Dữ liệu mới nhất cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tại Mỹ tăng nhưng tình trạng trì trệ của thị trường lao động có thể cản trở lạm phát khi nền kinh tế phục hồi.
Số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp dao động ở mức cao trong tuần trước chỉ ra, sự phục hồi của thị trường lao động đang bị đình trệ khi các khoản hỗ trợ tài chính của chính phủ cho doanh nghiệp và người dân đang dần cạn kiệt.
Giới quan sát lo lắng rằng, đợt bán tháo gần đây của thị trường Mỹ do nhóm cổ phiếu công nghệ dẫn đầu có thể là tín hiệu bắt đầu của một thời kỳ đầy biến động, trong bối cảnh gói viện trợ kinh tế mới được chờ đợi bị đình trệ tại Thượng viện và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp diễn ra.
Điều này khiến các nhà đầu tư thận trọng và chuyển trọng tâm sang cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới. Họ trông đợi Fed sẽ trình bày về một chính sách phục hồi kinh tế Mỹ mới và về những gì cơ quan này có thể làm được nếu thị trường tiếp tục trượt dốc.
Các nhà phân tích lưu ý, tháng 9 có xu hướng là tháng yếu nhất trong năm và thị trường có xu hướng giảm trong những tuần trước cuộc bầu cử.
Dow Jones tăng điểm trong khi Nasdaq Composite trượt dài và S&P 500 gần như đi ngang trong phiên ngày thứ Sáu khi đà tăng đầu phiên của nhóm cổ phiếu công nghệ và nhóm cổ phiếu tăng trưởng dần suy yếu. Cả ba chỉ số chứng khoán chính trên Phố Wall đều ghi nhận tuần giảm điểm thứ hai liên tiếp.
Kết thúc phiên 11/9, chỉ số Dow Jones tăng 131,06 điểm (0,48%), lên 27.665,64 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,78 điểm (0,05%), lên 3.340,97 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 66,05 điểm (-0,6%), xuống 10.853,55 điểm.
Chốt tuần, S&P 500 giảm 2,51%. Dow Jones mất 1,66% và Nasdaq Composite giảm 4,06%.
Chứng khoán châu Âu đã kết thúc một phiên giao dịch sôi động cao hơn vào thứ Sáu, khi tâm lý của các nhà đầu tư được giải toả nhờ điểm sáng từ thị trường M&A, bất chấp mối đe dọa triển vọng xảy ra “Brexit không thỏa thuận” ngày càng tăng.
Kết thúc phiên 11/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 28,77 điểm (0,48%), lên 6.032,09 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 6,05 điểm (-0,05%), xuống 13.202,84 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 10,45 điểm (0,20%), lên 5.034,14 điểm.
Tính chung tuần qua, chỉ số FTSE 100 tăng 4,02%, chỉ số DAX tăng 2,80% và CAC40 tăng 1,39%.
Sắc xanh bao phủ chứng khoán châu Á phiên cuối tuần qua. Chứng khoán Nhật Bản hồi phục nhanh sau khi mở cửa giảm điểm nhờ vào các chỉ số tương lai trên phố Wall tăng trở lại. Chứng khoán Trung Quốc giằng co song đã bật hẳn lên vào cuối phiên, tuy nhiên, tâm lý thị trường vẫn bị đè nặng bởi những sự rạn nứt trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington.
Kết thúc phiên 11/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 171,02 điểm (+0,74%), lên 23.406,49 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 25,52 điểm (+0,79%), lên 3.260,35 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 189,77 điểm (+0,78%), lên 24.503,31 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 0,21 điểm (+0,008%), lên 2.396,69 điểm.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,87%, chỉ số Shanghai Composite giảm 2,83%, chỉ số Hang Seng giảm 0,78 và chỉ số Kospi tăng 1,20%.
Thị trường chứng khoán biến động mạnh khiến giá kim loại quý lặng sóng trong tuần qua. Đúng với dự báo trước đó của nhiều chuyên gia, dù vẫn giao dịch ở trên ngưỡng tâm lý 1.900 USD/ounce nhưng vàng vẫn đang trong giai đoạn tích lũy trước khi có động lực đủ lớn để bứt phá về giá.
Kết thúc phiên 11/9, giá vàng giao ngay giảm 6,50 USD (-0,19%), xuống 1940,10 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 giảm 16,5 USD (-0,84), đứng ở mức 1.939,5 USD/ounce.
Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 0,27%, giá vàng giao tương lai tăng 0,32%.
Tuần này, trong số 15 chuyên gia Phố Wall, 5 chuyên gia, tương đương 36% nhận định giá vàng sẽ tăng trong tuần tới; 3 chuyên gia, tương đương 21%, cho rằng giá vàng sẽ thấp hơn và 6 chuyên gia, tương đương 43%, dự báo giá đi ngang.
Còn trên Main Street, trong 1.359 nhà đầu tư tham gia khảo sát trực tuyến, 926 người, chiếm 68%, cho rằng vàng sẽ tăng giá vào tuần tới. 205 người khác, chiếm 15% nhận định giá sẽ thấp hơn và 228 phiếu, chiếm 17% đưa ra quan điểm giá sẽ đi ngang.
Trong phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu tiếp tục giảm trước những lo ngại về triển vọng nhu cầu do dữ liệu kinh tế yếu kém, cùng với đà sụt giảm trên thị trường chứng khoán và sự tăng giá của đồng USD.
Ủy ban giám sát thị trường của nhóm OPEC+, sẽ họp vào ngày 17/9 để xem xét cách ứng phó với tình trạng dư cung trên thế giới.
Kết thúc phiên 11/9, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,3 USD USD (+0,80%), xuống 37,33 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,23 USD (-0,8%), xuống 39,83 USD/thùng.
Với mức giảm 6% trong tuần qua, cả dầu WTI và dầu Brent có tuần giảm thứ hai liên tiếp.