Cả ba chỉ số chứng khoán chính trên Phố Wall đều chịu tổn thất mạnh, mất khoảng 1/3 so với mức tăng của phiên trước đó, do những tín hiệu về căng thẳng thương mại Washington-Bắc Kinh leo thang, làm giảm sự lạc quan về dữ liệu kinh tế và sự không chắc chắn xung quanh cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Âu.
Sau khi ông Trump tuyên bố hoãn thuế quan trong 90 ngày vào thứ Tư, chỉ số S&P 500 đã tăng 9,5%, mức tăng trong một ngày lớn nhất kể từ tháng 10/2008. Chỉ số Nasdaq tăng vọt 12,2%, ghi nhận phiên tăng cao thứ hai trong lịch sử.
Dù vậy, thực tế cho thấy S&P 500 hiện vẫn vẫn thấp hơn nhiều so với mức điểm trước khi thuế quan đối ứng được công bố vào tuần trước.
"Các nhà đầu tư vẫn không thoải mái với tình hình hiện tại, bởi vì họ không biết trò chơi cuối cùng của Trump là gì. Nhưng những gì chúng ta đang thấy vẫn là mối quan tâm hàng đầu của nhà đầu tư là về thuế quan và đó là nơi mọi thứ sẽ chịu ảnh hưởng”, Paul Nolte, cố vấn tài sản cấp cao tại Murphy & Sylvest ở Elmhurst, Illinois nhận định.
Về mặt dữ liệu, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 3 cho tín hiệu tích cực khi tiếp tục lùi bước, trong đó, CPI lõi đã hạ nhiệt xuống còn 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đã rất gần với mục tiêu lạm phát 2% của Fed.
Nhưng con đường phía trước của Fed, trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra đã trở nên ít rõ ràng hơn.
Theo đó, Thống đốc Fed Michelle Bowman cho biết hôm thứ Năm rằng, trong khi nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ, tác động của các chính sách thương mại của Trump là không rõ ràng.
Còn Chủ tịch Fed Chicago Austan Goolsbee cho biết lộ trình cắt giảm lãi suất có thể tiếp tục diễn ra, nhưng sau khi những bất ổn xung quanh chính sách thương mại đã được giải quyết.
Kết thúc phiên 10/4: Chỉ số Dow Jones giảm 1.014,79 điểm (-2,50%), xuống 39.593,66 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 188,85 điểm (-3,46%), xuống 5.268,05 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 737,66 điểm (-4,31%), xuống 16.387,31 điểm.
Chứng khoán châu Âu tăng vọt, với hầu hết các chỉ số chính ghi nhận mức tăng trong một ngày lớn nhất kể từ năm 2022, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tạm dừng thuế quan đối với hầu hết các đối tác thương mại.
Liên minh châu Âu hôm thứ Năm cũng đã thông báo tạm dừng các biện pháp đối phó của riêng mình đối với hàng nhập khẩu trị giá khoảng 21 tỷ euro của Mỹ.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 3,7% lên 487,28 điểm, với các sàn giao dịch lớn trong khu vực tăng từ 3% đến 4,7%.
Trong đó, chỉ số ở Đức, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh ghi nhận ngày tốt nhất kể từ tháng 3/2022. Chỉ số CAC 40 của Pháp tăng 3,8%, phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 10/2022.
Đà hồi phục là một tín hiệu cho thấy sự nhẹ nhõm đáng hoan nghênh trong tâm lý các nhà đầu tư sau một đợt bán tháo tài sản chéo trước đó, khi sự không chắc chắn và lo ngại về tác động rộng rãi từ thuế quan của Mỹ đối với tăng trưởng kinh tế khu vực cũng như toàn cầu.
Tuy nhiên, sự không chắc chắn vẫn còn, khi ông Trump tiếp tục tăng thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Trong khi mức thuế 10% phổ quát và thuế quan đối với nhập khẩu ô tô cũng vẫn có hiệu lực.
"Mức thuế 10% đối với hàng nhập khẩu của châu Âu vẫn rất, rất cao và hoàn toàn không có gì đảm bảo rằng một thỏa thuận sẽ được thực hiện, chúng tôi đã xây dựng trong 90 ngày không chắc chắn khổng lồ bây giờ", Michael Brown, chiến lược gia nghiên cứu cấp cao tại Pepperstone cho biết.
Một thước đo về sự biến động của thị trường chứng khoán khu vực đồng euro (VSTOXX) vẫn ở mức cao 37 điểm, cho thấy các nhà giao dịch vẫn đang dự báo sẽ có những biến động lớn trên thị trường.
Kết thúc phiên 10/4: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 233,77 điểm (+3,04%), lên 7.913,25 điểm. Chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 891,85 điểm (+4,53%), lên 20.562,73 điểm. Chỉ số CAC 40 của Paris tăng 263,00 điểm (+3,83%), lên 7.126,02 điểm.