Giới đầu tư thiếu niềm tin vào thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chỉ số S&P 500 đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai năm trong phiên thứ Ba (27/9), do lo lắng về việc thắt chặt chính sách quyết liệt Fed.
Giới đầu tư thiếu niềm tin vào thị trường

Thị trường chứng khoán Mỹ đã bắt đầu chịu áp lực gia tăng từ cuối tháng 8 sau khi các bình luận và hành động diều hâu hơn từ Fed, báo hiệu ưu tiên hàng đầu của ngân hàng trung ương là dập tắt lạm phát ngay cả khi có nguy cơ đưa nền kinh tế vào suy thoái.

Hiện các chỉ số chính của phố Wall đã rơi sâu vào thị trường giá xuống, trong đó, S&P 500 thấp hơn 24,3% so với mức cao kỷ lục ghi nhận hồi tháng 01/2022, trong khi Dow Jones thấp hơn 21,2% so với mức cao mọi thời đại. Chỉ số Nasdaq Composite mất hơn 33% kể từ khi đạt kỷ lục vào tháng 11/2021.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã vượt mức 3,9%, tiếp tục hướng về mốc 4%.

Tim Ghriskey, Chiến lược gia danh mục đầu tư cao cấp của Ingalls & Snyder tại New York cho biết, áp lực bán gia tăng đặc biệt mạnh sau bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại hội nghị Jackson Hole và khẳng định quyết tâm chống lạm phát của Fed, sau đó là lần thứ ba liên tiếp tăng lãi suất 0,75%.

Các nhà phân tích vẫn đang tìm kiếm các dấu hiệu cho thấy áp lực bán đã cạn kiệt. Nhưng việc bán tháo dường như chưa kết thúc, khi giá cổ phiếu giảm mạnh, khối lượng giao dịch trong ngày cao bất thường và chỉ số Biến động VIX tăng vọt lên 40 điểm hoặc cao hơn. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư kết luận rằng, lực cung vẫn chưa cạn.

Kết thúc phiên 27/9, chỉ số Dow Jones giảm 125,82 điểm (-0,43%), xuống 29.134,99 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 7,75 điểm (-0,21%), xuống 3.647,29 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 256,58 điểm (+0,25%), lên 10.829,50 điểm.

Chứng khoán châu Âu gần như không đổi và chưa thể hồi phục sau đợt bán tháo gần đây do lo ngại suy thoái, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tích cực.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng nhẹ lên 388,77 điểm.

Trong đó, các thị trường lớn như Đức giảm 0,72% xuống mức thấp nhất từ tháng 11/2020.

Chỉ số bluechip FTSE 100 của London đã trượt 0,5% khi đồng bảng Anh phục hồi từ mức thấp kỷ lục hôm thứ Hai.

Chỉ số STOXX 600 đã đánh mất 4,4% trong 4 phiên gần đây, do hoạt động kinh tế khu vực suy yếu, cùng với việc một số ngân hàng trung ương tăng lãi suất làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.

Goldman Sachs dự kiến ​​Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ tăng lãi suất thêm 0,75% trong hai cuộc họp tiếp theo, Bloomberg News đưa tin. ECB đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,12% lên 0,75%, tốc độ tăng lãi suất nhanh nhất trong lịch sử.

Trong số các cổ phiếu riêng lẻ, Nexi đã tăng 2,7% sau khi công ty ước tính lượng tiền mặt dôi dư khoảng 2,8 tỷ euro (2,70 tỷ USD) trong năm 2023-2025 có thể được sử dụng để theo đuổi các cơ hội M&A hoặc hoàn vốn cho cổ đông thông qua hình thức mua lại và cổ tức.

Kết thúc phiên 27/9: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 36,36 điểm (-0,52%), xuống 6.984,59 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 88,24 điểm (-0,72%), xuống 12.139,68 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 15,57 điểm (-0,27%), xuống 5.753,82 điểm.

Giá dầu thô tăng trở lại, do lo ngại nguồn cung bị gián đoạn ở Vịnh Mexico và nhiều nguồn tin trên thị trường cho biết Nga có thể đề xuất OPEC+ cắt giảm mạnh sản lượng vào cuộc họp chính sách vào tháng tới.

Kết thúc phiên 27/9, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 1,79 USD/thùng (+2,28%), lên 78,50 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,21 USD/thùng (+2,56%), lên 86,27 USD/thùng.

Tin bài liên quan