Ảnh AFP

Ảnh AFP

Giới đầu tư thất vọng với dữ liệu kinh tế

(ĐTCK) Nhận thông tin kinh tế thất vọng, phố Wall quay đầu đảo chiều giảm điểm trong phiên giao dịch thứ Năm (21/2) sau 2 phiên tăng nhẹ.

Trong ngày thứ Năm, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, các đơn đặt hàng nội địa mới cho hàng hóa chủ chốt ngoài quốc phòng do Mỹ sản xuất bất ngờ giảm trong tháng 12/2018, chỉ ra sự chậm lại trong chi tiêu kinh doanh cho các thiết bị có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, theo dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Philadelphia cho thấy, hoạt động kinh doanh của vùng Mid-Atlantic của Mỹ lần đầu tiên rơi vào lãnh thổ tiêu cực trong tháng 2/2019 kể từ tháng 11/2015.

Những báo cáo kinh tế thất vọng trên khiến giới đầu tư thận trọng trở lại trong phiên thứ Năm, kéo phố Wall đảo chiều giảm điểm sau những phiên hào hừng với kỳ vọng đàm phán thương mại Mỹ - Trung trước đó.

Kết thúc phiên 21/2, chỉ số Dow Jones giảm 103,81 điểm (-0,40%), xuống 25.850,63 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 9,82 điểm (-0,35%), xuống 2.774,88 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 29,36 điểm (-0,39%), xuống 7.459,71 điểm.

Tượng tự, dữ liệu kinh tế kém khả quan cũng kéo chứng khoán châu Âu quay đầu đảo chiều trong phiên thứ Năm. Chỉ số chứng khoán chung của châu Âu giảm xuống mức thấp nhất 4 tháng, còn các chỉ số riêng cho từng thị trường chủ chốt của khu vực cũng đảo chiều, chỉ một vài chỉ số may mắn giữ được sắc xanh nhạt cuối phiên.

Theo dữ liệu vừa công bố, sản lượng của các nhà máy khu vực đồng euro giảm mạnh trong tháng 1 do sự sụt giảm từ Đức - nền kinh tế lớn nhất khối trong bối cảnh căng thẳng thương mại và tranh chấp trong lĩnh vực ô tô.

Kết thúc phiên 21/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 61,23 điểm (-0,85%), xuống 7.167,39 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 21,31 điểm (+0,19%), lên 11.423,28 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 0,17 điểm (+0,00%), lên 5.196,11 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, kỳ vọng vào cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung khi các quan chức cấp cao của 2 nước gặp nhau trong tuần này để tìm kiếm giải pháp chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài 7 tháng trước thời hạn 1/3 giúp chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông đảo chiều tăng nhẹ. Trong khi đó, thận trọng với vấn đề nội tại của nền kinh tế trong nước, chứng khoán Trung Quốc đóng cửa trong sắc đỏ.

Kết thúc phiên 21/2, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản tăng 32,74 điểm (+0,15%), lên 21.464,23 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 9,42 điểm (-0,34%), xuống 2.751,80 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 115,87 điểm (+0,41%), lên 28.629,92 điểm.

Trên thị trường vàng, dù chứng khoán đảo chiều sau dữ liệu kinh tế kém tích cực, nhưng giá vàng vẫn đảo chiều giảm mạnh do áp lực chốt lời gia tăng sau khi giá kim loại quý này chạm mức cao nhất 10 tháng.

Kết thúc phiên 21/2, giá vàng giao ngay giảm 14,8 USD (-1,11%), xuống 1.323,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 20,1 USD (-1,49%), xuống 1.327,8 USD/ounce.

Tương tự, giá dầu thô cũng đảo chiều giảm từ mức cao nhất năm 2019 do nhà đầu tư kỳ vọng nguồn cung sẽ cân bằng vào cuối năm nay.

Kết thúc phiên 21/2, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ giảm 0,20 USD (-0,35%), xuống 56,96 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,01 USD (-0,02%), xuống 67,39 USD/thùng.

Tin bài liên quan