Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Giới đầu tư thờ ơ với thông tin mới từ Fed

(ĐTCK)  Biên bản cuộc họp tháng 4 của Fed vừa được công bố, nhưng những thông tin mà biên bản này cung cấp không có gì mới, nên các thị trường đều diễn ra khá bình lặng trong phiên thứ Tư.

Biên bản cuộc họp tháng 4 của Fed được công bố cho thấy, các quan chức của Fed cho rằng, sẽ là quá sớm nếu tăng lãi suất trong tháng 6. Tỷ lệ lạm phát tăng được bù đắp bởi dữ liệu việc làm tiêu cực và các dữ liệu kinh tế khác yếu.

Những thông tin này không có gì mới so với những dự đoán trước đó của thị trường, vì vậy, phố Wall chỉ giằng co trong phiên giao dịch thứ Tư, trong đó Dow Jones đóng cửa giảm nhẹ sau 2 phiên liên tiếp thiết lập đỉnh cao lịch sử.

Theo cuộc thăm dò của Reuters, đa số các nhà kinh tế cho rằng, ít có khả năng Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng 6, nhưng vẫn đề ngỏ khả năng thời gian tăng trong quý III.

Kết thúc phiên 20/5, chỉ số Dow Jones giảm 26,99 điểm (-0,15%), xuống 18.285,40 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,98 điểm (-0,09%), xuống 2.125,85 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,71 điểm (+0,03%), lên 5.071,74 điểm.

Thị trường chứng khoán châu Âu đảo chiều trở lại sau phiên tăng mạnh trước đó. Chứng khoán châu Âu chủ yếu giằng co trong phiên khi mối lo về Hy Lạp một lần nữa lại được nêu ra. Tuy nhiên, thông tin về cuối ngày cho biết, Ngân hàng Trung ương Anh sẽ có chính sách để kích thích nền kinh tế tăng trưởng trong quý II sau khi có quý khởi đầu chậm chạp đã giúp chứng khoán Anh duy trì được đà tăng.

Kết thúc phiên 20/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 12,16 điểm (+0,17%), lên 7.007,26 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 4,86 điểm (-0,04%), xuống 11.848,47 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 16 điểm (+0,31%), lên 5.133,3 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, dữ liệu kinh tế khả quan bất ngờ được công bố giúp chứng khoán Nhật Bản tăng lên mức cao nhất 15 năm. Cụ thể, GDP trong quý I của Nhật bất ngờ tăng 2,4%, mức cao nhất trong 1 năm và cao hơn mức dự báo 1,5% của các nhà phân tích. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục trái chiều nhau. Trong khi chứng khoán Hồng Kông đảo chiều do vẫn chịu áp lực bán ra của khối ngoại, thì chứng khoán Trung Quốc lại duy trì được đà tăng, dù bị hãm nhiều trong những phút cuối phiên và mức tăng phiên thứ Tư khiêm tốn hơn nhiều so với ngày trước đó.

Kết thúc phiên 20/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 170,28 điểm (+0,85%), lên 20.196,56 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 108,49 điểm (-0,39%), xuống 27.585,05 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 28,74 điểm (+0,65%), lên 4.446,29 điểm.

Trên thị trường vàng, giá kim loại quý này chịu áp lực lớn do đồng USD tăng mạnh lên mức cao nhất 3 tuần. Tuy nhiên, lo ngại về vấn đề Hy Lạp một lần nữa lại dấy lên khiến vàng trụ vững, thậm chí có mức tăng nhẹ trở lại khi đóng cửa phiên thứ Tư. Thông tin mới nhất cho biết, Hy Lạp sẽ cạn tiền vào tháng 6 mà không có một sự tài trợ mới từ các chủ nợ EU-IMF.

Kết thúc phiên 20/5, giá vàng giao ngay tăng 1,8 USD (+0,15%), lên 1.209,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 2 USD/ounce (+0,17%), lên 1.208,7 USD/ounce.

Sau phiên giảm mạnh hôm thứ Ba, giá dầu đã phục hồi trở lại trong phiên thứ Tư khi dữ liệu vừa công bố cho thấy, kho dự trữ dầu của Mỹ giảm tuần thứ 3 liên tiếp.

Kết thúc phiên 20/5, giá dầu thô Mỹ tăng 0,99 USD/thùng (+1,68%), lên 58,98 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,01 USD (+1,55%), lên 65,03 USD/thùng.

Tin bài liên quan