, với Intuit, DocuSign và Zoom Video đều tăng hơn 8%, còn cổ phiếu Nvidia tăng 5%.
Giới đầu tư sẽ quan tâm hơn đến Báo cáo chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) được cung cấp vào ngày thứ Sáu để tìm kiếm thêm manh mối về chi tiêu của người tiêu dùng và liệu lạm phát có đạt đỉnh vào tháng Ba hay không.
Kết thúc phiên 25/5, chỉ số Dow Jones tăng 191,66 điểm (+0,60%), lên 32.120,28 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 37,25 điểm (+0,95%), lên 3.978,73 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 170,29 điểm (+1,51%), lên 11.434,74 điểm.
Chứng khoán châu Âu tăng, nhờ các cổ phiếu và ngân hàng liên quan đến tài nguyên nâng đỡ, khi các nhà đầu tư đang theo dõi cập nhật từ các ngân hàng trung ương về thắt chặt chính sách tiền tệ, trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế gia tăng.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,63% lên 434,31 điểm, với nhóm cổ phiếu ngân hàng, được hưởng lợi khi lãi suất đi lên đã tăng 1,1%.
Andrea Cicione, Trưởng bộ phận chiến lược tại TS Lombard, cho biết: “Các nhà đầu tư đang liên tục đánh giá lại khả năng Fed và các ngân hàng trung ương khác sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ”.
Cùng nhóm ngân hàng, cổ phiếu năng lượng và vật liệu là một trong những nhóm tăng giá mạnh nhất ở châu Âu, được thúc đẩy bởi giá dầu tăng do nguồn cung thắt chặt và triển vọng nhu cầu tăng từ đầu mùa mua xe thường niên sắp tới ở Mỹ.
Kết thúc phiên 25/5: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 38,40 điểm (+0,51%), lên 7.522,75 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 88,18 điểm (+0,63%), lên 14.007,93 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 45,50 điểm (+0,73%), lên 6.298,64 điểm.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm theo chân phố Wall đêm qua, mặc dù đà đi xuống được hạn chế do một số nhà đầu tư mua bắt đáy các cổ phiếu giảm mạnh gần đây.
Chứng khoán Trung Quốc tăng điểm nhờ các biện pháp hỗ trợ kinh tế của Bắc Kinh, mặc dù mức tăng bị hạn chế bởi lo lắng về tăng trưởng chậm lại trong nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Chứng khoán Hồng Kông tăng nhẹ, nhờ đà hồi phục của nhóm cổ phiếu công nghệ vào cuối ngày.
Chứng khoán Hàn Quốc nhích lên, khi giới đầu tư cũng tìm mua nhóm cổ phiếu đã giảm mạnh gần đây.
Kết thúc phiên 25/5: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 70,34 điểm (-0,26%), xuống 26.677,80 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 36,54 điểm (+1,19%), lên 3.107,46 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 59,17 điểm (+0,29%), lên 20.171,27 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 11,35 điểm (+0,44%), lên 2.617,22 điểm.