Ảnh AFP

Ảnh AFP

Giới đầu tư thấp thỏm trước ngòi nổ quan hệ Trung – Mỹ

(ĐTCK) Việc Trung Quốc đề xuất dự luật an ninh mạng dành cho Hồng Kông khiến căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc càng gia tăng thêm và khiến giới đầu tư thận trọng trong phiên cuối tuần (22/5).

Hôm 22/5 dự luật an ninh dành riêng cho Hồng Kông được đệ trình lên Quốc hội Trung Quốc xem xét như đổ thêm dầu vào lửa căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tổng thống Donald Trump cản báo rằng, Mỹ sẽ phản ứng mạnh mẽ với kế hoạch của Trung Quốc về luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông. Điều này làm dấy lên mối lo ngại về việc Washington và Bắc Kinh có thể từ bỏ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 của họ.

Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, bổ sung 33 tập đoàn và tổ chức Trung Quốc vào danh sách trừng phạt do giúp đỡ chính phủ Bắc Kinh hoặc liên quan tới vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Những diễn biến mới trong quan hệ Trung – Mỹ khiến giới đầu tư thận trọng xem xét và khiến phố Wall đóng cửa trái chiều trong phiên cuối tuần, nhưng mức tăng giảm không mạnh.

Kết thúc phiên 22/5, chỉ số Dow Jones giảm 8,96 điểm (-0,04%), xuống 24.465,16 điểm. Chỉ asố S&P 500 tăng 6,94 điểm (+0,24%), lên 2.955,45 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 39,71 điểm (+0,43%), lên 9.324,59 điểm.

Phố Wall đã có tuần tăng mạnh trở lại sau tuần điều chỉnh trước đó. Cụ thể, trong tuần Dow Jones tăng 3,29%, S&P tăng 3,20% và Nasdaq tăng 3,44%.

Chứng khoán châu Âu cũng đóng cửa phiên cuối tuần ít thay đổi khi giới đầu tư hy vọng về sự phục hồi kinh tế toàn cầu diễn ra nhanh, nên bỏ qua cẳng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.

Kết thúc phiên 22/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 21,97 điểm (-0,37%), xuống 5.993,28 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức tăng 7,94 điểm (+0,07%), lên 11.073,87 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 0,88 điểm (-0,02%), xuống 4.444,56 điểm.

Dù rung lắc trong phiên cuối tuần, nhưng chứng khoán châu Âu vẫn có tuần tăng mạnh, lấy lại cả vốn lẫn lãi những gì đã mất trong tuần giảm mạnh nhất giữa tháng 3 liền trước.  Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tăng 3,34%, chỉ số DAX tăng 5,82% và chỉ số CAC 40 tăng 3,90%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, các thị trường đều đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó đặc biệt là chứng khoán Hồng Kông sụp đổ trong phiên cuối tuần sau khi dự luật an ninh riêng dành cho Hồng Kông được đệ trình lên Quốc hội Trung Quốc hôm 22/5.

Kết thúc phiên 22/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 164,15 điểm (-0,80%), xuống 20.388,16 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 40,62 điểm (-1,42%), xuống 2.827,30 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 1.349,89 điểm (-5,56%), xuống 22.930,14 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 28,18 điểm (-1,41%), xuống 1.970,13 điểm.

Trong tuần, chứng khoán châu Á chia nửa vui buồn, trong khi chứng khoán Hàn Quốc và Nhật Bản hồi trở lại, thì chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông có tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,75%, chỉ số Hang Seng giảm 3,64%, chỉ số Shanghai Composite giảm 1,43% - mức giảm mạnh nhất theo tuần kể từ tháng 3 và Kospi tăng 2,17%%.

Giá vàng tăng trở lại trong phiên cuối tuần sau khi có thông tin Quốc hội Trung Quốc thông qua đạo luật an ninh riêng dành cho Hồng Kông.

Kết thúc phiên 22/5, giá vàng giao tăng 5,2 USD (+0,3%), lên 1.732,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 13,6 USD (+0,79%), lên 1.722,5 USD/ounce.

Dù tăng trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng giá vàng vẫn đảo chiều giảm trở lại trong tuần qua sau 2 tuần tăng liên tiếp. Cụ thể, trong tuần giá vàng giao ngay giảm 0,26% và giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 1,92%.

Với các yếu tố mới xuất hiện, cả giới đầu tư và phân tích cũng có cái nhìn thận trọng hơn về xu hướng của giá vàng, dù vẫn đa số vẫn dự báo giá vàng sẽ tăng.

Cụ thể, trong 17 chuyên gia trả lời khảo sát có 10 người dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, chiếm 59%, thấp hơn con số 71% của tuần trước, có 5 người dự báo giá sẽ giảm, chiếm 29%, cao hơn con số 17% của tuần trước và 2 người dự báo đi ngang, chiếm 12%.

Tương tự, trong 1.809 lượt người tham gia khảo sát trực tuyến, có 1.038 lượt dự báo giá vàng tăng, chiếm 57%, thấp hơn con số 69% của tuần trước; 467 lượt dự báo giá giảm, chiếm 26%, cao hơn so với 16% của tuần trước và 304 lượt dự báo đi ngang, chiếm 17%.

Căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng gây áp lực lên giá dầu, khiến giá loại nhiên liệu này quay đầu điều chỉnh trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 22/5, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,67 USD (-2,02%), xuống 33,25 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,93 USD (-2,65%), xuống 35,13 USD/thùng.

Giá dầu thô có tuần hồi phục mạnh thứ 4 liên tiếp trong tuần qua, trong đó giá dầu thô Mỹ tăng 12,98% và giá dầu thô Brent tương lai tăng 8,06%.

Tin bài liên quan