Chờ đợi dữ liệu việc làm sẽ được công bố vào phiên cuối tuần, nên nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ khá thận trọng trong phiên thứ Năm. Dù nửa đầu phiên có mức tăng mạnh, nhưng về cuối phiên đà tăng bị thu hẹp, thậm chí Nasdaq đóng cửa trong sắc đỏ.
Theo dữ liệu kinh tế vừa công bố hôm thứ Năm, thâm hụt thương mại của Mỹ được thu hẹp trong tháng 7, xuống mức thấp nhất trong 5 tháng khi xuất khẩu tăng một cách rộng rãi.
Các báo cáo khác cho thấy, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ toàn cầu mở rộng vào tháng 8 như tháng 7, trong đó Mỹ và khu vực đồng euro tốt hơn so với châu Á. Cụ thể, chí số PMI của khu vực đồng euro trong tháng 8 tăng lên mức 54,4 từ mức 54 của tháng 7, nhỉnh hơn một chút so với mức dự báo 54,3.
Những dữ liệu tích cực này càng khiến cho nhà đầu tư thận trọng hơn với khả năng Fed tăng lãi suất trong cuộc họp diễn ra vào giữa tháng này.
Kết thúc phiên 3/9, chỉ số Dow Jones tăng 23,38 điểm (+0,14%), lên 16.374,76 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,27 điểm (+0,12%), lên 1.951,13 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 16,48 điểm (-0,35%), xuống 4.733,5 điểm.
Chứng khoán châu Âu tăng mạnh trong phiên thứ Năm sau phát biểu của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Mario Draghi rằng, sẽ tăng gói kích thích hoặc kéo dài gói kích thích kinh tế đang thực hiện nếu cần thiết.
Ý kiến được đưa ra khi ECB cắt giảm dự báo lạm phát và tăng trưởng của khu vực đồng euro, gây áp lực cho đồng tiền chung này. Trong phiên thứ Năm, đồng euro đã giảm tới 1% so với đồng USD.
Kết thúc phiên 3/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 110,79 (+1,82%), lên 6.194,10 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 269,79 điểm (+2,68%), lên 10.317,84 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 98,87 điểm (+2,17%), lên 4.653,79 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục nghỉ lễ, trong khi chứng khoán Nhật Bản hồi phục trở lại. Một thông tin không mấy tích cực với thị trường chứng khoán Nhật Bản là bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường này tuần qua đã lên mức kỷ lục với tổng cộng 707,05 tỷ yên, tương đương 5,89 tỷ USD, mức mạnh nhất kể từ tháng 3/2014.
Mối lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc sẽ lây lan sang kinh tế toàn cầu, trong đó ảnh hưởng mạnh sẽ là các nước châu Á và các nền kinh tế mới nổi, khiến giới đầu tư rút vốn khỏi các tài sản rủi ro như chứng khoán.
Kết thúc phiên 3/9, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 86,99 điểm (+0,48%), lên 18.182,39 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 250,49 điểm (-1,18%), lên 20.934,94 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 6,46 điểm (-0,20%), xuống 3.160,17 điểm.
Trên thị trường vàng, sức ép của việc đồng USD tăng mạnh đã khiến kim loại quý này có phiên giảm thứ 2 liên tiếp. Ngoài ra, khả năng về việc Fed tăng lãi suất sau các thông tin kinh tế tích cực, cũng như chờ đợi dữ liệu việc làm cũng khiến giới đầu tư bán mạnh, đẩy giá vàng giảm phiên thứ 2 liên tiếp.
Kết thúc phiên 3/9, giá vàng giao ngay giảm 8,7 USD (-0,77), xuống 1.125,00 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 8,7 USD (-0,77%), xuống 1.124,5 USD/ounce.
Dù chịu sức ép từ việc đồng USD tăng giá, khiến giá dầu thô có nhiều lúc giao dịch trong sắc đỏ, nhưng cuối cùng, giá nhiên liệu này cũng phục hồi và có phiên tăng thứ 2 liên tiếp, dù mức biến động không còn quá mạnh như các phiên cuối tuần trước.
Kết thúc phiên 3/9, giá dầu thô Mỹ tăng 0,5 USD/thùng (+1,07%), lên 46,75 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,18 USD (+0,36), lên 50,68 USD/thùng.