Giới đầu tư thận trọng với biên bản cuộc họp tháng 7 của Fed

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall giảm trong phiên ngày thứ Tư (18/8), chấm dứt chuỗi năm phiên tăng liên tiếp, sau khi biên bản cuộc họp tháng 7 của Fed được công bố cho thấy, các nhà hoạch định chính sách có thể ít quyết liệt hơn trước đây trong việc tăng lãi suất vào tháng 9 tới.
Giới đầu tư thận trọng với biên bản cuộc họp tháng 7 của Fed

Nội dung biên bản cho thấy Fed giữ vững quyết tâm chống lạm phát, nhưng cũng chỉ ra rằng, có thể sớm làm chậm tốc độ thắt chặt của mình, cũng như thừa nhận tình trạng của nền kinh tế và rủi ro suy thoái đối với tăng trưởng GDP.

Peter Cardillo, nhà kinh tế trưởng thị trường tại Spartan Capital Securities ở New York, cho biết: “Fed vẫn tỏ ra diều hâu, nhưng đồng thời cũng mở ra cánh cửa cho mức tăng chỉ 0,5% vào tháng 9 so với 0,75% như dự báo”.

Trong khi đó, nhà đầu tư vẫn tiếp tục xem xét kết quả lợi nhuận từ các doanh nghiệp lĩnh vực bán lẻ, với cổ phiếu Target giảm 2,6% sau khi công bố lợi nhuận không đạt kỳ vọng vì phải đối phó với lượng tồn kho dư thừa.

Kết quả yếu kém từ Target cũng là tác nhận đè nặng lên thị trường trong phần lớn thời gian của phiên, Amazon.com giảm 1,9%, và khiến chỉ số phụ ngành bán lẻ S&P 500 giảm 1,2%.

Dữ liệu mới cho thấy, doanh số bán lẻ tháng 7 của Mỹ chỉ nhích nhẹ 0,1% đi ngang so với tháng trước đó khi chi tiêu cho xe hơi giảm sút được bù đắp bởi việc mua sắm online tăng 2,7%.

Kết thúc phiên 17/8, chỉ số Dow Jones giảm 171,69 điểm (-0,50%), xuống 33.980,32 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 31,16 điểm (-0,72%), xuống 4.274,04 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 164,43 điểm (-1,25%), xuống 12.938,12 điểm.

Chứng khoán châu Âu trượt dốc và lợi suất trái phiếu tăng, sau khi lạm phát ở Anh tăng mạnh đã sự quan tâm trở lại với việc thắt chặt tiền tệ hơn.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,95% xuống 438,86 điểm.

Dữ liệu mới cho thấy chỉ số giá tiêu dùng của Anh đã tăng lên 10,1% trong tháng 7, mức cao nhất kể từ tháng 2 năm 1982, cao hơn mức dự báo của Reuters là 9,8% và tăng từ mức 9,4% vào tháng 6.

Stuart Cole, Nhà kinh tế vĩ mô trưởng tại Equiti Capital, cho biết: “Thị trường đang xem trải nghiệm của Vương quốc Anh như một dấu hiệu báo trước những gì sắp xảy ra ở EU.

Báo cáo quan trọng khác cho thấy, tổng sản phẩm quốc nội của 19 quốc gia sử dụng đồng euro đã tăng 0,6% trong quý II và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trước đó, ước tính mức tăng trưởng trong quý là 0,7% và mức tăng hàng năm là 4%.

Các thị trường chứng khoán châu Âu đã thoát khỏi mức đáy trong tháng 6, nhưng đang vật lộn để đạt được những bước tiến mới trong tháng 8, do lo ngại ngày càng tăng về suy thoái, lạm phát cao và mực nước sông Rhine thấp.

Rhine - Con sông là huyết mạch thương mại chính của Đức, hiện đang bị tắc nghẽn, với 20 tàu bị kẹt trong giao thông sau sự cố động cơ của một con tàu.

Andrew Kenningham, nhà kinh tế trưởng về Châu Âu tại Capital Economics, cho biết: “Những rắc rối ở sông Rhine tăng thêm áp lực lên ngành công nghiệp Đức”.

Ông Andrew cũng lưu ý rằng, ngay cả khi đó là một vấn đề nhỏ hơn đối với Đức so với cuộc khủng hoảng khí đốt hoặc sự thiếu hụt chất bán dẫn gần đây, nhưng nếu nó kéo dài đến tháng 12, thì có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và gây ra lạm phát sâu rộng hơn.

Trong số các cổ phiếu đáng chú ý, Uniper giảm 12,1%, sau khi công ty tiện ích Đức báo cáo lỗ ròng nửa đầu năm 12,3 tỷ euro (12,5 tỷ USD), chủ yếu do nguồn cung khí đốt của Nga giảm.

Nhà sản xuất bia Đan Mạch Carlsberg tăng 3,9% khi cho biết, không thấy chi phí sinh hoạt tăng ảnh hưởng đến doanh số bán bia.

Kết thúc phiên 17/8: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 20,31 điểm (-0,27%), xuống 7.515,75 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 283,41 điểm (-2,04%), xuống 13.626,71 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 64,24 điểm (-0,97%), xuống 6.528,32 điểm.

Giá dầu thô có phiên hồi phục sau khi dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến đã làm gia tăng lo ngại sản lượng và xuất khẩu của Nga tăng cũng như khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu.

Dữ liệu từ Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 7,1 triệu thùng trong tuần trước, xuống còn 425 triệu thùng. Đây là mức giảm cực sốc so với dự báo giảm chỉ 275.000 thùng của các nhà phân tích Reuters.

Kết thúc phiên 17/8, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 1,58 USD/thùng (+1,79%), lên 88,11 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,31 USD/thùng (+1,40%), lên 93,65 USD/thùng.

Tin bài liên quan