Giới đầu tư siết chặt quản trị rủi ro

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Chính sách thuế quan mới từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang dẫn tới công cuộc đánh giá lại rủi ro trên khắp các lớp tài sản, từ tiền tệ, cổ phiếu đến trái phiếu ở các thị trường mới nổi.

Khẩu vị rủi ro suy giảm

Các chiến lược gia hàng đầu của Societe Generale SA không ngần ngại sử dụng hình ảnh “quả bóng phá hủy” khi mô tả tác động của chính sách thuế quan của Mỹ lên các đồng tiền thị trường mới nổi và nhận định, đồng nhân dân tệ Trung Quốc có thể phải đối mặt với sự mất giá, đồng Rand Nam Phi và các đồng tiền Mỹ Latinh sẽ duy trì ở mức yếu…

Trên thực tế, ngay trong tuần đầu tiên sau khi Mỹ thông báo sẽ áp dụng chính sách thuế quan 10% lên hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các nước và các mức thuế cao hơn đối với nhiều nước khác, đồng Peso Colombia và Rupiah Indonesia ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong nhóm tiền tệ thị trường mới nổi. Bên cạnh đó, chỉ số cổ phiếu MSCI thị trường mới nổi giảm 3,7%.

“Ngay cả khi kịch bản tồi tệ nhất cũng không xảy ra ngay lập tức, trong khi sự bất ổn hiện tại đã gây ra thiệt hại thực sự”, ông Tamas Cser, nhà quản lý quỹ tại Hold Alapkezelo Zrt ở Budapest nói và nhận xét, khẩu vị đầu tư đang suy giảm trên toàn cầu.

Ngày 15/4/2025, Trung Quốc đã hạ giá tham chiếu cho đồng Nhân dân tệ xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2023. Động thái này được xem là phản ứng trực tiếp trước áp lực từ chính sách thương mại của Mỹ, đồng thời làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tiền tệ có thể xảy ra.

Không chỉ vậy, bất ổn từ chính sách thuế quan diễn ra trong bối cảnh không ít thị trường mới nổi đã phải vật lộn với những thách thức nội tại. Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia vừa trải qua cuộc khủng hoảng nội bộ, ước tính mất thêm 10 tỷ USD dự trữ ngoại hối do tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ.

Morgan Stanley đã điều chỉnh dự báo rằng, đồng Lira Thổ Nhĩ Kỳ sẽ yếu hơn vào cuối năm nay và khuyến nghị các nhà đầu tư tránh các giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade) với đồng Lira.

Các vấn đề nội bộ tại Indonesia và Hàn Quốc cũng làm tăng thêm mối lo ngại của nhà đầu tư về việc chấp nhận rủi ro ở các thị trường mới nổi.

Tại Singapore, ngân hàng trung ương nước này quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ vào ngày 14/4/2025, viện dẫn những rủi ro đối với triển vọng kinh tế do căng thẳng thương mại toàn cầu.

Trước đó, Philippines và Ấn Độ quyết định hạ lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, chấp nhận nguy cơ thị trường tiền tệ biến động mạnh hơn.

Ông David Chao, chiến lược gia thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Invesco cho rằng, việc các thị trường mới nổi tái định hình sự ưu tiên theo hướng này có thể khiến đồng nội tệ đối mặt với áp lực lớn hơn trong năm nay, khi ngân hàng trung ương đẩy mạnh kích thích kinh tế thông qua nới lỏng chính sách tiền tệ.

Sự chuyển hướng chiến lược

Ngược lại với xu hướng suy yếu của phần lớn các đồng tiền, đồng Yên của Nhật Bản đã tăng 2,3% so với USD trong tuần từ ngày 7 - 14/4/2025 và đạt mức cao nhất kể từ tháng 9/2024. Sự lạc quan về đồng Yên lan rộng giữa các quỹ đầu cơ và nhà quản lý tài sản, khi họ đánh giá cao tính chất trú ẩn an toàn của đồng tiền này trong bối cảnh bất ổn thương mại toàn cầu.

Theo dữ liệu của Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai (CFTC), các quỹ đòn bẩy đang lạc quan nhất về đồng Yên kể từ tháng 1/2021, trong khi các nhà quản lý tài sản tăng cường vị thế mua đồng Yên lên mức cao kỷ lục trong dữ liệu kể từ năm 2006.

Trong bối cảnh chung có nhiều rủi ro, một số thị trường cổ phiếu nổi lên như là điểm trú ẩn an toàn. Chẳng hạn, Ấn Độ, quốc gia có chỉ số cổ phiếu chỉ giảm khoảng một nửa so với mức giảm trung bình của khu vực châu Á kể từ khi các mức thuế quan được Mỹ công bố ngày 2/4/2025.

“Cổ phiếu Ấn Độ đang trở thành nơi an toàn tương đối trong bối cảnh bất ổn thương mại toàn cầu, như chiếc áo sơ mi sạch nhất trong khu vực, với sự phụ thuộc thương mại hạn chế”, ông Chetan Seth, chiến lược gia cổ phiếu châu Á tại Nomura Holdings Inc. nhận xét.

Một xu hướng đáng chú ý khác là các nhà đầu tư đang chuyển hướng quan tâm từ các yếu tố chính trị sang các yếu tố kinh tế cơ bản.

“Các nhà đầu tư sẽ đặt nhiều trọng số hơn vào nền tảng kinh tế và cố gắng nhìn xuyên suốt qua các đợt hỗn loạn chính trị”, bà Malin Rosengren, nhà quản lý quỹ tại RBC BlueBay nhận định.

Nhiều chuyên gia dự báo, triển vọng ngắn hạn cho thị trường tài chính toàn cầu, đặc biệt là các thị trường mới nổi, vẫn đang đối mặt với thách thức. Sự bất ổn có thể sẽ kéo dài, ít nhất cho đến khi có thêm thông tin rõ ràng về phạm vi, mức độ và thời gian Mỹ áp dụng các biện pháp thuế quan. Những quốc gia có tỷ lệ nợ ngoại tệ cao hoặc phụ thuộc vào thương mại quốc tế sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Ngày 14/4/2025, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra cảnh báo, các rủi ro địa chính trị trên thế giới đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ qua và chiến tranh thương mại có thể đẩy hệ thống tài chính toàn cầu vào vòng xoáy bất ổn. Sự bất ổn này có thể dẫn đến sự điều chỉnh dai dẳng về giá tài sản, đe dọa sự ổn định tài chính vĩ mô toàn cầu.

Tin bài liên quan