Giới đầu tư thận trọng chờ động lực mới

Giới đầu tư thận trọng chờ động lực mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall khởi đầu tuần mới với phiên giao dịch ảm đạm ngày thứ Hai (12/4) khi các nhà đầu tư thận trọng chờ đợi tín hiệu từ mùa báo cáo kết quả kinh doanh sắp tới, cũng như bài phát biểu quan trọng từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2021 sẽ bắt đầu vào tuần này với các ngân hàng đầu tư lớn nhất nước Mỹ. JPMorgan Chase, Goldman Sachs và Wells Fargo đều chuẩn bị công bố báo cáo vào thứ Tư (14/4). Kế đó, Bank of America, Citigroup và BlackRock sẽ công bố vào thứ Năm (15/4) và Morgan Stanley sẽ công bố vào thứ Sáu (16/4).

Theo ước tính từ Refinitiv, lợi nhuận quý I của các công ty trên phố Wall sẽ tăng gần 25% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng hàng quý lớn nhất kể từ quý 3/2018 sau khi việc cắt giảm thuế dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận đột biến. Trong đó, nhóm ngành tài chính dự kiến ​​sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận lớn nhất với tăng 75,6%.

Mặt khác, dữ liệu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Ba (13/4) và có thể đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ lên cao. Trong khi đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ có buổi thảo luận về nền kinh tế Mỹ trong một cuộc phỏng vấn vào tối Chủ nhật (18/4). Trước đó, ông sẽ có bài phát biểu tại một sự kiện của Câu lạc bộ Kinh tế Washington vào giữa tuần.

Ông Powell hôm 11/4 cho biết, nền kinh tế Mỹ đang ở “điểm uốn”của mô hình phục hồi hình chữ U với kỳ vọng tăng trưởng nhanh hơn trong những tháng tới, nhưng đồng thời cảnh báo việc mở cửa lại vội vàng có thể dẫn đến sự gia tăng các trường hợp nhiễm Covid-19.

Kết thúc phiên 12/4, chỉ số Dow Jones giảm 55,2 điểm (-0,16%), xuống 33.745,4 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,81 điểm (-0,02%), xuống 4.127,99 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 50,19 điểm (-0,36%), xuống 13.850,00 điểm.

Chứng khoán châu Âu đồng loạt giảm điểm trong phiên đầu tuần khi các nhà đầu tư có động thái chốt lời sau chuỗi phiên tăng điểm liên tiếp và chờ đợi kết quả kinh doanh quý I từ các doanh nghiệp.

Theo ước tính của Refinitiv IBES, thu nhập quý đầu tiên năm nay của các doanh nghiệp trên STOXX 600 sẽ tăng 47,4%.

Kết thúc phiên 12/4, chỉ số FTSE 100 giảm 26,63 điểm (-0,39%), xuống 6.889,12 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 19,16 điểm (-0,13%), xuống 15.215,00 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 7,73 điểm (-0,13%), xuống 6.161,68 điểm.

Chứng khoán châu Á hầu hết lao dốc trong phiên thứ Hai đầu tuần. Chứng khoán Nhật Bản giảm điểm, ảnh hưởng bởi đà sụt giảm nghiêm trọng của cổ phiếu Yaskawa Electric, kéo theo áp lực bán tháo ở các cổ phiếu công nghệ khác.

Chứng khoán Trung Quốc giảm điểm do các cổ phiếu nguyên vật liệu và vận tải đè nặng khi những lo ngại về việc thắt chặt chính sách vẫn đeo bám tâm lý thị trường.

Chứng khoán Hồng Kông giảm theo chân thị trường Đại lục khi dữ liệu mới nhất cho thấy dấu hiệu thắt chặt thanh khoản.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng điểm nhưng đà đi lên bị chặn lại khá nhiều bởi sự thận trọng đối với dữ liệu lạm phát của Mỹ sẽ được công bố trong tuần này.

Kết thúc phiên 12/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 229,33 điểm (-0,70%), xuống 29.538,73 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 37,73 điểm (-1,09%), xuống 3.412,95 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 245,52 điểm (-0,86%), xuống 28.453,28 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 3,71 điểm (+0,12%), lên 3.135,59 điểm.

Giá vàng giảm mạnh trong phiên đêm qua trước lo ngại khả năng lạm phát tăng nhanh hơn dự kiến trong các tháng tới. Thị trường cũng chờ đợi báo cáo lạm phát được công bố trong tuần này.

Kết thúc phiên 12/4, giá vàng giao ngay giảm 11,50 USD (-0,66%), xuống 1.732,70 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 12,10 USD (-0,69%), xuống 1.732,70 USD/ounce.

Giá dầu phiên thứ Hai tăng trở lại nhờ những lạc quan về tốc độ tiêm chủng vắc-xin Covid-19 ở Mỹ cũng như các quốc gia khác và sau khi phong trào Houthi tại Yemen cho biết họ đã bắn một loạt tên lửa vào các địa điểm khai thác dầu mỏ của Ả Rập Xê-út.

Mỹ đã tiêm phòng đầy đủ cho 22% dân số, trong khi Vương quốc Anh đã tiêm phòng đầy đủ 11%, trong khi tại Pháp và Đức, 6% người dân đã được tiêm chủng.

Hôm qua, phong trào Houthi tại Yemen cho biết, họ đã bắn 17 máy bay không người lái và hai tên lửa đạn đạo vào Ả Rập Xê-út, bao gồm mục tiêu là các nhà máy lọc dầu ở Jubail và Jeddah. Riyadh và Tập đoàn dầu khí quốc gia Saudi Aramco chưa đưa ra bình luận gì về vấn đề trên.

Về nguồn cung, sản lượng dầu từ bảy hệ thống đá phiến chính của Mỹ dự kiến ​​sẽ tăng tháng thứ ba liên tiếp, tăng khoảng 13.000 thùng/ngày trong tháng 5, lên mức 7,61 triệu thùng/ngày, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết hôm thứ Hai.

Kết thúc phiên 12/4, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,38 USD (+0,64%), lên 59,70 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 0,33 USD (+0,52%), lên 63,28 USD/thùng.

Tin bài liên quan