Phố Wall đảo chiều giảm trở lại trong phiên thứ Tư khi nhà đầu tư vẫn ám ảnh bởi lo lắng về suy thoái kinh tế.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp nhất 15 tháng khi nhà đầu tư phản ứng với sự ôn hòa trong chính sách tiền tệ của các ngân hàng Trung ương.
Mới nhất, thêm Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết, sẽ trì hoãn việc tăng lãi suất do lo ngại về đà tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới.
Thứ Sáu tuần trước, việc lần đầu tiên đường cong lợi suất trái phiếu Mỹ bị đảo ngược khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 3 tháng cao hơn kỳ hạn 10 năm, làm giới đầu tư hoảng hốt lo sợ về một cuộc suy thoái kinh tế sẽ diễn ra trong một đến 2 năm tới.
Quyết định của ECB và đánh giá của cơ quan này khiến giới đầu tư thận trọng, đẩy phố Wall giảm điểm trở lại trong phiên thứ Tư.
Kết thúc phiên 27/3, chỉ số Dow Jones giảm 32,14 điểm (-0,13%), xuống 25.625,59 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 13,09 điểm (-0,46%), xuống 2.805,37 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 48,15 điểm (-0,63%), xuống 7.643,38 điểm.
Chứng khoán châu Âu giằng co và đóng cửa gần như không đổi do nhà đầu tư thận trọng với diễn biến của lợi suất trái phiếu và chờ đợi cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Anh về các lựa chọn cho Brexit.
Kết thúc phiên 27/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 2,10 điểm (-0,03%), xuống 7.194,19 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 0,44 điểm (-0,00%), xuống 11.419,04 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 6,13 điểm (-0,12%), xuống 5.301,24 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản điều chỉnh sau phiên hồi mạnh trước đó, thì chứng khoán Trung Quốc lại đảo chiều tăng trở lại sau 2 phiên giảm nhờ sự tích cực của phố Wall trong đêm hôm trước. Chứng khoán Hồng Kông tiếp tục duy trì đà tăng nhẹ nhờ nhóm cổ phiếu của doanh nghiệp Trung Quốc đại lục niêm yết tại đây, bất chấp các công ty công nghiệp Trung Quốc công bố lợi nhuận sụt giảm tồi tệ nhất kể từ cuối năm 2011 trong 2 tháng đầu năm nay.
Kết thúc phiên 27/3: Chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản giảm 49,66 điểm (-0,23%), xuống 21.378,73 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 25,62 điểm (+0,85%), lên 3.022,72 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 161,34 điểm (+0,56%), lên 28.728,25 điểm.
Dù chứng khoán lình xình và kinh tế thế giới đối mặt với nhiều rủi ro suy thoái, nhưng việc đồng USD tăng đã khiến giá vàng tiếp tục giảm trong phiên thứ Tư.
Kết thúc phiên 27/3, giá vàng giao ngay giảm 6,1 USD (-0,46%), xuống 1.309,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 4,6 USD (-0,35%), xuống 1.310,4 USD/ounce.
Trên thị trường năng lượng, việc kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước bất ngờ tăng mạnh hơn dự kiện do vụ tràn dầu tại Texas cản trở việc xuất khẩu đã khiến giá dầu thô giảm trở lại trong phiên thứ Tư.
Kết thúc phiên 27/3, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ giảm 0,53 USD (-0,88%), xuống 59,41 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,14 USD (-0,21%), xuống 67,83 USD/thùng.