Trở lại sau kỳ nghỉ, phố Wall giao dịch lình xình và đóng cửa giảm nhẹ trong phiên thứ Ba khi giới đầu tư tỏ ra thận trọng trước tuyên bố áp thuế 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc của Tổng thống Trump. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng chờ đợi cuộc đàm phán thương mại tiếp theo giữa Mỹ và Canada dự định diễn ra vào thứ Tư này sau khi cuộc đàm phán đầu tiên kết thúc vào thứ Sáu tuần trước không đạt được thỏa thuận nào để sửa đổi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Kết thúc phiên 4/9, chỉ số Dow Jones giảm 12,34 điểm (-0,05%), xuống 25.952,48 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 4,80 điểm (-0,17%), xuống 2.896,72 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 18,29 điểm (-0,23%), xuống 8.091,25 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, lo ngại cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, các chỉ số chứng khoán chính của khu vực đồng loạt giảm mạnh. Ngoài ra, kết quả kinh doanh kém khả quan của một số doanh nghiệp lớn cũng ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường. Cùng với đó, thị trường tiền tệ tại các thị trường mới nổi lao dốc cũng khiến tâm lý nhà đầu tư hoảng loạn.
Kết thúc phiên 4/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 46,74 điểm (-0,62%), xuống 7.457,86 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức giảm 136,20 điểm (-1,10%), xuống 12.210,21 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 71,09 điểm (-1,31%), xuống 5.342,70 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, thận trọng trước cuộc chiến thương mại kéo dài, chứng khoán Nhật Bản giảm nhẹ, trong khi chứng khoán Trung Quốc hồi phục khá tốt sau 5 phiên giảm liên tiếp nhờ lực cầu bắt đáy. Chứng khoán Hồng Kông nhờ hiệu ứng từ chứng khoán đại lục và thông tin M&A giữa China Unicom và China Telecom cũng có mức tăng tốt trong phiên thứ Ba.
Kết thúc phiên 4/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 10,48 điểm (-0,05%), xuống 22.696,90 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 260,80 điểm (+0,94%), lên 27.973,34 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 29,85 điểm (+1,10%), lên 2.750,58 điểm.
Trên thị trường vàng, việc đồng USD tăng mạnh đã khiến giá vàng giảm mạnh trong phiên thứ Ba ngay khi trở lại sau kỳ nghỉ. Ngưỡng hỗ trợ 1.200 USD/ounce giữ được trong tuần trước đã bị xuyên thủng khá sâu trong phiên thứ Ba.
Kết thúc phiên 4/9, giá vàng giao ngay giảm 9,7 USD (-0,81%), xuống 1.191,1 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 7,8 USD/ounce (-0,65%), xuống 1.199,1 USD/ounce.
Giá dầu tăng khi nhà đầu tư chuẩn bị tâm lý cho khả năng gián đoạn nguồn cung do ảnh hưởng của cơn bão sắp vào bờ biển của nước Mỹ. Tuy nhiên, đà tăng bị hạn chế do đồng USD tăng mạnh.
Kết thúc phiên 4/9, giá dầu thô Mỹ tăng 0,07 USD (+0,10%), lên 69,87 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,01 USD (+0,01%), lên 77,43 USD/thùng.