Đầu tuần này, chứng khoán Mỹ chứng kiến phiên giao dịch tồi tệ nhất trong vòng 9 tháng do những lo lắng về tình hình căng thẳng của dịch bệnh đè nặng lên tâm lý của các nhà đầu tư. Theo các nhà phân tích, phản ứng của thị trường trong phiên giao dịch ngày 19/7 là “thái quá” và dòng tiền bắt đáy đã mạnh mẽ nhập cuộc vào phiên đêm qua trước sự tích cực đến từ mùa báo cáo quý II.
Mùa báo cáo quý II đạt được thành công rực rỡ cho đến hiện tại khi 91% trong số 56 công ty S&P 500 đã công bố kết quả có kết quả vượt kỳ vọng, Refinitiv cho biết.
Mức tăng trưởng về doanh thu của các công ty S&P 500 trong quý II cho đến nay đạt 72,9% so với cùng kỳ, một sự cải thiện đáng kể so với mức tăng trưởng 54% vào quý đầu tiên.
Mặt khác, đà tăng phục hồi ổn định trong phiên khi sự khởi sắc của lợi suất trái phiếu Mỹ xoa dịu lo ngại rằng sự tái bùng phát dịch Covid-19 sẽ kìm hãm đà phục hồi kinh tế.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 2,9 điểm cơ bản lên 1,210%, đồng thời giúp cổ phiếu nhóm ngân hàng khởi sắc. Lợi suất trên trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã giảm gần 30 điểm cơ bản trong vòng một tuần trước sau khi dữ liệu về lạm phát tháng 6 của Mỹ tăng mạnh nhất trong 13 năm.
Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ hôm thứ Ba cho biết, số ca nhiễm Covid-19 do biến thể Delta gây ra đang gia tăng đáng kể và hiện chiếm tới 83% các mẫu được giải trình tự gen tại Mỹ. Ngoài ra, số ca nhiễm tập trung nhiều ở các khu vực có tỷ lệ tiêm vắc-xin thấp.
Kết thúc phiên 20/7, chỉ số Dow Jones tăng 549,95 điểm (+1,62%), lên 34.511,99 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 64,57 điểm (+1,52%), lên 4.323,06 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 223,89 điểm (+1,57%), lên 4.498,88 điểm.
Chứng khoán châu Âu phục hồi ổn định vào thứ Ba sau đợt bán tháo tồi tệ nhất trong năm nay trong phiên trước đó nhờ kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp trong quý II.
Các nhà phân tích kỳ vọng, lợi nhuận tại các công ty STOXX600 trong quý II sẽ tăng 108,6% so với cùng kỳ khi các hạn chế được nới lỏng trên khắp châu Âu trong vài tháng qua, theo Refinitiv.
Kết thúc phiên 20/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 36,74 điểm (+0,54%), lên 6.881,13 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 83,07 điểm (+0,55%), lên 15.216,27. Chỉ số CAC 40 tại tăng 50,88 điểm (+0,81%), lên 6.346,85 điểm.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản phiên ngày hôm qua giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng khi thị trường lo ngại các trường hợp nhiễm mới Covid-19 trên toàn cầu có thể khiến đà phục hồi kinh tế chậm lại.
Chứng khoán Trung Quốc kết thúc phiên gần như không đổi, khi giới đầu tư ít phản ứng với việc Bắc Kinh giữ nguyên lãi suất cho vay chuẩn.
Chứng khoán Hồng Kông giảm, ảnh hưởng tiêu cực từ nhóm cổ phiếu bất động sản trước lùm xùm xung quanh vụ việc của Evergrande Group.
Chứng khoán Hàn Quốc có phiên giảm điểm thứ ba liên tiếp khi các ông lớn trong ngành công nghệ tiếp tục suy yếu và lo lắng về các ca nhiễm Covid-19 mới gia tăng trên toàn cầu.
Kết thúc phiên 20/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 264,58 điểm (-0,96%), xuống 27.388,16 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 2,33 điểm (-0,06%), xuống 3.536,79 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 230,53 điểm (-0,84%), xuống 27.259,25 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 11,34 điểm (-0,35%), xuống 3.232,70 điểm.
Giá vàng đêm qua giảm nhẹ trong bối cảnh đồng USD ổn định và lãi suất trái phiếu tăng. Ngoài ra, dòng tiền đổ vào chứng khoán cũng ảnh hưởng tới giá vàng.
Kết thúc phiên 20/7, giá vàng giao ngay giảm 2,70 USD (-0,14%), xuống 1.809,90 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 2,20 USD (+0,12%), lên 1811,40 USD/ounce.
Giá dầu tăng trở lại vào thứ Ba khi giới đầu tư tranh thủ cơ hội mua vào với mức thấp nhất trong vòng hai tháng sau phiên giảm mạnh trước đó.
Bên cạnh đó, dự trữ xăng và dầu thô của Mỹ lần lượt tăng 806.000 thùng và 3,3 triệu thùng trong tuần trước, hai nguồn tin thị trường trích dẫn thông tin từ Viện Dầu mỏ Mỹ tiết lộ. Nếu những con số trên được xác nhận bởi các số liệu chính thức được công bố vào ngày 21/7 thì đây sẽ tuần tăng đầu tiên sau chuỗi 8 tuần giảm liên tiếp trong kho dự trữ của Mỹ.
Kết thúc phiên 20/7, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 1,00 USD (+1,5%), lên 67,42 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,73 USD (+1,1%), lên 69,35 USD/thùng.