Sau một ngày nghỉ Lễ Tạ ơn, phố Wall quay lại giao dịch bằng một phiên tồi tệ nhất năm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm thứ Sáu tổ chức họp khẩn để thảo luận về biến thể SARS-CoV-2 mới được phát hiện ở Nam Phi.
Theo đó, biến thể này lan nhanh tại Nam Phi và các nhà khoa học phát hiện hơn 30 sự biến đổi trong protein gai của virus, bộ phận giúp virus bám vào tế bào. Nhiều biến đổi của B.1.1529 hay còn gọi là Omicron liên quan đến sự gia tăng khả năng chống lại kháng thể, qua đó làm giảm độ hiệu quả của vắc-xin.
Sau vài tháng ổn định ở mức 200 ca nhiễm mới một ngày, Nam Phi báo cáo hơn 1.200 ca vào 24/11 và 2.465 ca vào 25/11. Botswana và Hồng Kông (Trung Quốc) cũng ghi nhận xuất hiện biến thể này.
Thông báo của WHO đánh dấu lần đầu tiên sau nhiều tháng, cơ quan này xếp một biến chủng Covid-19 vào nhóm "đáng lo ngại".
Chính phủ Vương quốc Anh đã ban hành lệnh cấm các chuyến bay từ Nam Phi cùng với năm quốc gia châu Phi khác, có hiệu lực bắt đầu vào ngày 26/11. Israel đã cấm di chuyển đến một số quốc gia sau khi có báo cáo về một trường hợp biến thể ở khách du lịch. Theo sau, Canada và EU cũng đóng cửa biên giới với các nước xuất hiện biến thể.
Đang dành kỳ nghỉ lễ Tạ ơn cuối tuần trên đảo Nantucket, Massachusetts, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo, Mỹ sẽ cấm hầu hết hành khách đến từ tám quốc gia phía nam châu Phi bắt đầu từ thứ Hai (29/11).
Nỗi sợ hãi về biến thể virus mới đã làm lu mờ sự nhộn nhịp thông thường vào Black Friday, một trong những ngày hội mua sắm lớn nhất trong năm tại Mỹ.
Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, tăng lên 28 điểm, mức cao nhất trong 2 tháng.
Các cổ phiếu hàng không và du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong phiên đêm qua với cổ phiếu Carnival và Royal Caribbean lần lượt giảm 11% và 13,2%. Cổ phiếu United Airlines giảm 9%, American Airlines giảm 8,8%, Boeing giảm hơn 5%, Marriott International giảm gần 6,5%.
Ngược lại, cổ phiếu dược lên ngôi với Moderna bứt phá hơn 20%, Pfizer vọt 6,1%.
Cả 3 chỉ số chính trên phố Wall chìm trong sắc đỏ, chứng kiến phiên lao dốc mạnh nhất năm nay.
Kết thúc phiên 26/11, chỉ số Dow Jones giảm 905,04 điểm (-2,53%), xuống 34.899,34 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 106,84 điểm (-2,27%), xuống 4.574,62 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 353,57 điểm (-2,23%), xuống 15.491,66 điểm.
Trong tuần, S&P 500 giảm 2,34%, Dow Jones giảm 2,71%, trong khi Nasdaq Composite tăng 1,24%.
Đồng điệu với phố Wall, chứng khoán châu Âu đỏ lửa trong phiên trở lại sau ngày nghỉ lễ trong bối cảnh giới đầu tư sợ hãi trước biến thể mới, trong khi dịch bệnh đang tái bùng phát trở lại tại khu vực. Đây cũng là phiên tồi tệ nhất trong năm nay của chứng khoán châu Âu.
Kết thúc phiên 26/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 266,34 điểm (-3,64%), xuống 7.044,03 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 660,94 điểm (-4,15%), xuống 15.257,04 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 336,14 điểm (-4,57%), xuống 6.739,73 điểm.
Kết thúc tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 2,49%, chỉ số DAX giảm 5,59%, chỉ số CAC 40 giảm 5,24%.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản lao dốc trước lực bán tháo do biến thể mới gây hoang mang giới đầu tư.
Tương tự, các thị trường châu Á khác cũng giảm mạnh sau khi tin tức về biến thể mới được WHO công bố.
Thông tin đáng chú ý khác là việc các nhà quản lý Trung Quốc đã yêu cầu tập đoàn Didi hủy niêm yết tại phố Wall do lo ngại về bảo mật dữ liệu.
Kết thúc phiên 26/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 747,66 điểm (-2,53%), xuống 28.751,62 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 20,09 điểm (-0,56%), xuống 3.564,09 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 659,64 điểm (-2,67%), xuống 24.080,52 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 43,83 điểm (-1,47%), xuống 2.936,44 điểm.
Kết thúc tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 3,34%, chỉ số Shanghai Composite tăng 0,10%, chỉ số Hang Seng giảm 3,87%, chỉ số KOSPI tăng 1,16%.
Dù có lúc tăng vọt vì lo sợ biến chủng mới trong phiên đêm qua song giá vàng kết thúc phiên chỉ tăng nhẹ và ghi nhận giảm gần 3% trong tuần này, về dưới 1.800 USD.
Kim loại quý ghi nhận tuần tệ nhất kể từ giữa tháng 6, chịu sức ép từ dự báo Fed nâng lãi suất do lạm phát tăng chóng mặt.
Kết thúc phiên 26/11, giá vàng giao ngay tăng 0,80 USD (+0,04%), lên 1.791,80 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 1,20 USD (+0,07%), lên 1.785,50 USD/ounce.
Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 2,88%, giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 3,6%.
Trong khảo sát về giá vàng tuần tới của Kitco với 15 chuyên gia trên phố Wall, có 5 người dự báo vàng sẽ tăng giá, 5 người cho rằng giá vàng sẽ giảm và có 5 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang.
Đối với khảo sát trực tuyến với 1.527 người tham gia, 67% tin rằng giá vàng sẽ tăng, 20% cho rằng giá vàng giảm và 13% có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.
Giá dầu lao dốc không phanh trong phiên ngày thứ Sáu, ghi nhận mức giảm lớn nhất trong phiên kể từ tháng 4/2020 trong bối cảnh biến thể mới khiến các nhà đầu tư run sợ, đồng thời khiến lo ngại dư cung tăng lên trong quý đầu năm sau.
OPEC+ cho biết đang theo dõi các diễn biến xung quanh biến thể các nguồn tin và một số quan chức bày tỏ lo ngại rằng tình hình dịch bệnh có thể làm xấu đi triển vọng thị trường dầu thô trong thời gian tới. Chưa đầy một tuần nữa, OPEC sẽ có cuộc họp để thiết lập chính sách.
Kết thúc phiên 26/11, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 10,24 USD (-13,1%), xuống 68,15 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 9,50USD (-11,60%), xuống 72,72 USD/thùng.
Trong tuần, dầu Brent giảm 8%, trong khi WTI giảm 10,4%.