Ảnh AFP

Ảnh AFP

Giới đầu tư sợ hãi, chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ

(ĐTCK) Sự lây lan nhanh của virus Covid-19 ngoài Trung Quốc đại lục, cùng dữ liệu kinh tế Mỹ yếu kém đã khiến giới đầu tư sợ hãi thoát hàng trong phiên cuối tuần qua (21/2), đẩy chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ.

Chứng khoán Mỹ bị bán tháo và Nasdaq có mức giảm phần trăm hàng ngày tồi tệ nhất trong khoảng 3 tuần vào thứ Sáu khi số trường hợp nhiễm virus Covid ngoài Trung Quốc tăng đột biến. Không những thế, dữ liệu kinh tế Mỹ vừa công bố còn khá tiêu cực, càng làm tăng thêm nỗi sợ hãi với nhà đầu tư.

Cụ thể, theo báo cáo trong ngày thứ Sáu tuần trước, số người chết do virus Covid tăng lên gần 2.500 người và số người nhiễm mới tại Hồ Bắc (Trung Quốc) đã tăng trở lại sau 3 ngày giảm liên tiếp trước đó. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là số ca lây nhiễm ở ngoài Trung Quốc đại lục lại gia tăng với cấp số nhân, đặc biệt là tại Hàn Quốc.

Trong khi đó, về dữ liệu kinh tế Mỹ, một cuộc khảo sát cho thấy, lĩnh vực dịch vụ của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm 2013 vào tháng 2, báo hiệu sự co lại lần đầu tiên kể từ năm 2016. Trong khi đó, lĩnh vực sản xuất cũng đạt mức thấp nhất kể từ tháng 8/2019.

Kết thúc phiên 21/2, chỉ số Dow Jones giảm 227,57 điểm (-0,78%), xuống 28.992,41 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 35,48 điểm (-1,05%), xuống 3.337,75 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 174,38 điểm (-1,79%), xuống 9.576,59 điểm.

Với 2 phiên giảm mạnh cuối tuần đã khiến chứng khoán Mỹ quay đầu mất điểm trong tuần qua sau 2 tuần tăng liên tiếp trước đó. Cụ thể trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 1,38%, chỉ số S&P 500 giảm 1,25% và Nasdaq giảm 1,59%.

Những thông tin tiêu cực về sự lây lan của virus Covid-19 tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý, cùng dữ liệu kinh tế kém tích cực của Mỹ cũng khiến chứng khoán châu Âu chìm trong sắc đỏ trong phiên giao dịch cuối tuần qua.

Kết thúc phiên 21/2, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 32,72 điểm (-0,44%), xuống 7.403,92 điểm. Chỉ số DAX tại Frankfurt (Đức) giảm 84,67 điểm (-0,62%), xuống 13.579,33 điểm. Chỉ số CAC40 tại Paris (Pháp) giảm 32,58 điểm (-0,54%), xuống 6.029,72 điểm.

Hai phiên giảm cuối tuần cũng khiến chứng khoán Đức, Pháp chấm dứt chuỗi 2 tuần tăng liên tiếp, còn chứng khoán Anh có tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 giảm 0,07%, chỉ số DAX giảm 1,20% và chỉ số CAC40 giảm 0,65%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc số ca lây nhiễm Covid-19 mới tăng vọt ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục, nhất là tại Hàn Quốc cũng khiến các thị trường chính trong khu vực chìm trong sắc đỏ, nhất là chứng khoán Hàn Quốc. Tuy nhiên, chứng khoán Trung Quốc lại vẫn duy trì đà tăng nhờ các chính sách nới lỏng tiền tệ kích thích kinh tế của Bắc Kinh, qua đó có tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 4 năm ngoái. Chứng khoán Nhật Bản giảm không mạnh nhờ đồng yên yếu.

Kết thúc phiên 21/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 92,41 điểm (-0,39%), xuống 23.386,74 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 9,51 điểm (+0,31%), lên 3.039,67 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 300,35 điểm (-1,09%), xuống 27.308,81 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 32,66 điểm (-1,49%), xuống 2.162,84 điểm.

Ngoại trừ chứng khoán Trung Quốc có tuần tăng thứ 2 liên tiếp, cũng là tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 4 năm ngoái, các thị trường khác đều giảm điểm trong tuần qua, trong đó chứng khoán Nhật Bản có tuần giảm thứ 2 liên tiếp, chứng khoán Hồng Kông và Hàn Quốc chấm dứt chuỗi 2 tuần tăng trước đó. Cụ thể, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,27%, chỉ số Hang Seng giảm 1,82%, Shanghai Composite tăng tới 4,18% và Kospi giảm 3,60%.

Nỗi lo virus Covid-19 bùng phát ở các nước ngoài Trung Quốc khiến giới đầu tư đổ xổ rót tiền vào vàng như là kênh trú ẩn an toàn, giúp giá kim loại quý này tăng vọt trong phiên cuối tuần, ghi nhận trọn 1 tuần tăng giá.

Kết thúc phiên 21/2, giá vàng giao ngay tăng 23,8 USD (+1,47%), lên 1.643,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 28,3 USD (+1,75%), lên 1.648,8 USD/ounce.

Với nỗi lo virus Covid-19 bùng phát, giá vàng đã có tuần tăng thứ 2 liên tiếp, với mức tăng mạnh  3,75% và 3,93%.

Với diễn biến xấu của dịch Covid-19 và dữ liệu kinh tế kém tích cực của Mỹ vừa công bố, gần như tuyết đối các nhà phân tích và giới đầu tư đều đặt cược vào đà tăng của giá vàng trong tuần mới.

Cụ thể, trong 15 chuyên gia trả lời khảo sát, có 14 người, chiếm 93% dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng, cao hơn nhiều con số 65% của tuần trước, chỉ có duy nhất 1 người dự báo giảm, chiếm 7%, trong khi không có ai giữ quan điểm trung lập hay dự báo giá vàng đi ngang.

Tương tự, trong 1.125 người tham gia trả lời trực tuyến, có 820 lượt, chiếm 73% dự báo giá vàng sẽ tăng, cao hơn con số 65% của tuần trước; 192 dự báo giảm, chiếm 17%, thấp hơn con số 20% của tuần trước; và 109 người, chiếm 10% dự báo giá vàng đi ngang.

Trong khi đó, nỗi lo virus Covid-19 bùng phát lại tác động tiêu cực lên giá dầu thô, khiến giá dầu quay đầu giảm trở lại trong phiên cuối tuần sau các phiên tăng giá ấn tượng trước đó nhờ thông tin hỗ trợ về hạn chế nguồn cung và từ kho dự trữ dầu thô của Mỹ.

Kết thúc phiên 21/2, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,50 USD (-0,94%), xuống 53,38 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,81 USD (-1,38%), xuống 58,50 USD/thùng.

Dù điều chỉnh trong phiên cuối tuần, nhưng với các phiên tăng tốt trước đó, giá dầu thô có tuần tăng thứ 2 liên tiếp với mức tăng lần lượt là 2,56% và 2,06%.

Tin bài liên quan