Chứng khoán Mỹ lình xình trong phiên giao dịch đầu tuần mới và đóng cửa gần như không thay đổi nhiều so với phiên cuối tuần trước, trong đó Dow Jones và S&P 500 hồi phục tăng nhẹ, còn Nasdaq tiếp tục giảm nhẹ trong phiên này.
Hiện giới đầu tư đang chờ đợi cuộc họp của lãnh đạo các ngân hàng trung ương tại Jackson Hole, Wyoming (Mỹ) vào cuối tuần này, trong đó có Chủ tịch Fed Janet Yellen và Chủ tịch ECB Mario Draghi.
Kết thúc phiên 21/8, chỉ số Dow Jones tăng 29,24 điểm (+0,13%), lên 21.703,75 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,82 điểm (+0,12%), lên 2.428,37 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 3,40 điểm (-0,05%), xuống 6.213,13 điểm.
Lo ngại cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn sẽ châm ngòi cho cuộc khủng hoảng địa chính trị trên bán đảo Triều Tiên bùng phát trở lại, chứng khoán châu Âu tiếp tục giảm điểm trong phiên thứ Hai. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng gây áp lực lớn nhất lên thị trường. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của cổ phiếu Fiat với thông tin về mua bán, sáp nhập, giúp đà giảm được hạn chế.
Kết thúc phiên 21/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 5,10 điểm (-0,07%), xuống 7.318,88 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 99,20 điểm (-0,82%), xuống 12.065,99 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 26,56 điểm (-0,52%), xuống 5.087,59 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, trước sự thận trọng của nhà đầu tư trên thị trường Âu, Mỹ, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục giảm điểm phiên cuối tuần và xuống mức thấp nhất 3,5 tháng. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông đã hồi phục trở lại và chứng khoán Trung Quốc đại lục tiếp tục có sắc xanh nhờ nhóm cổ phiếu viễn thông sau thông tin về việc kế hoạch cải cách sở hữu 11,7 tỷ USD của chính quyền tại tập đoàn viễn thông China Unicom.
Kết thúc phiên 21/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 77,28 điểm (-0,40%), xuống 19.393,19 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 107,11 điểm (+0,40%), lên 27.154,68 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 18,18 điểm (+0,56%), lên 3.286,91 điểm.
Trong khi đó, sau phiên điều chỉnh nhẹ cuối tuần trước, giá vàng đã lấy lại đà tăng mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần mới khi giới đầu tư lo lắng cuộc khủng hoảng địa chính trị trên bán đảo Triều Tiên có thể sẽ bùng phát trở lại khi Mỹ - Hàn tiến hành tập trận chung.
Kết thúc phiên 21/8, giá vàng giao ngay tăng 7,1 USD/ounce (+0,55%), lên 1.291,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 6,4 USD/ounce (+0,50%), lên 1.296,7 USD/ounce.
Sau khi hồi phục mạnh phiên cuối tuần trước do đồng USD giảm và số lượng giàn khoan dầu thô của Mỹ giảm, giá dầu thô đã điều chỉnh giảm trở lại trong phiên đầu tuần mới do áp lực chốt lời, trả lại hơn phân nữa những gì đã có của phiên cuối tuần trước.
Kết thúc phiên 21/8, giá dầu thô Mỹ giảm 1,14 USD/thùng (-2,41%), xuống 47,37 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,06 USD (-2,05%), xuống 51,66 USD/thùng.